Lỗi lầm ở những vì sao - Chương 05 - Phần 1
CHƯƠNG NĂM
Tôi không nói chuyện với Augustus khoảng
một tuần sau đó. Tôi đã gọi cho cậu ấy vào cái Đêm Của Những Chiếc Cúp Vỡ, nên
theo thường lệ thì đến lượt cậu ấy. Nhưng cậu ấy chẳng hề gọi. Tôi cũng không
phải kiểu suốt ngày ôm khư khư điện thoại trong lòng bàn tay đẫm mồ hôi, nhìn
chằm chằm nó trong khi mặc chiếc Váy Vàng Độc Đáo, kiên nhẫn chờ đợi cuộc gọi
đến từ vị lãng tử của mình như đúng tên gọi của cậu ấy. Tôi quay về với cuộc
sống của mình: Uống cà phê với Kaitlyn và bạn trai (đáng yêu nhưng thành thực
mà nói thì chẳng có tí chất gì giống Augustus) của cô ấy vào buổi chiều; đều
đặn uống Phalanxifor theo chỉ định; đến lớp ba buổi sáng trong tuần ở MCC; và
cùng ngồi ăn với bố mẹ mỗi tối.
Tối chủ nhật, chúng tôi ăn món pizza ớt
xanh và súp lơ xanh. Cả nhà đang ngồi quây quần bên chiếc bàn tròn be bé trong
bếp thì điện thoại tôi réo lên, nhưng tôi không được nghe máy vì ở nhà có một
quy định ngặt nghèo là không-điện-thoại-trong-khi-ăn.
Thế nên tôi nhấm nháp một chút thức ăn
trong khi bố mẹ nói chuyện về vụ động đất mới xảy ra ở Papua New Guinea. Ngày
xưa hai người đã gặp nhau trong chiến dịch tình nguyện của Peace Corps[23] ở Papua New Guinea, thế nên bất cứ khi nào có
chuyện gì, kể cả tin xấu đi nữa, họ bỗng nhiên như không còn là những người lớn
đã ổn định cuộc sống của mình nữa mà trở nên tươi trẻ, lý tưởng, tự lập và gian
truân như một thời từng vậy, họ cứ say sưa đến nỗi chẳng thèm để ý đến tôi đang
ăn nhanh hơn bao giờ hết, đưa thức ăn từ đĩa vào miệng với tốc độ tàn bạo kinh
hoàng khiến tôi gần như nghẹt thở, tất nhiên làm tôi sợ có khi hai lá phổi của
mình sẽ lại bì bõm trong một bể tràn đầy dịch lần nữa. Tôi nhanh chóng xua tan
ý nghĩ này trong đầu. Tôi có lịch chụp PET[24] trong một hai
tuần nữa. Nếu có điều gì không ổn thì tôi sẽ sớm biết thôi. Từ giờ đến lúc ấy
có lo lắng cũng chẳng giúp được gì.
[23] Đoàn quân Hòa bình, một chương trình tình nguyện của Chính phủ Hoa Kỳ.
[24] Positron emission tomography. Chụp cắt lớp phát xạ positron.
Thế nhưng tôi vẫn thấy lo. Tôi vẫn yêu
thích cuộc sống này. Tôi vẫn muốn níu giữ nó. Lo lắng cũng lại là một ảnh hưởng
phụ của việc đang chết mà thôi.
Cuối cùng tôi cũng ăn xong và nói, “Con
xin phép nhé?” trong khi họ vẫn chẳng ngừng cuộc trò chuyện về điểm mạnh và
điểm yếu của cơ sở hạ tầng ở Guinea. Tôi rút điện thoại từ trong ví để trên
quầy bếp ra và kiểm tra nhật ký cuộc gọi. Augustus Waters.
Tôi đi ra cửa sau bước vào ánh trời
chạng vạng. Tôi có thể thấy chiếc ghế đu và nghĩ tới chuyện ngồi đó đung đưa
trong khi nói chuyện với Augustus, nhưng khoảng cách dường như quá xa vì chuyện ăn uống đã khiến tôi phát
mệt.
Thay vì đó, tôi ngồi bệt xuống thảm cỏ
mép vườn, ngó lên chòm Lạp Hộ, chòm sao duy nhất tôi có thể nhận ra, và gọi cho
cậu ấy.
“Hazel Grace,” cậu ấy nhấc máy.
“Chào,” tôi nói. “Cậu khỏe chứ?”
“Tuyệt lắm,” cậu ấy đáp. “Tớ đã muốn gọi cho cậu gần như từng
phút một, nhưng tớ đã đợi cho đến khi tớ có thể định hình được một suy nghĩ
hoàn chỉnh về vấn đề Nỗi đau tột cùng.”
(Cậu ấy dùng từ “về vấn đề.” Cậu ấy nói thế. Anh chàng đó.)
“Và?” tôi hỏi.
“Tớ nghĩ nó giống như… Đọc nó tớ cứ có cảm giác như là, giống
như…”
“Giống như gì hả?” tôi trêu cậu ta.
“Như một món quà?” cậu ấy hỏi kiểu dò xét. “Như là cậu đã
tặng tớ một thứ gì đó rất quan trọng.”
“Ồ,” tôi khẽ thốt lên.
“Tệ quá,” cậu ấy nói. “Tớ xin lỗi.”
“Không sao,” tôi bảo. “Không sao mà. Đừng xin lỗi tớ.”
“Nhưng nó không hề kết thúc.”
“Ừ,” tôi nói.
“Tra tấn. Tớ hoàn toàn hiểu được, như kiểu, hiểu được là cô ấy
chết hay gì cũng được.”
“Ừ, tớ cũng đoán như thế,” tôi nói.
“Và thôi được, cứ cho là thế, nhưng có
một thỏa thuận bất thành văn giữa tác giả và độc giả và tớ nghĩ không kết thúc
câu chuyện cũng là một kiểu vi phạm thỏa thuận đấy.”
“Tớ không biết,” tôi đáp, cảm thấy như
đang bênh vực Peter Van Houten. “Đấy cũng là một phần tớ thích về quyển này theo
một cách nào đó. Nó miêu tả chân thực về cái chết. Chúng ta chết ngay giữa cuộc
đời, ngay giữa một câu văn. Nhưng tớ muốn – Chúa ơi, tớ thực sự muốn biết
chuyện gì đã xảy ra với những người khác nữa. Tớ đã hỏi ông ấy trong mấy lá
thư. Nhưng ông ấy thì, ừ, chẳng bao giờ trả lời cả.”
“Ừ. Cậu nói ông ấy sống ẩn dật à?”
“Đúng vậy.”
“Không một dấu vết?”
“Đúng thế.”
“Hoàn toàn không liên lạc được,”
Augustus nói.
“Đáng tiếc là vậy,” tôi đáp.
“‘Thưa ngài Waters,’” cậu ấy trả lời. “‘Tôi
viết thư này nhằm gửi lời cảm ơn vì bức thư điện tử mà tôi đã nhận được thông
qua quý cô Vliegenthart vào mùng sáu tháng Tư này, đến từ Hợp chủng quốc Hoa
Kỳ, ở một chừng mực nào đó mà khoảng cách địa lý có thể nói là đang tồn tại ở
thời đại số hóa đáng tự hào này của chúng ta.’”
“Augustus, cái quái gì đó?”
“Ông ấy có một người trợ lý,” Augustus nói. “Lidewij
Vliegenthart. Tớ đã tìm được cô ấy. Tớ gửi mail. Cô ấy chuyển cho ông bức email
đấy. Rồi ông ấy trả lời tớ theo địa chỉ kia.”
“Được rồi, được rồi. Cậu đọc tiếp đi.”
“‘Thư phúc đáp của tôi vốn được viết bằng mực và giấy như
những thời quá khứ huy hoàng của tổ tiên cha ông chúng ta, sau đó được phiên mã
qua một dãy các con số 1 và 0 nhằm du hành trong mạng lưới tẻ nhạt đã mê hoặc
giống loài của chúng ta gần mới đây, do đó xin được thứ lỗi nếu có bất kỳ sai
lầm hay thiếu sót nào có thể xảy ra.
“‘Với vô vàn những thú vui chơi chè chén được sắp đặt sẵn
dành cho những quý ngài quý cô trẻ tuổi trong thế hệ của ngài, tôi vô cùng cảm
kích trước bất kỳ ai ở bất kỳ nơi đâu đã dành ra một vài giờ cần thiết đọc cuốn
sách bé nhỏ này. Nhưng tôi đặc biệt mang ơn ngài, thưa ngài, không chỉ vì những
lời lẽ tốt đẹp của ngài dành cho Nỗi
đau tột cùng mà còn vì đã bớt chút thời gian cho tôi biết rằng cuốn
sách, như tôi trích nguyên văn ở đây, “có ý nghĩa rất lớn” đối với ngài.
“‘Lời nhận xét này, tuy thế, lại khiến tôi băn khoăn: Theo
ngài thì có ý nghĩa mang ý
nghĩa như thế nào? Khi mà cuộc đấu tranh với kết cục chỉ là phù phiếm, chút ý
nghĩa trào dâng ngắn ngủi mà nghệ thuật đem lại cho chúng ta có thực sự có giá
trị? Hay là chỉ giá trị trong việc khiến thời gian trôi qua trở nên dễ chịu
nhất có thể? Một câu chuyện nên đi theo chiều hướng nào đây, ngài Augustus? Một
hồi chuông cảnh tỉnh? Một lời kêu gọi chiến đấu? Một liều thuốc giảm đau? Dĩ
nhiên, như mọi lẽ nghi vấn trong vũ trụ, dòng thắc mắc này chắc hẳn lại khiến
chúng ta trở về với câu hỏi liệu cuộc sống con người có giá trị gì và phải
chăng – xin mượn lời những đứa trẻ mười sáu đầy gánh nặng ưu tư mà chắc hẳn
ngài không khỏi căm ghét – tất cả đều
mang một ý nghĩa nào đó.
“‘Tôi e rằng không, bạn của tôi, và hẳn ngài sẽ nhận được
chút khích lệ hiếm hoi từ việc đi sâu hơn vào tác phẩm của tôi. Nhưng để trả
lời câu hỏi của ngài: Không, tôi đã không viết thêm một dòng nào nữa, và vẫn sẽ
như thế. Tôi không cảm thấy rằng việc chia sẻ những ý tưởng của tôi với độc giả
sẽ đem lại bất kỳ lợi ích nào cho cả họ và tôi. Một lần nữa xin cảm ơn vì bức
email hào phóng của ngài.
“‘Trân trọng kính chào, Peter Van Houten, gửi qua Lidewij
Vliegenthart.’”
“Wow,” tôi thốt lên. “Cậu không tự viết cái này đấy chứ?”
“Hazel Grace, liệu tớ, với khả năng trí tuệ ít ỏi của mình,
có thể bịa ra một lá thư từ Peter Van Houten với những cụm từ bay bướm kiểu 'ở
thời đại số hóa đáng tự hào này của chúng ta' không chứ?”
“Cậu thì không,” tôi cũng đồng ý thế. “Tớ có thể, tớ có thể
xin địa chỉ email được không?”
“Tất nhiên,” Augustus đáp, cứ như nó không phải là món quà
quý giá nhất mà tôi từng nhận được.
Tôi dành hai giờ sau đó thể viết một bức email cho Peter Van
Houten. Mỗi lần viết lại nó còn trông tệ hơn, nhưng mà tôi không thể ngừng
được.
Kính gửi Ngài Peter Van Houten
(Xin nhờ chị Lidewij Vliegenthart chuyển giúp),
Cháu là Hazel Grace Lancaster. Bạn cháu,
Augustus Waters, người đã đọc Nỗi
đau tột cùng theo lời cháu giới thiệu, vừa nhận được email từ ngài
theo địa chỉ này. Cháu hi vọng ngài không phiền khi Augustus đã chia sẻ nội
dung bức thư ấy với cháu.
Thưa ngài Van Houten, như cháu hiểu qua
bức thư của ngài cho Augustus, ngài không có ý định sẽ xuất bản bất kỳ cuốn
sách nào nữa. Nói một cách nào đó, điều này vừa khiến cháu thất vọng, nhưng lại
vừa nhẹ nhõm: Cháu sẽ không bao giờ phải lo lắng liệu cuốn sách tiếp theo có
đạt được sự hoàn hảo đáng kinh ngạc như cuốn đầu tiên hay không. Là một bệnh
nhân sống sót đã ba năm qua căn bệnh ung thư giai đoạn IV, cháu có thể nói rằng
ngài đã đúng về mọi chuyện trong Nỗi
đau tột cùng. Hoặc ít nhất ngài đã viết đúng về cháu. Cuốn sách của ngài cho cháu biết cháu đã cảm thấy những gì
ngay cả khi chưa nhận thức được điều đó, và cháu đã đọc đi đọc lại nó hàng chục
lần.
Dù vậy, cháu vẫn luôn băn khoăn không
biết ngài có phiền lòng giải đáp giúp cháu một vài câu hỏi về những gì đã xảy
ra sau cái kết của câu chuyện không. Cháu hiểu rằng cuốn sách kết thúc bởi vì
Anna đã chết hay ốm đến mức không thể tiếp tục viết, nhưng cháu thực sự muốn
biết chuyện gì đã xảy ra với mẹ Anna – liệu bà ấy có lấy chú Tulip Hà Lan hay
không, liệu bà ấy có thêm một đứa bé khác nữa không, hay liệu bà ấy có còn ở số
917 đường W. Temple nữa không, v.v. Còn nữa, liệu chú Tulip Hà Lan có phải là
kẻ lừa đảo không hay ông thực sự yêu hai mẹ con họ? Chuyện gì đã xảy ra với bạn
của Anna – mà cụ thể là Claire và Jake? Họ có ở cùng nhau không? Và cuối cùng –
cháu nhận ra đây là câu hỏi sâu sắc và ý nghĩa nhất mà ngài luôn mong độc giả
sẽ để ý tới – điều gì đã xảy ra với Sisyphus[25] chú chuột
Hamster? Những câu hỏi này đã ám ảnh cháu hàng nhiều năm qua – và cháu không
biết cháu còn đợi được bao lâu để có lời giải đáp.
[25] Trong thần thoại Hy Lạp, các vị thần đã bắt Sisyphus, vua của Ephyra
phải chịu hình phạt mãi mãi lăn một tảng đá lên tới đỉnh một ngọn núi, để rồi
tảng đá lại bị sức nặng của chính nó kéo xuống đất.
Cháu biết đây không phải là những câu
hỏi văn chương quan trọng trong khi cuốn sách của ngài tràn ngập những câu hỏi
văn chương quan trọng ấy, nhưng cháu vẫn thực sự rất muốn biết.
Và tất nhiên, bất cứ khi nào ngài quyết
định sẽ viết thứ gì khác nữa dù không xuất bản chúng, cháu rất mong được đọc
nó. Thành thực mà nói, cháu cũng muốn đọc cả hóa đơn mua hàng tạp hóa của ngài.
Với lòng hâm mộ cuồng nhiệt,
Hazel Grace Lancaster
(16 tuổi)
Sau khi gửi nó đi, tôi gọi lại cho
Augustus, chúng tôi thức đến tận đêm để nói chuyện về Nỗi đau tột cùng, và tôi đã đọc cho cậu ấy nghe bài thơ của Emily
Dickinson[26] mà Van Houten đã dùng để đặt tên cho cuốn sách[27], cậu ấy khen tôi có một giọng đọc tuyệt vời và không
ngắt quá lâu cho mỗi lần xuống dòng, rồi cậu ấy nói với tôi về cuốn sách thứ
sáu của bộ Cái giá của Bình minh,
cuốn Lời chấp thuận Đẫm máu,
cũng bắt đầu với đoạn trích trong một bài thơ. Mất một lúc để tìm quyển sách
nhưng cuối cùng cậu ấy cũng đọc được cho tôi nghe. “‘Hãy nói cuộc đời đang đổ sụp. Nụ hôn cuối trao nhau / Tận năm nảo
năm nào.[28]’.”
[26] Emily Dickinson (1830–1886), nhà thơ nữ người Mỹ.
[27] Bài thơ có tên There's a certain Slant of light. Trong đó câu “An
imperial affliction” đã được dùng để đặt tên cho cuốn sách An Imperial
Affliction (Nỗi đau tột cùng) của Van Houten.
[28] “Say your life broke down. The last good kiss / you had was years
ago.” Trích trong bài thơ Degrees of Gray in Philipsburg của Richard Hugo
(1923–1982), nhà thơ người Mỹ.
“Cũng tạm,” tôi nói. “Hơi màu mè. Tớ tin
Max Mayhem sẽ gọi đấy là ‘sến sẩm’.”
“Ừ, với hàm răng lúc nào cũng cắn chặt
của ông ấy thì chẳng nghi ngờ gì. Chúa ơi, Mayhem nghiến răng suốt cả bộ sách
này. Ông ấy chắc chắn sẽ bị sái quai hàm nếu còn sống sót qua tất cả các trận
chiến mất.” Rồi sau một giây, Gus hỏi, “Nụ hôn cuối của cậu là bao giờ?”
Tôi nghĩ về nó. Những nụ hôn của tôi –
tất cả đều trước khi mắc bệnh – đều không thoải mái và ướt át khó chịu, một
cách nào đó thì cũng như những đứa trẻ con tập chơi trò người lớn. Nhưng tất
nhiên đấy là lâu lắm rồi. “Khoảng vài năm trước,” cuối cùng tôi đáp. “Còn cậu?”
“Tớ đã có vài nụ hôn nồng cháy với người
yêu cũ, Caroline Mathers.”
“Cũng mấy năm rồi à?”
“Lần cuối là chưa đầy một năm trước.”
“Chuyện đấy như thế nào?”
“Lúc hôn á?”
“Không, cậu và Caroline cơ.”
“À,” cậu ấy đáp, ngập ngừng một giây.
“Caroline không còn phải chịu đựng kiếp người đau khổ nữa.”
“Ồ,” tôi nói.
“Ừ,” cậu ấy nói.
“Tớ rất tiếc,” tôi nói. Tôi từng biết
rất nhiều người đã mất, nhưng chưa từng hẹn hò với ai trong số họ. Tôi thực sự
còn không dám nghĩ đến.
“Không phải lỗi của cậu, Hazel Grace.
Chúng ta cũng chỉ là những ảnh hưởng phụ thôi, đúng không?”
“Những con hà bám trên chuyến tàu mang
theo ý thức,” tôi nói, trích một câu trong NĐTC.
“Okay,” cậu ấy nói. “Tớ phải đi ngủ đây.
Gần một giờ rồi.”
“Okay,” tôi nói.
“Okay,” cậu ấy nói.
Tôi cười khúc khích và nói, “Okay.” Đầu
dây bên kia bỗng im lặng nhưng chưa gác máy. Tôi gần như cảm thấy cậu ấy đang ở
đây trong căn phòng này với tôi, nhưng theo một cách còn tuyệt hơn thế, như thể
tôi không ở trong phòng của tôi và cậu ấy cũng không ở trong phòng cậu ấy, thay
vì đó cả hai cùng ở trong một không gian thứ ba vô hình và mong manh mà chỉ có
thể gặp được qua điện thoại.
“Okay,” cậu ấy nói sau một lúc lâu. “Có
thể okay sẽ là luôn luôn của chúng ta.”
“Okay,” tôi đáp.
Cuối cùng Augustus là người gác máy
trước.
Peter Van Houten trả lời thư của
Augustus chỉ bốn tiếng đồng hồ sau khi cậu ấy gửi nó, nhưng đã hai ngày rồi mà
Van Houten vẫn chưa trả lời tôi. Augustus quả quyết với tôi đó là vì lá thư của
tôi sâu sắc hơn và cần những lời đáp đầy ý nghĩa, rằng Van Houten vẫn đang bận
viết câu trả lời cho những câu hỏi của tôi, và những áng tuyệt bút như vậy luôn
cần nhiều thời gian. Nhưng tôi vẫn thấy lo lắng.
Hôm thứ Tư trong giờ Thơ Ca Mỹ Đại Cương
Cho Kẻ Ngốc, tôi nhận được một tin nhắn từ Augustus.
Isaac đã ra khỏi phòng mổ. Mọi thứ vẫn
tốt. Cậu ấy chính thức được xác nhận NEC.
NEC nghĩa là “không có dấu hiệu ung
thư.”[29] Một
vài giây sau tin nhắn thứ hai đến.
[29] Nguyên văn: “no evidence of cancer.”
Ý tớ là, cậu ấy đã bị mù. Thật bất hạnh.
Chiều hôm ấy, mẹ bằng lòng cho tôi mượn
xe để tự lái đến viện Memorial thăm Isaac.
Tôi tìm phòng cậu ấy trên tầng năm, vẫn
gõ cửa dù nó đang mở, một giọng phụ nữ cất lên, “Cháu vào đi.” Đó là một cô y
tá đang làm gì đó với tấm gạc trên đôi mắt của Isaac. “Hey, Isaac,” tôi chào.
Và cậu ấy đáp lại, “Mon?”[30]
[30] Monica.
“Ồ, không. Xin lỗi. Không, tớ là, ừm, Hazel. Ừm, Hazel Nhóm
Tương Trợ? Hazel đêm-của-những-chiếc-cúp-vỡ?”
“À,” cậu ấy đáp. “Ừ, mọi người cứ nói mãi là mấy giác quan
khác sẽ trở nên nhạy hơn để bù lại, nhưng RÕ RÀNG LÀ CHƯA. Chào Hazel Nhóm
Tương Trợ. Nào hãy đến đây để tớ có thể khám phá khuôn mặt cậu với đôi bàn tay
và nhìn sâu vào tâm hồn cậu hơn bất cứ người sáng mắt nào có thể.”
“Cậu ta đùa đấy,” cô y tá nói.
“Dạ,” tôi đáp. “Cháu biết mà.”
Tôi bước về phía chiếc giường, kéo ghế
ra và ngồi xuống nắm lấy tay cậu ấy. “Hey,” tôi gọi.
“Hey,” cậu ấy đáp lại. Rồi cứ thế im
lặng một lúc.
“Cậu thấy sao?” tôi hỏi.
“Ổn,” cậu ấy trả lời. “Tớ không biết
nữa.”
“Không biết gì cơ?” tôi hỏi. Tôi nhìn
vào bàn tay cậu ấy vì tôi không muốn nhìn vào khuôn mặt đó với băng gạc cuốn
quanh đôi mắt. Isaac cắn móng tay, và tôi còn có thể thấy máu rướm ra một đôi
chỗ.
“Cô ấy vẫn chưa đến thăm,” cậu ấy nói.
“Tớ nghĩ chúng tớ đã bên nhau những mười bốn tháng. Mười bốn tháng là một quãng
thời gian dài. Chúa ơi, đau đớn quá.” Isaac buông tay tôi ra để mò mẫm cái máy
truyền thuốc, cái mà mỗi lần bạn ấn vào nó sẽ truyền cho bạn một chút thuốc gây
tê.
Cô y tá đã hoàn tất việc thay băng của
mình, bước trở lại. “Mới một ngày thôi, Isaac,” cô ấy nói, có vẻ trịch thượng.
“Cháu phải tự cho mình thời gian để chữa lành nó. Và mười bốn tháng chưa phải đã dài đâu, so với một
loạt những việc khác. Cháu mới chỉ đang bắt đầu thôi, ngốc ạ. Rồi cháu sẽ
thấy.”
Cô y tá quay đi. “Cô ta đi chưa?”
Tôi gật đầu, rồi nhận ra cậu ấy không
thể nhìn thấy tôi gật đầu. “Rồi,” tôi nói.
“Tớ sẽ thấy? Thật à? Cô ta nói nghiêm túc đấy à?”
“Phẩm chất của một Y Tá Tốt: Bắt đầu
nào,” tôi nói.
“1. Không bao giờ nói kháy về các khuyết
tật của bạn,” Isaac bắt đầu.
“2. Lấy được máu sau mũi đầu tiên,” tôi
nói.
“Nghiêm túc, điều đó có ý nghĩa rất lớn.
Đây là cái tay chết tiệt của tớ hay là cái bia để phóng kim?
“3. Không bao giờ nói
giọng trịch thượng.”
“Cháu thấy sao rồi cưng?” tôi hỏi, giả
vẻ ngọt ngào. “Cô sẽ tiêm cho cháu một mũi bây giờ nhé. Có thể sẽ hơi đau chút
thôi.”
“Sickywicky[31] dễ xương bé nhỏ của tui đây sao?” cậu ấy trả lời.
Rồi một giây sau, “Thực ra hầu hết họ đều tốt bụng. Tớ chỉ muốn biến mẹ nó khỏi
chỗ này thôi.”
[31] Sicky Vicky, nói nhịu. Một nhân vật hài trong chương trình Sonny with
a Chance.
“Chỗ này là bệnh viện à?”
“Chuyện đó nữa,” cậu ấy đáp, miệng mím
chặt. Tôi có thể thấy được nỗi đau đớn đó. “Nói thật, tớ nghĩ đến chuyện của
Monica còn nhiều hơn chính đôi mắt của mình. Thế có điên không? Thật quá điên
rồ.”
“Cũng hơi điên một chút,” tôi đồng ý.
“Nhưng mà tớ tin vào tình yêu đích thực,
cậu biết không? Tớ không tin là mọi người sẽ luôn giữ được đôi mắt hay giữ cho
mình chẳng bị ốm hay gì cũng được, nhưng mọi người nên có một tình yêu đích thực, và nó nên kéo dài cho đến chừng
nào họ còn sống.”
“Ừ,” tôi nói.
“Đôi khi tớ chỉ muốn tất cả mọi chuyện
đã không xảy ra. Tất cả những chuyện ung thư này.” Giọng cậu ấy chậm lại.
Thuốc tê bắt đầu có tác dụng.
“Tớ rất tiếc,” tôi an ủi.
“Gus vừa ở đây lúc nãy. Cậu ấy ở đây lúc tớ tỉnh. Trốn học.
Cậu ấy…” Cậu ấy hơi ngoẹo đầu sang một chút. “Thế dễ chịu hơn,” cậu lẩm bẩm.
“Cậu đau à?” tôi hỏi. Cậu ấy khẽ gật đầu.
“Tốt,” tôi nói. Và rồi, như một đứa mê trai tôi hỏi: “Cậu vừa
nói gì về Gus à?” Nhưng cậu ấy ngủ mất rồi.
Tôi đi xuống tầng dưới vào một cửa hàng quà tặng be bé còn
chẳng có cửa sổ và hỏi một cụ bán hàng tình nguyện hom hem đang ngồi trên chiếc
ghế đẩu sau quầy tính tiền rằng loại hoa nào có hương thơm nhất.
“Cũng như nhau cả thôi. Chúng đều được phun thuốc Siêu Thơm,”
cụ nói.
“Thật ạ?”
“Ừ, họ vừa phun xong đấy.”
Tôi mở tủ mát bên trái cụ ấy và ngửi một khóm hồng, rồi cúi
xuống chỗ mấy bông cẩm chướng. Đúng là mùi giống nhau thật, rất đậm. Hoa cẩm
chướng rẻ hơn, nên tôi đã nhặt ra một tá bông màu vàng. Tất cả hết mười bốn đô
la. Tôi quay trở lại phòng; mẹ cậu đang ở đó, nắm tay cậu ấy. Cô ấy rất trẻ và
thực sự xinh đẹp.
“Cháu là bạn thằng bé à?” Cô ấy hỏi, khiến tôi hơi sững lại
vì đó là một trong những câu hỏi vô tình rất vu vơ nhưng lại khó trả lời.
“Ừm, dạ,” tôi đáp. “Cháu đến từ Nhóm Tương Trợ. Cái này là
dành cho cậu ấy.”
Cô ấy đỡ lấy và đặt chúng lên đùi mình. “Cháu có biết Monica
không?” cô ấy hỏi.
Tôi lắc đầu.
“Ừ, nó đang ngủ,” cô ấy nói.
“Dạ. Cháu có nói chuyện với cậu ấy một lúc trước, lúc họ thay
băng gì đấy.”
“Cô không muốn để nó lại một mình thế này nhưng cô phải đến
trường đón em Graham,” cô ấy nói.
“Cậu ấy sẽ ổn thôi,” tôi an ủi cô ấy. Cô ấy gật đầu. “Cháu
nên để cậu ấy ngủ.” Cô ấy gật đầu lần nữa. Tôi ra về.
Buổi sáng hôm sau tôi dậy rất sớm và việc đầu tiên là kiểm
tra hòm thư của mình.
lidewij.vliegenthart@gmail.com cuối cùng cũng trả lời.