Chặng Đường Mười Nghìn Ngày - Chương 06
Chương 6
Ở điểm nút hai chiến lược chiến tranh.
Lòng chảo Điện Biên Phủ nơi mà tướng
Na-va tin là sẽ buộc đối phương bị dồn vào cái nơi ta (tức Pháp) sẽ vừa đánh họ
được, lại vừa nói chuyện đàm phán trên thế mạnh với họ cũng được, nay đã đảo
ngược. Chiến thắng Điện Biên Phủ và hàng vạn tù binh bị bắt sống là cái thế mạnh
khi phái đoàn ta đến bàn hội nghị. Sau hơn hai tháng đàm phán, ngày 20 tháng 7
năm 1954 Chính phủ Pháp buộc phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ.
Hòa bình đã được lập lại ở Đông Dương
trên cơ sở chính phủ Pháp tôn trọng chủ quyền, độc lập thống nhất, toàn vẹn
lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia.
Thế là sau chín năm chiến đấu gian khổ
và anh dũng, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải phóng. Các đơn vị Quân đội
nhân dân Việt Nam lần lượt vào tiếp quản những vùng quân Pháp rút đi theo đúng
các điều khoản đã được thỏa thuận giữa hai bên Việt - Pháp.
Tháng 9 năm ấy, Sư đoàn 312 chúng tôi
nhận lệnh từ Phú Thọ tiến về tiếp quản khu vực Bắc Ninh - Bắc Giang, cùng các
đơn vị bạn buộc đối phương phải nghiêm chình thi hành hiệp định, nhanh chóng
rút khỏi khu vực cuối cùng miền duyên hải Đông Bắc - Hồng Gai - Quảng Yên - Hải
Phòng.
Các đơn vị trong sư đoàn lần lượt
hành quân qua Vĩnh Yên, Phúc Yên sang bên kia sông Cầu, sông Đuống. Trước mắt
chúng tôi một dải trung du đâu đâu cũng còn đầy vết tích tàn phá của bọn xâm lược.
Vệ Linh, Thanh Lại, Đan Tảo, Mễ Thôn và những làng lân cận trong “vành đai trắng”
suốt mấy năm liền hoang vắng, hầu như không một bóng người. Giặc Pháp vừa cấm
ngăn không cho dân trong vùng đi lại làm ăn, vừa dùng bom đạn cày xới, xua hết
dân đi nơi khác. Chúng cố tạo ra ở đây một “ranh giới chết” giữa vùng chúng tạm
kiểm soát với vùng tự do của ta nhằm ngăn chặn quân chủ lực ta thâm nhập đồng bằng.
Âm mưu thâm độc ấy đã biến hàng vạn héc ta ruộng màu mỡ thành đồng hoang lạnh
ngắt.
Nhưng chỉ sau ngày ngừng bắn mấy hôm,
“vành đai trắng” đã mất hẳn cái không khí vắng lạnh ghê người. Trong các thôn
xóm, còn người nào ở lại bám đất đều đổ ra đồng khai hoang phục hóa. Dọc đường
số 2, số 3 từ Tuyên Quang, Thái Nguyên đổ về xuôi, từng đoàn người gồng gánh
kĩu kịt, lũ lượt hồi cư sau những tháng năm xa quê. Chiều đến, trên những cách
đồng rậm rì đùn lên từng cột khói trắng - khói đốt cỏ làm tro bón ruộng. Cờ đỏ
sao vàng phấp phới bay trên nóc những nếp nhà tranh vừa dựng lấy chỗ ở tạm. Đây
đó đã thấy cất lên tiếng hát rộn ràng, trong trẻo của các cô gái, các cháu nhỏ,
hòa lẫn tiếng cuốc đất phát cỏ nhộn nhịp ngoài đồng.
Chín năm kháng chiến chống thực dân
Pháp thắng lợi, đã đưa cách mạng nước ta sang giai đoạn mới.
Miền Bắc giải phóng đang bước vào thời
kỳ hòa bình khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục.
Từ nhận thức chức năng của quân đội
là chiến đấu, công tác và sản xuất, Đảng ủy và Bộ tư lệnh sư đoàn họp xác định
ngoài nhiệm vụ xây dựng huấn luyện quân sự, các lực lượng của sư đoàn còn có
trách nhiệm cùng nhân dân tham gia khôi phục kinh tế ở những nơi khó khăn, cần
có lực lượng lao động tập trung trẻ khỏe. Tại nơi đóng quân, các chiến sĩ sư
đoàn cùng đồng bào gỡ mìn, dọn dây thép gai trên “vành đai trắng”, quanh các đồn
bốt địch, khai hoang, phục hóa mở rộng diện tích, tát nước chống hạn, đào mương
dẫn nước, cải tạo đồng ruộng. Các chiến sĩ của sư đoàn góp sức tham gia khôi phục
tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, công trình thủy nông Bắc Hưng Hải.
Hàng nghìn cán bộ chiến sĩ cửa sư
đoàn đã chuyển ngành đi tham gia xây dựng khu gang thép Thái Nguyên, nhà máy cơ
khí Trần Hưng Đạo (Hà Nội), sứ Hải Dương, khu công nghiệp Việt Trì, mỏ a-pa-tít
Lao Cai, cho đến các nông trường Mộc Châu, Sơn La, Điện Biên Phủ và tham gia
xây dựng sân bay Nội Bài.
Từ năm 1958, các đơn vị trong sư đoàn
lần lượt bỏ công sức, trí tuệ tự xây dựng doanh trại của mình. Dọc đường quốc lộ
số 2 từ Đa Phúc đến Phổ Yên, Lương Sơn, Lưu Xá, Phú Bình (Bắc Thái) trên những
quả đồi hoang lúp xúp những cây sim mua cằn cỗi trước đây nay mỗi ngày lại có
thêm khu nhà mới, mái ngói đỏ tươi tường vôi trắng xóa. Cuộc sống quân ngũ cũng
có những thay đổi mới. Đã có sự thanh bình êm ả, có tối thứ bảy và ngày chủ nhật
thư nhàn, thoải mái, có nơi tiếp đón gia đình lên thăm, có phòng riêng nhỏ xinh
cho đôi vợ chồng trẻ hưởng tuần trăng mật. Đã có chế độ nghỉ phép và sĩ quan hết
giờ làm việc được về ăn nghỉ tại nhà riêng gần khu doanh trại. Niềm vui lâng
lâng mà sâu đậm ấy, rõ nét ấy, vây quanh và thâm nhập vào mình mà vẫn cứ ngỡ
ngàng, vì cách đó ít lâu, những người lính chúng tôi phải vượt qua bao gian khổ,
chịu đói, chịu rét vượt qua sông Thao đánh vào tuyến phòng thủ sông Đà của địch,
vượt qua đèo Pha Đin tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, mấy ai nghĩ có
ngày hôm nay.
Riêng tôi đã lập gia đình và sinh được
năm cháu. Ngoài bận rộn công việc của một sư đoàn trưởng kiêm bí thư Đảng ủy sư
đoàn, cũng đã có điều kiện hòa nhập vào cuộc sống đời thường với đủ thứ ước mơ
khát vọng rất xa mà cũng rất gần. Có lúc thư nhàn nói chuyện thật riêng của hai
người, có phút giây âu yếm cưng nựng con, thủ thỉ bao hy vọng khi con khôn lớn.
Có giờ thanh thản nghe ca nhạc và sân khấu truyền thanh, cùng vợ con đến nhà
hát xem biểu diễn văn nghệ, xem phim tình yêu.
Và có những chuyến nghỉ phép về thăm
quê nội, quê ngoại, gặp mặt làng xóm, người thân hàn huyên kỷ niệm xưa.
Những ngày thanh bình như thế đến với
chúng tôi thật ngắn ngủi. Có một suy nghĩ khác, cuộc sống khác bắt đầu hình
thành từ năm 1960, đan xen vào các công việc thường ngày, cứ tăng dần theo thời
gian. Trong sinh hoạt chính trị đã có vấn đề nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến
đấu; trong xây dựng thao trường huấn luyện, kết cấu tưởng định diễn tập tham
mưu và diễn tập thực binh đều đưa xen thực tế chiến trường miền Nam để cán bộ,
chiến sĩ tập xử lý.
Mùa xuân 1963 chúng tôi được sống lại
với không khí chuẩn bị chiến đấu năm xưa. Ngoài kia thị trấn Phổ Yên vẫn êm ả,
con đường xe hỏa Hà Nội - Quán Triều song song với đường số 3 là cảnh “ngựa xe
như nước”, thì trong doanh trại sư đoàn bộ đang tính toán kế hoạch hành quân,
đưa một tiểu đoàn mạnh gồm sáu trăm cán bộ, chiến sĩ bí mật vượt sông Bến Hải
vào tham gia chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên. Mùa xuân 1964, tiểu đoàn thứ
hai của sư đoàn nhận nhiệm vụ vào chiến đấu tại chiến trường Khu 5.
Ngày 1/1/1964 Bác Hồ về thăm sư đoàn.
Trước lúc ra về Bác ghi vào sổ vàng truyền thống của đơn vị:
“Toàn sư đoàn có nhiều tiến bộ. Chúc
năm mới, Bác dặn mấy điểm:
1. Ra sức làm tròn nhiệm vụ bảo vệ miền
Bắc và tham gia đấu tranh thống nhất nước nhà.
2. Thi đua thực hiện cuộc vận động
xây dựng quân đội năm 1964.”
Chúng tôi đặc biệt chú ý đến điều Bác
dặn, “luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhận nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân
giao cho”.
Ngày 27/3/1964, Bác Hồ triệu tập Hội
nghị chính trị đặc biệt, động viên toàn dân đoàn kết một lòng kiên quyết chống
đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Cùng ngày
Đảng bộ sư đoàn chúng tôi họp đại hội lần thứ tư, tất cả đều nhất trí xác định
toàn sư đoàn chuẩn bị đầy đủ mọi mặt, sẵn sàng lên đường chiến đấu.
Đến lúc này cuộc sống hòa bình chỉ
còn giữ lại ở cái dáng vẻ bề ngoài, chúng tôi thực sự đã bước vào trạng thái thời
chiến.
Với cán bộ cao cấp chúng tôi, thì
ngay từ năm 1955 đã được chuẩn bị tư tưởng về một cuộc chiến đấu mới đang được
bắt đầu.
Trong các cuộc hội nghị quân chính,
các đợt tập huấn và diễn tập tham mưu, được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà
nước đến thăm hỏi động viên, nói chuyện, giao nhiệm vụ. Sau những lần như thế,
trong nếp nghĩ của chúng tôi hình thành ngày một sáng rõ: Về chức năng nhiệm vụ
của quân đội là ở chiến trường, mà chiến trường lúc ấy là miền Nam thân yêu
đang bị bọn xâm lược Mỹ và tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm thống trị.
Riêng tôi đầu năm 1963 được trên đưa
vào danh sách đi B(1) đợt đầu nhưng vì bị viêm dạ dày cấp nên tạm ở
lại đi đợt sau.
(1) Đi vào
miền Nam.
Từ đây tôi đã thực hiện một kế hoạch
do mình đặt ra, là theo dõi sát sao tình hình chiến sự ở miền Nam, qua đó có thể
rút ra bài học bổ ích. Đọc báo, nghe đài, qua các bản tin lưu hành nội bộ tôi
thấy lực lượng của ta ở trong đó đánh cấp tiểu đoàn, trung đoàn còn ít, càng
chưa thấy đánh địch nhiều trong công sự vững chắc. Hẳn là phải có nguyên nhân,
nhưng làm sao mà biết được.
Qua hiện trạng này tôi tự nhủ, mình cần
tìm đọc nhập tâm các tài liệu giáo khoa quân sự, tổng kết quân sự, hình thành hệ
thống trong đầu óc các vấn đề, khi được vào phổ biến lại cho anh em trong đó vận
dụng, may ra có ích.
Tháng 10 năm 1964, sau lần được dự buổi
Bác Hồ gặp mặt thân mật số cán bộ cao cấp trước khi lên đường vào Nam chiến đấu
ở nhà khách Bộ Quốc phòng 33 Phạm Ngũ Lão, Hà Nội, ý thức sống thời chiến trong
tôi càng trỗi dậy mạnh mẽ.
Hôm đó anh Tố Hữu được Bác giới thiệu
đọc bài thơ “Hãy nhớ lấy lời tôi” mà anh vừa sáng tác. Mọi người như được tiếp
thêm lửa qua các vần thơ mà đến nay tôi vẫn nhớ:
“Anh đã chết, Anh Trỗi ơi có biết,
Máu kêu máu, ở trên đời tha thiết!
Du kích quân Ca-ra-cát đã vì Anh.
Bắt một tên giặc Mỹ giữa đô thành.
Anh đã chết, Anh chẳng còn thấy nữa.
Lửa kêu lửa, giữa miền Nam rực lửa.”
Từ buổi được gặp Bác, trở về sư đoàn
tôi vẫn tiếp tục chuẩn bị một cách âm thầm nhưng cụ thể hơn, tích cực hơn.
Ngày nào tôi cũng dậy trước bốn giờ
sáng tập đeo gạch đi từ Phổ Yên lên Đồng Quang và ngược lại, cứ thế kéo dài suốt
hai tháng, thành quy luật, khiến công an huyện Phổ Yên sinh nghi, vào sư đoàn hỏi:
- Hình như trong đơn vị các anh có
người mang hàng lậu?
- Không có. - Đồng chí trực ban trả lời.
- Nhưng sáng nào cũng có người từ sư
đoàn đi ra, đeo vật gì rất nặng.
- À đúng rồi, đấy là đại tá tư lệnh
Hoàng Cầm tập hành quân mang nặng để chuẩn bị đi B đấy.
- Sao các anh không cho địa phương biết?
- Đồng chí công an hỏi tiếp.
- Nếu thế thì còn gì là bí mật quân sự
nữa.
Đoạn đối thoại trên do đồng chí trực
ban thuật lại khi tôi vừa kết thúc buổi tập trở về.
Cuối tháng 12 là mùa chuyển quân lý
tưởng, nhưng với tôi vẫn không thấy động tĩnh gì.
Không nản, tôi vẫn tiếp tục tập luyện
theo chương trình đã định.
Một hôm thấy tôi trở về, mồ hôi đẫm
áo, vợ tôi vừa cười vừa trêu:
- Ế rồi! Hàng kém phẩm chất, không ai
dùng đâu!