Ngang trái phủ Tây Hồ - Chương 11
11
Từ ngày gặp Thị Lộ,
Thái Tôn dù đã chịu kìm nén, vẫn luôn luôn nhớ tới nàng. Lộ có sức quyến rũ
tiềm ẩn, ở cái vẻ kiêu sa coi thường cả người trước mặt, dù người ấy là ai! Lộ
có những cử chỉ nghiêm trang chừng mực làm cho những ham muốn ở một gã đàn ông
lớn dậy, đang khao khát, càng cháy bùng lên ngọn lửa tìm kiếm.
Lộ có những phút
buông thả đàn bà, có vẻ chiếm đoạt rất dễ mà lại rất khó chiếm đoạt…
Thái Tôn bực bội
vùng vằng đi một mình bên giường ngự, khi thấy chiếc giường vẫn trống trơn,
trên giường không có một người đàn bà nào đang đợi Đức vua ban cho ơn mưa móc.
Vua hôm nay muốn
ngủ một mình, không thích có phi tần, mỹ nữ, tư dung, huệ phi, nguyên phi nào
cả…
Cùng một lúc, Đức
vua đã có mấy tin mừng. Đó là Hoàng tử Nghi Dân chào đời, con của Vương phi
Dương Thị Bí, đứa con trai đầu của hoàng tộc. Bọn Lê Ngân, Trịnh Khả đều dâng
biểu chúc mừng. Dương hậu lớn hơn Thái Tôn đến mấy tuổi, được tuyển làm phi vào
thời kỳ Thái Tổ còn sống, Phi là người ít học, thô lỗ, Thái Tôn không thích.
Bởi thế mới tuyển thêm các Vương phi họ Ngô, họ Nguyễn và hai bà vợ con hai vị
quan tể thần là con Lê Sát và Lê Ngân. Khi Lê Sát bị tội Lê phi là Ngọc Dao đã
bị truất làm dân thường… Nghi Dân sinh đã được hơn một tháng, hoàng hậu Dương
Thị Bí ngày nào cũng muốn vua đến thăm con. Vua rất khó chịu. Dương hậu buông
những lời hỗn xược. Được tin Thái Tôn tuyển thêm Ngô vương phi và bây giờ hầu
vua chỉ còn có hai người đẹp Nguyễn phi và Ngô phi, Dương hậu tức lồng lên,
thân đến tận nội điện đòi vua phong cho con mình làm hoàng thái tử. Vua nghĩ
ngợi hồi lâu rồi cũng làm theo… Nhưng từ đó càng ghét Dương hậu.
Mấy ngày gần đây,
thái giám báo tin cả Nguyễn phi và Ngô phi đều có thai. Vua phải xa cách hai
người đẹp nhất nội điện. Sau đó, vua gặp Thị Lộ ở điện Tập hiền và lại có những
khao khát mới thì chưa được đáp ứng…
Vua mệt mỏi, chán
nản, nghỉ ngơi. Hình ảnh Thị Lộ vẫn không dứt nổi… Vua bồn chồn đứng dậy, chợt
nhớ ban chiều Thị Lộ có nói nhiều đến thơ Đường vua gọi Đinh Thắng đến đưa cho
mình một quyển, rồi giữ Đinh Thắng lại. Vua nói:
- Quan Hàn lâm viện
thừa chỉ có một người vợ trẻ đẹp quá. Nàng học hành đến nơi, đến chốn. Nói năng
đoan chính, thật đáng trọng. Ta muốn mời nàng vào hoàng thành làm Lễ Nghi học
sĩ, dạy cho đám cung nữ, nên chăng?
Đinh Thắng ngẫm
nghĩ một lúc, rồi thưa:
- Thánh thượng
thương đến sự dốt nát của đám cung tần, thật lượng như trời bể. Thần có một ý
nghĩ lạ, không biết nói ra có bị Vua mắng hay không?
Vua Thái Tôn bật
cười:
- Thì Ngươi cứ nói
đi. Rất nhiều người mong được ta mắng cho mà ta không thèm mắng ấy chứ!
Đinh Thắng phục vì
sự thông minh của Thái Tôn, cười, thưa:
- Giá như Thị Lộ là
một người xấu xí thì hay biết mấy, đằng này bà ta lại đẹp…
Vua gật gật đầu,
nhìn thẳng vào mặt Đinh Thắng, đáp lại:
- Một vị Lễ Nghi
học sĩ trước cung tần, mỹ nữ là những người đẹp trong cả nước của ta, liệu có
thể xấu xí được chăng? Xem ra lời tâu của ngươi, có dụng ý đó, nhưng mà ta
không thèm chấp.
Đinh Thắng vái lạy
Đức vua:
- Thần thật đáng
tội chết.
Rồi vội vã lui ra.
Nguyễn Trãi bồn
chồn đợi Thị Lộ, cho đến tận xẩm tối mới thấy nàng đi kiệu về. Trãi hỏi:
- Sao mà đi lâu
thế?
- Thánh thượng
không cho về. Người nói rất nhiều chuyện.
- Những chuyện gì
vậy?
Thị Lộ vừa cởi áo
vừa thủng thẳng trả lời:
- Thì vua gọi vào
cho đi thăm hoa, hỏi chuyện văn thơ, học hành… ngoài ra còn có chuyện quái gì
nữa…
Nguyễn Thị Lộ biết
Nguyễn Trãi thoáng có ý ghen tuông. Song ông là người kín đáo, biết kìm giữ. Lộ
cười, mặt đầy tự tin:
- Tướng công là
người trải đời, hẳn chẳng lạ gì! Có phải đàn ông, đàn bà cứ trông thấy nhau là
đã có chuyện nọ, chuyện kia đâu! Cái giá của người đàn bà, họ phải biết tự giữ
lấy chứ.
Nguyễn Trãi nói:
- Ta cũng tin là
thế.
Rồi vui vẻ dắt tay
Thị Lộ vào trong nhà và nắm chặt lấy tay nàng, hỏi:
- Nàng có mệt
không? Ta chờ nàng lâu quá!
- Em biết!
*
Lê Huệ Phi buồn rũ.
Nàng không nuốt nổi cơm. Bây giờ, nàng coi như là người đứng đầu ba cung sáu
viện ở hoàng thành. Nàng là người vợ chính của vua. Hoàng hậu Dương Thị Bí vừa
bị vua phế truất, dẫu Lê Nghi Dân được phong làm hoàng thái tử, chẳng qua là
một loại mưu đồ mới của bọn Trịnh Khả mà thôi. Trịnh Khả từ ngày về triều, hoạt
động ráo riết, không lúc nào ngơi nghỉ. Thay người nọ, đổi người kia, chặt hết
vây cánh của Lê Sát cũ, trói chân, trói tay Lê Ngân, khiến Ngân chỉ là một thứ
ngồi làm vì. Khả còn chưa làm được như ý mình, bởi vì bây giờ Thái Tôn đã bước
vào tuổi trưởng thành, đã biết việc, lại được đám văn thần bàn bạc cho nhiều
điều hay lẽ phải, nên vua không còn mặc cho Nội Mật Viện muốn làm gì thì làm
như hồi Lê Sát cầm quyền nữa. Tuy nhiên vua vẫn thích bọn hoạn quan hơn, vì bọn
này quả là biết chiều vua…
Trịnh Khả được bọn
hoạn quan đưa về triều nên càng nể chúng. Một bận Lương Đăng bàn với Trịnh Khả:
- Ông thấy bọn
Nguyễn Trãi, Bùi Cầm Hổ có đáng gờm chăng?
- Sao ông lại hỏi
tôi thế?
- Hổ thấy bọn ta
làm những điều chưa rõ ràng đều dâng sớ đàn hặc. Còn Nguyễn Trãi thì đám văn
thần chỉ mong ông ta được làm tể tướng để cùng nhau nắm lấy triều đình. Ông có
còn nhớ hôm Trãi ra tâu bầy trước vua về việc lập lại lễ nhạc, triều nghi ở
triều đình không?
Trịnh Khả, về việc
này thì mù tịt không biết gì, bởi ông ta chữ nghĩa chẳng có bao lăm. Mọi thứ
đều do bọn Lương Đăng, Đinh Thắng, Nguyễn Cung chèo chống hết. Ông ta chỉ lo
điều người, nắm lấy bốn đạo quân ở tứ trấn và mấy nghìn quân cấm vệ ở hoàng
thành, để cái đám gia thần của Lê Sát, Lê Ngân có nhớ chủ, nổi dậy thì bóp cho
chết!
Trịnh Khả nói:
- À, à, ta có nhớ
bữa ấy triều đình cãi nhau như ở ngoài chợ. Nguyễn Liễu mắng Lương Đăng là thứ
học dốt mà dám nhận việc của người có học, lại còn gọi Đăng và Thắng là bọn
hoạn quan, chuyên quyền phá hoại thiên hạ. Đinh Thắng mắng lại, vua nghe Thắng
đầy Liễu ra Viễn Châu!
Lương Đăng nói:
- Ông thấy những ai
bây giờ nguy hiểm cho cánh ta?
Trịnh Khả bộp chộp
trả lời ngay:
- Lê Ngân.
Lương Đăng nói:
- Ngân thì trị lúc
nào chẳng được! Người nguy hiểm không phải là Ngân đâu!
- Vậy thì là ai?
- Người nguy hiểm
hiện nay là Nguyễn Trãi. Trãi mới là nơi tập hợp nhân tài. Đức vua lớn dậy,
đang nghiêng về những người có học. Nếu ta không ra tay ngay thì cả ông và tôi
sẽ chết không có chỗ chôn.
Trịnh Khả nói:
- Sao lại chết
không có chỗ chôn?
- Phàm luật đời xưa
nay, phe nọ phe kia, không thể tránh khỏi! Phe này cầm quyền, tất lo diệt bằng
được phe cánh không ăn cánh với mình. Chúng tôi đã dùng kế “bẻ cành, diệt cây”
với Lê Sát. Nhưng với Nguyễn Trãi không thể áp dụng như thế được!
- Sao vậy?
- Lê Sát quyền
nghiêng nước, nhưng học vấn kém cỏi, lấy uy mà làm việc, gây oán nhiều. Đợi cho
đến lúc oán chứa đầy mà diệt, có khác nào chờ cành bị sâu đục ruỗng thân mới
bẻ. Nguyễn Trãi một đời vì nước, không hám danh lợi, trí tuệ vào bậc Trương
Phụ, Hoàng Phúc kính nể. Phương lược diệt giặc Minh đều ở tay ông ta… Chiến
thắng Chi Lăng - Tam Giang cũng từ ông bầy đặt. Vậy mà khi đất nước thu về một
mối, bọn quan võ đè đầu cưỡi cổ. Hàng chục đại thần chỉ nhờ có họ hàng thân
thích với vua mà được phong hầu. Nguyễn Trãi dù được ban quốc tinh chỉ được phong
á hầu. Ông không lấy thế làm phiền. Khi ở Nội Mật viện đem hết lòng ra lo việc
chọn nhân tài, còn quyền uy mặc cho Lê Sát, Lê Ngân, Lê Văn Linh làm gì thì
làm. Hầu hết văn thần ngôi cao hiện nay, đều là học trò ông Trãi, hoặc ông ấy
lấy đỗ ở Khoa đầu tiên cả… Những người tài ấy, chỉ hiềm họ không nắm được quân
sĩ… Người nắm quân sĩ bây giờ là ông đấy!
Trịnh Khả gât gù
hiểu ra, song lại nói:
- Ông Trãi, từ thâm
tâm ta, ta vẫn kính nể! Ông là bậc thầy của thiên hạ chứ không phải của riêng
ai. Tại sao chúng ta không kéo ông về phe mình!
Lương Đăng cười rất
to:
- Ông cầm trong tay
hàng trăm vạn quân mà còn ngây thơ thế thì chết lúc nào không biết. Một người
như Nguyễn Trãi đến Thái Tổ cũng ngại dùng, phải dùng Lê Sát, huống chi là ông.
Hoặc là ông dùng Nguyễn Trãi hoặc là ông dùng chúng tôi! Có thế thôi.
Trịnh Khả nghe
Lương Đăng nói, toát mồ hôi, mới hiểu rằng Lương Đăng nhắc khéo mình, đừng có
ra lòng kia khác. Khả bỗng làm ra vẻ tự nhiên, cười:
- Mọi việc bây giờ
ông định đoạt cả. Tướng võ như tôi, cầm quyền thật đấy, nhưng mẹo mực nào có ra
sao! Chẳng qua là thật thà mới hỏi thế thôi!
Lương Đăng im lặng
không nói gì cả!
Bọn Lương Đăng thả
sức hoành hành. Chúng lôi kéo người nhà lên các chức vị béo bở ở huyện, trấn
cho đến các chức quan có máu mặt của triều đình. Chúng lựa các quan thần hám
lợi để bổ sung vào Tòa Đô Ngự Sử, Quốc Sử Hán, Hàn lâm viện để theo dõi các văn
thần đang tụ hội xung quanh Nguyễn Trãi.
Nhưng Nguyễn Trãi
vẫn không hề hay biết. Ông còn đang chết mê chết mệt Nguyễn Thị Lộ.
*
Lê Ngân dạo này
không muốn về nhà nữa. Vợ con giày vò ông đến khổ. Tất cả vương phủ đều sôi lên
về việc Lê Hoàng hậu chưa có tin mừng. Đã ba bốn tháng nay, đại tư khấu phu
nhân và gia nhân lục tìm cho hết hòa thượng cao tay và pháp sư nổi tiếng ở khắp
kinh thành. Không xó xỉnh nào, phu nhân không tới. Từ chỗ linh từ, linh tự cho
đến những am miếu hẻo lánh, nơi đâu mách là phu nhân đều đến kêu cầu. Dạo ấy,
phía Nhân mục có một thầy bói nổi tiếng, phu nhân đích thân đến xem. Bà Lê Ngân
đóng giả làm một khách thường đem theo chỉ hai thị tỳ chứ không phải hàng đàn
hàng đống như mọi khi.
Khi gieo quẻ, gã
thầy bói, ngửi thấy mùi thơm sực nức, từ xiêm áo của bà phu nhân, liền nói:
- Tín chủ nói dối
thần phật rồi. Bà là một mệnh phụ phu nhân chứ không phải buôn bán gì đâu!
Phu nhân bị thôi
miên ngay từ câu đoán phủ đầu. Thấy bói không đợi câu trả lời, phán tiếp:
- Bà nói đến đây để
cầu phúc cầu tài. Nhưng cầu phúc cầu tài cho ai mới được chứ…
Những đồng tiền
chính lại nhảy múa trên chiếc đĩa cổ sứt sở bởi ông thầy mù thỉnh thoảng lại bị
đứa trẻ con trêu lấy trộm mất đĩa gieo quẻ. Điện thờ nhang khói um tùm. Phía
bên trái, một bà quý tộc đang lên đồng giả ông Hoàng Ba… Đàn ngọt hát hay véo
von. Ông Hoàng Ba đang nhảy múa lúc thì đằng vân, lúc giá vũ, đầy sảng khoái.
Thỉnh thoảng “ông” lại hét lên, không hiểu ngài đang thúc ngựa hay phấn hứng
lạc vào chốn Bồng Lai.
Thầy bói đoán:
- Phu Nhân đang có
một chuyện buồn phiền lớn, có đúng chăng?
- Chịu thầy?
- Vậy thì Phu nhân
hãy nói ra đi. Tôi sẽ đoán cho Phu nhân xin cho mình, cho tước vương, tước hầu
đang trọng nhậm hay là xin cho con cái.
- Tôi xin cho con
gái.
- Vậy thì Phu nhân
phải cho thầy biết tên tuổi, ngày sinh, tháng đẻ của tín nữ, thiện nam, thầy
mới gieo quẻ được chứ!
- Thưa thầy tín nữ
là Lê Thị Lệ, tuổi Giáp Thìn, sinh tháng ba, ngày Canh Thân…
Thầy bói lầm rầm
khấn và gieo quẻ. Thầy đoán:
- Tín nữ là người
quí trọng, đã hôn phối. Chồng lại năm thê, bảy thiếp nên buồn phiền.
Phu nhân thấy thầy
đoán trúng quá, liền ngồi xán lại. Thầy nói tiếp:
- Cái mà Bà cầu cho
tín nữ chính là mong có một quý tử. Điều đó không lo, nếu thành tâm là nên…
- Lạy Thánh mớ bái,
nên thế nào thì xin Thánh dạy con. Tín chủ chúng tôi dốc một lòng thành…
Thầy nói:
- Xem ra người
chồng của người xin quẻ giàu sang cho nên ít đoái hoài, lại mê đắm vào đám hầu
non, thiếp trẻ. Do đó, một mặt phải nhờ phù thủy cao tay, thờ Phật Quan Âm ở
trong nhà, lập điện lấy bùa viết tên chồng trấn yểm, rồi quanh quẩn siêng lui
tới mới thành công được. Lại phải dùng bùa mê, lừa lúc yêu thương nồng cháy,
chuốc rượu cho uống thì mới sinh được quí tử…
Thầy bói lại mách
tên hòa thượng lập điện và Pháp sư cho Phu nhân.
Phu nhân nhất nhất
nghe theo. Bà về nói với Lê Ngân, ngẫm nghĩ một lúc, Ngân nói:
- Lập điện thờ Phật
trong nhà thì được nhưng dùng đến việc yểm tên Hoàng thượng thì không ổn đâu.
Phu nhân trừng mắt:
- Ông là đại thần,
ở trong tít tịt nhà ông, ai dám vào khám xét. Sao ông sợ bóng, sợ gió thế? Ông
không làm thì người khác làm! Ông chẳng thương gì vợ con cả. Thời buổi này,
mình không lo cho mình thì ai lo cho.
Mấy câu giản đơn,
khiến Lê Ngân nhớ lại thời nghèo khổ. Ngân đứng lặng, mặt phừng phừng, nửa muốn
ngăn, nửa lại thôi, rồi phẩy áo bước ra ngoài.
Phu nhân ráo riết
lập đền thờ Bồ Tát, mời pháp sư đến đêm đêm ra oai, phù chú để cho Lê Hoàng hậu
được vua yêu. Hương khói ngày nào cũng mù mịt. Ngày ba buổi, phu nhân chỉ chăm
chú vào việc tụng kinh, cầu Phật, và đến chiều thì sang bên Lê hoàng hậu, để dò
la tin tức.
Một bữa, thấy hoàng
hậu có vẻ xanh xao, u buồn. Phu nhân hỏi:
- Con thấy trong
người thế nào?
- Con mệt lắm, mẹ
ạ!
- Hoàng thượng vẫn
thường đến với con chứ!
- Đến thăm lấy lệ
thôi. Chỉ đêm qua, thấy con mệt buồn, Hoàng thượng thương có nghỉ lại…
- Thế hả!
- Vui vẻ chứ!
- Cũng chẳng lấy gì
làm vui vẻ.
- Thôi được rồi! Cứ
dần dần, dần dần. Thế con có chiều Hoàng Thượng được như lời mẹ dặn không? Khi
Hoàng thượng ra về, con có mời Người lại đến không?
Đang mệt, hoàng hậu
bực mình, chỉ nói:
- Dạ, thưa mẹ có…
Phu nhân mừng lắm,
về hí hửng khoe ngay với Lê Ngân và thưởng cho các vị pháp sư phù thủy…
Hoàng hậu từ hôm
vua đến, ân ái một đêm lại mường tượng thấy mình có tin mừng. Tháng ấy nàng tắt
kinh, vội sang chơi bên mẹ, báo cho biết. Phu nhân như mở cờ trong bụng.
Bọn hoạn quan cũng
vội ghi ngày vua đến, ngày hoàng hậu mang thai đẻ ghi vào thẻ. Nhà Lê Ngân dạo
này tưng bừng hẳn lên. Khách vào phía Phủ đại tư khấu có rất nhiều phu nhân,
hòa thượng, pháp sư, cung văn. Một đồn mười, mười đồn trăm, phu nhân khắp kinh
thành đều đến điện nhà quan đại tư khấu để cầu của, cầu con… Điện thờ sầm uất,
phu nhân phải để cả một tòa nhà đẹp để bày thêm chỗ thờ Di Lặc và Chúa Thượng
Ngàn.
Lê Hoàng hậu ăn
uống ngày càng kém, và bụng thì có phần bầu thêm. Cả nhà Lê Ngân mừng rỡ. Chỉ
có bọn Lương Đăng, Đinh Thắng, Nguyễn Cung là bắt đầu lo lắng. Một hôm, Lương
Đăng mời Đinh Thắng, Nguyễn Cung đến. Ba đứa uống rượu, Lương Đăng hỏi:
- Hai ông đã biết
chuyện gì chưa?
Đinh Thắng thủng
thẳng:
- Hoàng hậu có thai
chứ gì?
Đăng hất hàm:
- Ông nghĩ thế nào,
ông Cung.
Cung lì lợm, ưa
Thắng hơn là Đăng, vì Đăng tham lam, không biết điều. Nhờ Cung mà Đăng mới được
gần vua, Đăng lại khéo nịnh, học vấn hơn Cung, nên tách khỏi bọn thái giám,
được vua giao cho làm các việc lớn của các bậc đại thần. Đăng vừa nịnh vua, vừa
cố làm vừa lòng Thái Tôn, dần dần lấn át cả Nguyễn Cung và Đinh Thắng. Thắng
tức lắm, nhưng học vấn ít, chịu không làm gì được!
Đăng gợi ý:
- Ta tưởng bóp mũi
được Lê Ngân, không ngờ con vợ hắn lại gian ngoan thế. Bây giờ hoàng hậu mà có
mang thì rắc rối thêm!
Cung nói:
- Ông muốn gì, nói
thẳng ra, vòng vo mãi!
Lương Đăng nói:
- Đã đến lúc phải
trừ phe cánh Lê Ngân rồi, lúc đó đối mặt với ta chỉ còn Nguyễn Trãi và môn đồ
của ông ấy. Nên không diệt Ngân trước, để theo thế chân vạc, Trãi dựa vào Ngân
để nắm quyền thì, bọn chúng ta chỉ một cái phẩy tay của họ là mất đầu, nhược
bằng, họ không giết cũng không thể ngóc đầu lên được!
Cung nghĩ thầm:
- Thằng này toan
tính những điều xa lắm. Lúc ấy, liệu nó có còn nhớ đến mình không! Nhưng đã
trót thì phải trét.
Cung chủng chẳng
hỏi:
- Bây giờ ông bày
cho bọn tôi làm gì!
- Hai ông cứ đến chơi
nhà Lê Ngân, bốc lão ta lên mây xanh, cho hắn yên tâm. Mà xem xét việc Ngân mở
điện thờ cúng suốt ngày đêm nhằm mục đích gì. Nếu là ngụy trang bề ngoài để rắp
mưu hại cánh ta, thì ta sẽ ra tay trước.
Thắng nói:
- Việc ấy là của
Nguyễn Cung?
Lương Đăng vặn hỏi:
- Sao ông lại nói
thế?
- Sao nữa! - Thì
ông giao cho tôi theo dõi hành tung của Nguyễn Trãi, có dịp hạ uy tín hoặc bức
hại thì làm… Tôi làm sao lấn việc của ông Cung được.
- Xin lỗi ông, tôi
quên khuấy đi mất…
*
Đinh Thắng được
Đăng giao dõi tìm những xử sự sơ hở của Nguyễn Trãi để nhặt nhạnh dần, có lúc
sẽ buộc tội. Thắng lân la dò hỏi, những đồng sự của Trãi từ quan văn, đến quan
võ, ai cũng một lòng khâm phục và tiếc rẻ tài năng. Thắng để ý, cứ buổi chầu
nào Nguyễn Trãi tâu việc là khác hẳn. Phía Lương Đăng - Lê Ngân theo dõi đến
từng lời, từng cử chỉ, còn văn thần thì chỉ còn một cách là bàn thêm cho việc
của Nguyễn Trãi sáng tỏ thôi. Việc soạn lễ nhạc là một việc kỳ công. Ông Trãi
lấy nền văn hiến phương nam mình làm gốc, lấy sự chất phác của lễ nhạc thời Lý
- Trần làm nền tảng, tuy nhiên những điều hay, điều tốt của lễ nhạc phương Bắc,
ông đều chú ý đưa vào cho thích hợp. Nhưng phán quyết lễ nhạc là vua. Trong
cung cấm, Lương Đăng dạy cho bọn vua quan toàn thứ nhạc cung đình phương bắc,
vua nghe đã quen tai lắm, vì thế nghiêng về phê chuẩn cung cách dùng lễ nhạc do
bản tấu của Đăng… Các văn thần ủng hộ Nguyễn Trãi đều bó tay thúc thủ…
Đing Thắng dù sao
cũng là một kẻ tỉnh táo. Trong thâm tâm, y cảm thấy đức độ của Nguyễn Trãi thật
sáng ngời, cái điều đáng than phiền là ông cũng nhiều thê thiếp quá. Nhưng nếu
so với đám Lê Ngân, Lê Sát thì có là bao.
Lê Ngân kia, tì
thiếp con hầu, như đám bèo gạt ra lại ùa khép kín lại, vẫn chưa thỏa mãn. Khi
Lê Sát bị hại, còn xin Thái Tôn ban cho một cô vợ trẻ, đem về để ngay bên
trướng phủ, lúc nào rảnh việc lại thì thọt với ả…
Một lần, Đinh Thắng
đến thăm Nguyễn Trãi… Ban đầu, Thắng phát hiện thấy ông có vẻ khó chịu khi nhìn
thấy mình. Thắng hơi phật ý, sau lại tự nhủ: Đâu có phải ông ghét mình. Có lẽ
ông ghét Lương Đăng, Nguyễn Cung thôi. Thắng cứ bước vào. Từ trước đến nay,
Thắng khâm phục Nguyễn Trãi, Thắng rất muốn gần ông, ngắm ông, trò chuyện với
ông, thậm chí lau giày cất mũ cho ông. Bởi Thắng yêu ông thật sự, yêu thầm kín
tự trong lòng, yêu như trai gái yêu nhau. Ông thì cao vời vợi, mà Thắng thì như
sợi cỏ mọc giữa đám cỏ! Ông có bao giờ thèm tiếp Thắng, cứ nghe thấy cái chức
danh Thái Giám, bề ngoài ông không lộ vẻ khó chịu, nhưng trong đáy mắt của
Nguyễn Trãi, Đinh Thắng đã nhận ra vẻ khinh bỉ rồi!
Vậy mà, Thắng vẫn
đến thăm Nguyễn Trãi. May cho Thắng nhà quan Hàn lâm viện thừa chỉ, bữa ấy vắng
khách.
Nguyễn Trãi mời
Đinh Thắng vào. Cử chỉ ông lịch thiệp nhưng lạnh nhạt.
Thắng nói:
- Tướng công thấy
tôi dường đột đến đây, chắc lạ lắm, phải không?
Nguyễn Trãi chậm
rãi trả lời:
- Bởi ông ít đến đó
thôi!
Máu thái giám vẫn
chưa bớt, Đinh Thắng cười mỉm:
- Những bậc đại
thần, những bậc thức giả như tướng công, lẽ nào chịu chiếu cố đến cái đám quan lại hèn hạ trong cung cấm như chúng tôi.
Nguyễn Trãi cười
vang:
- Ông nói thế nhầm
mất rồi, ông Đinh Thắng ạ… Nếu thức giả chỉ chọn người hiền quý mà chơi, thì
còn đâu gọi là thức giả. Đừng nghĩ, quan to, quan lớn ra vào rậm rịch cả ngày
mà đã cho là họ ưa đám quyền quý thôi! Ngựa xe, võng lọng dập dìu, chẳng qua là
công việc thôi. Bạn tri kỷ thì không còn sang hèn chọn lựa, mà là ý hợp tâm
đầu.
Thắng nói:
- Tôi muốn làm bạn
tri kỷ với tướng công, có được không?
Nguyễn Trãi vui hẳn
lên, trả lời ngay:
- Được chứ, nhưng
ông đem điều tri kỷ nào đến với ta vậy?
- Có đấy! Nhưng ông
phải đuổi mọi người trong nhà ra tôi mới dám nói!
Nguyễn Trãi ngần
ngừ một lát rồi nghe theo.
Khi đám hầu cận,
gia quan đã ra hết rồi, Nguyễn Trãi rót nước mời Đinh Thắng.
- Ta sẵn lòng nghe
những điều, yêu ta mà ông chỉ bảo!
Thắng nói:
- Quan Thừa chỉ về
triều nhằm mục đích gì?
- Ta về theo di
chúc của Đức Tái Tổ!
- Và ông cũng muốn
thi thố những kế sách lớn cho quốc gia mà từ khi thắng giặc Minh xong, ông chưa
thi thố được?
- Quả có thế!
- Ông tin là Thái
Tổ triệu ông về là do lòng hối hận với việc giết hại, bỏ ngục các công thần
thuở trước.
- Ý ông muốn nói
đến việc vua bức tử Trần Nguyên Hãn, giết Phạm Văn Xảo và bỏ ngục ta rồi sau
đó, không giết nổi, phải tha ra!
Thắng nói:
- Đúng là tôi muốn
nhắc đến những chuyện ấy với tướng công! Và, tôi cho rằng Đức Thái Tổ gọi tướng
công về hoàn toàn không có ý nghĩ thật tốt đẹp như tướng công nghĩ về Ngài!
Nguyễn Trãi nhìn
thẳng vào mắt Đinh Thắng:
- Xin ông cứ nói
tiếp. Ta vẫn nghe đây!
- Trong lúc hấp
hối, viết những lời trong di chúc, ai chẳng nghĩ là tốt đẹp. Nhưng Thái Tổ nghĩ
sâu sắc lắm. Người sợ Lê Sát lấn át vua nhỏ tuổi, do đó phải triệu tướng công
về kinh đô. Chỉ có tướng công và cái đám văn thần, bạo ăn bạo nói ở Viện Hàn
Lâm, ở tòa Đô Ngự Sử, Lê Sát mới gờm thôi!
Nguyễn Trãi tuy
không nói ra, nhưng chịu Đinh Thắng có lý. Trãi khích:
- Ông bạo nghĩ quá
đấy, ông Thắng ạ! Ta chưa bao giờ dám nghĩ sai về những ưu ái đức Thái Tổ đối
với ta!
- Chính vì thế,
chính vì chưa hiểu được ngọn nguồn nên ông chưa có phương lược đối xử!
- Đinh Thắng, ông đến
đây giúp ta điều gì vậy?
- Dạ, dạ, tôi dẫu ở
nội cung, song cũng có chút lòng thành, định khuyên tướng công một điều, không
biết Ngài có nghe chăng?
- Ngươi cứ nói đi…
- Tôi nghĩ ông nên
chịu nhún, liên kết với Lê Ngân, tìm cách gây vây cánh với những đại thần trung
liệt khác như Nguyễn Xí, Lê Thận. Có đám quan võ này làm thế tựa, thì tướng
công mới có thể thi thố tài năng được!
Nguyễn Trãi thở
dài, nói:
- Ta biết ông có
lòng tốt, nhưng muộn rồi, ông Thắng ạ. Những người ông nói, bây giờ không còn
nhiệt thành như xưa nữa. Ta chỉ biết đem hết lòng trung thành ra báo quốc. Ai
có lòng thì đến với ta, chứ ta biết tìm đến ai bây giờ!
Đinh Thắng đứng dậy
cáo từ, lòng chưa yên, dặn lại:
- Xin tướng công
đừng lộ việc tôi đến đây làm gì. Tướng công đừng nghi ngại, tôi không phải là
kẻ hư hỏng đâu!
- Ta tin ông.
Đinh Thắng vừa ra
thì Nguyễn Thị Lộ bước vào. Lộ hỏi:
- Tướng công có
chuyện gì mà gương mặt không được vui thế kia.
Nguyễn Trãi đưa
tay, dắt Thị Lộ vào trong trướng:
- Có người đến bàn
chuyện thế sự?
- Ai vậy?
- Đinh Thắng!
- Ông ta nói gì
thế.
Nguyễn Trãi nói
thác đi:
- Thắng đến tỏ ý
tiếc về việc tờ tâu về lễ nhạc của ta, không được hoàng thượng phê chuẩn. Xem
ra y không thích Lương Đăng lắm!
Thị Lộ cũng không
hỏi nữa. Nguyễn Trãi gọi trà cho nàng. Khi con hầu vừa ra khỏi, Nguyễn Trãi
nói:
- Hoàng thượng có ý
mời nàng vào cung làm Lễ Nghi học sĩ đấy, nàng thấy thế nào?
Nguyễn Thị Lộ trả
lời, không một chút chần chừ:
- Nếu được như thế,
quả là vinh hạnh cho em và cho cả tướng công!
Nguyễn Trãi có vẻ
không bằng lòng, nhưng vẫn cố nén:
- Sao nàng lại cho
là vinh hạnh?
- Đúng thế chứ. Đàn
bà xưa nay chỉ bán có sắc đẹp thôi! Còn bán gì được nữa. Giỏi thì làm đến hoàng
hậu, mà khá thì làm vợ các tước vương, tước hầu. Em được làm vợ lẽ của tướng
công cũng đã vinh hạnh rồi, nhưng bây giờ lại được vua phong chức cho ngang
hàng với các quan lớn ở Viện Hàn Lâm, ở tòa Đô Ngự Sử, thử hỏi, từ trước đến
nay, có ai được như thế?
Nguyễn Trãi ngồi
im, không nói gì. Nguyễn Thị Lộ uống trà thong thả, rồi nói:
- Em được vào hoàng
cung dạy cung nữ, thì các đại thần cho rằng, chính em mới xứng đáng với tài học
của tướng công. Mọi chuyện dị nghị khi tướng công lấy một cô vợ trẻ như em
chẳng còn ai để ý gì nữa!
Nguyễn Trãi vẫn
ngồi im thin thít. Thị Lộ nhẹ bước tới ngồi bên cạnh, ỡm ờ hỏi:
- Tướng công thấy
thế nào?
Một nét buồn đau
thoáng hiện trên gương mặt từng trải. Nguyễn Trải mỉm cười, nói:
- Nàng nghĩ rất
đúng.
Thị Lộ đang lúc có
những dằn vặt tự đáy lòng, những giày vò gộp lại, nàng mất hết vẻ đẹp tự nhiên,
hiện ra đầy vẻ tinh khôn, bướng bỉnh:
- Tướng công, một
đời người, được thi thố tài năng! Đàn ông là thế! Còn lũ đàn bà chúng tôi, giỏi
lắm cũng được phép tung hoành ở cõi bếp núc. Bên Trung Hoa có Lã Hậu, Võ Tắc
Thiên, Chung Vô Diệm, còn ở cái nước Nam khốn khổ này, thì đàn bà chẳng có ai
cả… Cái bà vợ Lý Thánh Tôn kia, khí phách hơn cả chồng mà khi chồng chết, vợ lẽ
vẫn là vợ lẽ. Cái bà Dương Vân Nga, vợ vua nhà Đinh kia, dám đem áo hoàng bào
khoác cho người có thể thay chồng mình giữ nguyên được sự tự chủ của đất nước, mà
khi phong thần thì bị hạ xuống như thể một loại trung đẳng thần… Ôi cái đạo học
Khổng, Mạnh quả là hay, nhưng chỉ có trong một thứ đàn ông thôi. Còn bọn đàn bà
này…
Nguyễn Trãi kéo Thị
Lộ lại bên mình. Trong những phút nàng nóng giận, má đỏ phừng phừng, mắt long
lanh sáng, nàng hoa tay, múa may, có lúc mặt đanh lại, giọng rít lên, vẻ đau
đớn, uất ức chỉ tôn thêm thể chất tuyệt vời của nàng. Nguyễn Trãi yêu nàng biết
mấy, thèm nàng biết mấy. Ông kéo nàng vào lòng và nói:
- Em… Em, thì ta đã
nói gì xúc phạm đến em đâu! Ta chỉ sợ mất em thôi!