Gặp Lại Chốn Hồng Trần Sâu Nhất - Phần II - Chương 2

Tọa sàng

Muốn
gọi một con chim, nhờ nó đưa tin đến phương xa, tiếng hót nghẹn ngào của nó
dường như cho Ngài biết, nó sống chẳng hề tự do, dù nó có một đôi cánh bay
lượn, vậy mà thân vẫn bất do kỷ.

Lại nằm
mơ, trong mơ tôi đã đến cung Potala, trong ảo ảnh giấc mơ, tôi nhìn thấy hải
thị thần lâu[1]. Rất nhiều người thành kính quỳ lạy dưới chân Phật
Đà. Kinh phướn phấp phới, lay động tín ngưỡng kiếp này, kinh luân chuyển động,
thức tỉnh ký ức kiếp trước. Cả tòa cung điện dưới nắng nóng hầm hập của cao
nguyên, thật là tráng lệ huy hoàng, thật là độc đáo vô song. Tòa cung điện này
ngưng tụ lịch sử loang lổ tang thương, cất giữ những câu chuyện tự cổ chí kim,
rơi đầy bụi trần mù mịt của năm tháng. Thế nhưng nó trong sạch, thanh bạch đứng
sừng sững trên Hồng Sơn mênh mang. Lại rất mực khoan dung, tấm lòng bao la có
thể thu nạp vạn vật trên đời.

[1] Hải
thị thần lâu: hiện tượng quang học trong tự nhiên, tia sáng khúc xạ sinh ra ảo
ảnh ở cự ly xa hoặc trên bầu trời.

Khi
tỉnh lại, mới phát hiện người ở trong cung Potala là Tsangyang Gyatso. Một
thiếu niên xuất thân từ địa phương nhỏ Monyu, nào đã thấy cung điện to đẹp đàng
hoàng như vậy. Trong cuộc sống của Ngài, xưa nay chỉ có đất lề quê thói chất
phác, chỉ có bãi cỏ, khe suối, nhà tranh, bò cừu. Mở mắt ra, Ngài không nhìn
thấy bạn bè thuở nhỏ cùng khôn lớn, không nhìn thấy cô gái đã nguyện lời hẹn
ước làng bên, không nhìn thấy mẹ hiền tha thiết yêu thương Ngài. Cảnh tượng
trước mắt giống như giấc mộng kê vàng[2], lầu gác cung điện, nhà
vàng thềm ngọc, mang một khí thế khoan thai và quý phái không thể diễn tả thành
lời. Cung Potala chính là một kho báu văn hóa dân tộc Tạng cực lớn, cất giấu
quá nhiều văn vật lịch sử và báu vật. Còn Tsangyang Gyatso cứ thế rơi vào một
giấc mơ hoa lệ của kiếp trước, không ngừng không nghỉ mơ tiếp, chẳng biết tới
ngày nào mới có thể hoàn toàn tỉnh lại.

[2]
Giấc mộng kê vàng: Theo Chẩm trung ký của Trầm Ký Tế đời
Đường, có chàng Lư Sinh, gặp vị đạo sĩ Lữ Ông trong quán trọ Hàm Đan, Lư Sinh
than nghèo khó. Đạo sĩ cho chàng mượn một chiếc gối, bảo chàng gối lên mà ngủ.
Bấy giờ chủ quán đang nấu một nồi cơm kê vàng. Trong mơ Lư Sinh hưởng trọn một
đời vinh hoa phú quý. Khi tỉnh dậy, cơm kê vàng vẫn chưa chín. Sau dùng để ví
với sự vỡ mộng, chuyện tốt muốn thực hiện rốt cuộc sôi hỏng bỏng không.

Tháng
10 năm 1697, một điển lễ tọa sàng long trọng đã tổ chức ở Lhasa, Tsangyang
Gyatso mười lăm tuổi chính thức vào làm chủ nhân của cung Potala, trở thành Đạt
Lai Lạt Ma thứ 6. Ngài được nâng lên tầm cao của Thần Phật, được muôn người quỳ
bái dù khi đó Ngài vẫn mơ hồ, vẫn bất lực, và cả một chút kinh ngạc vui mừng.
Ngài dập đầu cảm thán: “Làm trái lệnh của Thượng Sư[3], thật cảm
thấy hổ thẹn”. Lúc đó, Ngài cảm giác bản thân thật sự là Phật, chúng sinh dưới
chân là con dân của Ngài, sứ mệnh của Ngài chính là độ hóa họ, dốc hết tất cả,
vì họ tiêu trừ khổ nạn. Thế nhưng Ngài thật sự có pháp lực vô biên của Phật
chăng? Chẳng lẽ chỉ cần vừa ngồi lên ngai Phật cao ngất, Ngài liền thật sự
thành Phật, có thể khiến tất thảy khiếm khuyết của thế gian biến thành trọn
vẹn?

[3]
Thượng Sư: dịch từ tiếng Phạn “guru” nghĩa là Đạo sư, Đại sư, Đạo sĩ, đối ứng
với “Lạt Ma” trong tiếng Tạng.

Không,
không phải như vậy. Mãi đến sau này, Tsangyang Gyatso mới biết trên con đường
dẫn đến cõi Phật này, Ngài cô độc, không có người đồng hành và người xướng họa,
con đường này đầy dẫy chông gai, khiến Ngài vết thương chồng chất. Đó là vì
trái tim của Ngài trước sau vẫn mang tình yêu chân thật nhất của nhân gian,
không vượt qua được rào cản của tình yêu hồng trần, cho nên dù Ngài có linh
tính của Phật, cuối cùng chỉ là rước thêm tiếc nuối. Thế gian này xưa nay không
có sự việc hoàn mỹ, giống như trăng tròn trăng khuyết, hoa nở hoa tàn, tụ hợp
ly tan. Khi bạn dốc lòng lao vào, muốn bất chấp tất cả vì một người, vì một
việc, tất nhiên phải tiếp nhận sự trừng phạt của vận mệnh.

Vị Đạt
Lai Lạt Ma trẻ tuổi anh tuấn Tsangyang Gyatso ngồi trên ngai Phật ngất ngưởng,
ngay cả Đệ Ba Sangye Gyatso và Ban Thiền đương thời đều đối với Ngài rất mực
cung kính. Ngài thầm nhủ với bản thân, từ đây Ngài chính là vua của cung
Potala, nắm giữ từng cành cây ngọn cỏ, từng viên gạch viên ngói của nơi này.
Ngài thật sự quá ngây thơ, Ngài không biết rằng, bản thân chẳng qua là một vị
vua hữu danh vô thực, đừng nói không thể thống trị chúng sinh, ngay cả vận mệnh
của mình cũng không thể làm chủ. Theo quy định điều lệ chuyển thế của Phật
sống, linh đồng chuyển thế phải tròn mười tám tuổi mới có thể đích thân chủ trì
chính sự. Lúc đó Tsangyang Gyatso mười lăm tuổi, cho nên Ngài nhất thiết phải
đợi đến ba năm sau mới có thể tự mình chấp chính. Trước lúc đó, tất cả chính sự
sẽ đều do Đệ Ba và Ban Thiền cùng xử lý.

Tsangyang
Gyatso giữ địa vị thủ lĩnh chính giáo Tây Tạng, sống ở cung điện cao nhất của
cung Potala, được nhiều sư sãi bao quanh. Thế nhưng Ngài cô độc, thậm chí sống
rất vất vả mệt mỏi. Vì thân phận của Ngài đặc biệt, linh đồng chuyển thế trước
đây từ bốn, năm tuổi trở đi đã tọa sàng tiếp nhận giáo dục chính thức. Còn mười
lăm năm này của Tsangyang Gyatso đều sống nơi làng quê nhỏ bé xa xôi, bầu bạn
cùng dòng suối hoa núi, cỏ dại bò cừu, những bản tình ca xao xuyến lòng người,
và nụ cười khoe hàm răng trắng bóng của cô gái làng bên. Dù Ngài cũng từng học
kinh văn ở tu viện Basang, nhưng thầy dạy kinh lúc đó quản thúc Ngài không
nghiêm, hơn nữa đó là học tập định kỳ, không thuộc chế độ cả ngày. Lúc đó
Tsangyang Gyatso còn chưa biết thân phận của mình, chỉ nghĩ là cha mẹ sắp đặt,
muốn Ngài học kinh, tham thiền, đọc hiểu từ bi.

Giờ
đây, Tsangyang Gyatso hằng ngày phải đối mặt với sự đốc thúc nghiêm khắc của
thầy dạy kinh, tất cả thời gian của Ngài đều là ngồi yên đọc kinh, rất nhiều
kinh văn liên miên không dứt bày trước mặt Ngài, khiến Ngài cảm thấy mệt mỏi
chưa từng có. Lúc đó Sangye Gyatso bắt đầu hơi sốt ruột, y biết rõ thiếu niên
này đã bị gió hoang cao nguyên thấm nhuộm, muốn triệt để gột bỏ tính buông thả
trên người Ngài, không phải là chuyện có thể làm được trong một sớm một chiều.
Ba năm, y phải dùng thời gian ba năm, thuần phục đứa trẻ đã bỏ bê mười lăm năm
này, khiến đứa trẻ đó trở thành một vị Đạt Lai thứ 6 hoàn hảo, lãnh tụ chính
trị vĩ đại. Chỉ là sau ba năm, Sangye Gyatso thật sự nỡ đem chính quyền cả đời
khổ tâm vun vén, hai tay dâng cho Tsangyang Gyatso hay sao? Không ai có thể đưa
ra một câu trả lời khẳng định, bao gồm bản thân Sangye Gyatso.

Thật ra
chúng ta đều là nô lệ của danh lợi, biết rõ đời người chẳng qua nổi trăm năm,
vẫn phải chém giết tranh đoạt, liều mạng đến nỗi máu chảy đầu rơi. Hôm nay bạn
giẫm lên hài cốt người khác ngồi hưởng thiên hạ, ngày mai ai sẽ vì bạn thu thập
ván cờ tàn của giang sơn? Các bậc vua chúa lúc có thiên hạ, liền tìm kiếm thuốc
tiên khắp nơi, tu luyện đan dược, hy vọng có thể trường sinh bất tử, e sợ giang
sơn cực khổ dành được sẽ theo sự kết thúc của sinh mệnh chớp mắt hóa thành số
không. Họ biết rõ trên đời này không hề có phương thuốc bất tử, nhưng vẫn nghĩ
đủ mọi cách tìm kiếm. Có lẽ đó là vì không cam tâm, không cam chịu tâm huyết
một đời của mình phó mặc cho dòng nước cuốn trôi. Thế nhưng sức người thật sự
có thể làm gì được số trời? Vua chúa được tôn xưng là con trời (thiên
tử)
, nhưng con trời và người thường cũng chẳng có phân biệt. Còn Đạt Lai
Lạt Ma được tôn xưng là Phật sống, họ cũng là xương phàm thai tục, dù có linh
hồn không chết, lại chẳng có thể xác không già.

Có lẽ
Tsangyang Gyatso trước giờ chưa từng nghĩ phải ngồi ôm thiên hạ, hô mây gọi
gió. Từ khi vào ở trong cung Potala, Ngài mới biết, cuộc sống ở đây còn lâu mới
tốt đẹp như tưởng tượng trong lòng, nhìn thấy trong mắt. Ngài như một chú chim
sẻ lông vàng, bị nhốt vào chiếc lồng đẹp đẽ sang trọng, mỗi ngày đợi người chủ
cho ăn, thỉnh thoảng cùng y đi dạo trước lầu sân vắng, ngắm phong cảnh mênh
mông vô biên phương xa, muốn bay lượn, lại phát giác sớm đã bị vận mệnh chặt
đứt lìa đôi cánh. Ngài khát vọng tự do, ngày ngày cô độc ngóng nhìn ngoài cửa
sổ, hy vọng sẽ có người đi qua, sinh lòng thương xót giúp Ngài trốn thoát. Lúc
đó, Ngài hầu như quên mất, bản thân là Phật, quên rằng sứ mệnh Ngài vào ở trong
cung Potala là để cứu rỗi chúng sinh, để họ không phải chìm đắm trong bùn lầy
trần thế.

Đúng
vậy, chìm đắm, giờ đây người thật sự chìm đắm là Ngài. Hàng ngày đọc kinh văn
khô khan, tham ngộ Phật pháp phức tạp. Thầy dạy kinh của Tsangyang Gyatso đối
với Ngài đặc biệt nghiêm khắc, vì chỉ cần một chút lơi lỏng là sẽ bị Đệ Ba
trừng phạt khắc nghiệt. Sangye Gyatso bận rộn xong chuyện chính sự, có lúc còn
đích thân giảng bài cho Tsangyang Gyatso, điều này khiến Ngài càng thêm lo sợ
không yên. Chúng ta dường như có thể tưởng tượng được tình cảnh ba trăm năm
trước, một thiếu niên mười lăm tuổi bị nhốt trong cung điện phồn hoa của cung
Potala: tay ôm sách kinh, ngồi nằm không yên, Ngài luôn nghĩ cách làm sao để có
thể thoát ly khỏi trói buộc, trở lại cảnh tiêu dao ngày xưa của mình.

Trên
thực tế, Phật sống các đời đều từ lúc thơ ấu đã được chỉ định là linh đồng
chuyển thế, kiếp này của họ cũng chỉ là đứa trẻ bình thường, lại phải gánh vác
trách nhiệm của kiếp trước mà họ không hề hay biết. Bất kể họ có bằng lòng hay
không, nhất định phải có sự khác biệt với những đứa trẻ khác. Không thể trưởng
thành thuận theo tự nhiên, không thể sống tự do tự tại; khi họ còn rất nhỏ, đã
bị nhốt vào chiếc lồng tu hành, tiếp nhận phán xét của số mệnh. Suốt đời này,
ngay cả quyền lợi lựa chọn họ cũng không có, định sẵn phải dùng hạnh phúc bình
thường đổi lấy kính ngưỡng của muôn dân. Cô độc ngồi trên ngai Phật, sách kinh
là tri âm, tràng hạt là giai nhân, Phạn âm[4] là tình ca, đèn
bơ là ánh sáng duy nhất.

[4]
Phận âm: chỉ tiếng đọc kinh.

So ra,
Tsangyang Gyatso bay nhảy ngang dọc mười lăm năm chốn phàm trần, chẳng phải may
mắn hơn các linh đồng chuyển thế khác ư? Ít nhất Ngài từng có thời gian tự tại
an nhàn, từng tắm trong gió núi trăng thanh dịu dàng, từng cùng cô gái xinh đẹp
đa tình nói chuyện yêu đương. Chỉ chẳng qua hết thảy những điều tốt đẹp này như
hạc vàng đi xa, không trở lại nữa. Đào hồng rụng rồi vẫn sẽ có khi lại nở,
trăng sáng lặn xuống phía tây rồi sẽ có lúc mọc lên, người yêu ly biệt vẫn còn
có ngày gặp lại, nhưng Tsangyang Gyatso, thì mãi mãi vĩnh biệt cõi hồng trần
rối rắm.

Không
kịp rồi, tất cả đã quá muộn. Anh túc thật sự rất đẹp, nhưng khi bạn ăn vào, mới
biết đó là một loại thuốc chứa kịch độc. Sau khi hiểu rõ thì đã trúng độc quá
nặng. Bạn muốn trở thành vua của cung Potala, thì tất nhiên phải trải qua dày
vò người thường không thể chịu đựng. Tsangyang Gyatso không quản nóng lạnh, vất
vả học tập Phật pháp ở đây, dù trong lòng Ngài ít nhiều không tình nguyện, thậm
chí nóng nảy không yên, nhưng Ngài rốt cuộc vẫn là linh đồng chuyển thế, trong
cốt cách có tính Phật và linh tuệ. Trong thời gian ngắn ngủi, việc học tập của
Tsangyang Gyatso đã tiến bộ vượt bậc, điều đó khiến Sangye Gyatso cảm thấy an
ủi, đôi khi lơ đãng, sẽ mỉm cười với Ngài.

Nụ cười
đó đối với Tsangyang Gyatso thật nhợt nhạt yếu ớt. Mỗi khi màn đêm buông xuống
cung Potala, mọi người tản hết, mỗi một đồ vật ở đây đều tẩy hết lớp phấn son
trang điểm ban ngày, tỏ ra yên tĩnh vô cùng. Lúc này lòng Tsangyang Gyatso bị
nỗi cô độc gặm nhấm, Ngài nhớ làng nhỏ miền núi đã cho Ngài tất cả những điều
tốt đẹp. Nhớ màu bầu trời đêm ở đó, nhớ hương thơm của hoa dại, nhớ hình ảnh
người dân Monpa uống rượu ca hát bên đống lửa, nhớ người mẹ khâu vá da chồn
dưới đèn, càng nhớ tình cảm dịu dàng khi Ngài cùng ý trung nhân hò hẹn dưới
trăng.

Trong kiếp
này ngắn ngủi,

Được sủng hạnh vô cùng.

Kiếp sau thời thơ ấu,

Phải chăng lại tương phùng?

Sau khi tỉnh mộng, Ngài đã
lệ rơi đầm đìa, cả cung Potala rộng lớn này, chỉ có ánh trăng hắt xuống giường
Phật của Ngài. Muốn gọi một con chim, nhờ nó đưa tin đến phương xa, tiếng hót
nghẹn ngào của nó dường như cho Ngài biết, nó sống chẳng hề tự do, dù nó có một
đôi cánh bay lượn, vậy mà thân vẫn bất do kỷ. Vạn vật trên đời đều đang sống,
đều đang hô hấp, và cũng đều thân bất do kỷ.

Chim lồng

Có người nói, một người quá đỗi hoài cựu, không hẳn là vì quá khứ xiết bao rực rỡ, mà là vì anh ta không thể yên lòng với hiện trạng. Đời người rối ren, nào ai dám khoe mình có đủ sức mạnh chặn đứng được muôn ngàn gió bụi.

Chỉ vào lúc thực sự mất đi, con người mới tưởng nhớ da diết sự tốt đẹp đã từng có, những thước phim trước đây như hình với bóng, luôn hiện lên trong tâm trí. Lúc này, chúng ta đều không kìm được phải hỏi bản thân, không bỏ xuống được rốt cuộc là vì ưa hoài niệm, hay là vì quá khứ thật sự đáng thương tiếc? Có người nói, một người quá đỗi hoài cựu, không hẳn là vì quá khứ xiết bao rực rỡ, mà là vì anh ta không thể yên lòng với hiện trạng. Đời người rối ren, nào ai dám khoe mình có đủ sức mạnh chặn đứng được muôn ngàn gió bụi. Khi bạn không thể tiếp nhận phong cảnh xa lạ, không thể thích ứng cuộc sống mới mẻ, thì tất nhiên sẽ hoài niệm sự vật đã từng quen thuộc mà ấm áp.

Một người trông có vẻ mạnh mẽ, thực ra nội tâm anh ta lại là tường thành xây bằng băng mỏng, gặp lửa thì tan, vừa xô liền đổ. Một người trông có vẻ mềm yếu, nội tâm anh ta lại được xây bằng gạch ngói tỉ mỉ, đơn giản chất phác, kiên cố vững chắc. Thế nhưng tất cả những điều này, đều bắt nguồn từ tao ngộ của đời người, nếu dặm đường năm tháng bằng phẳng suôn sẻ, vết thương lòng ít, chẳng đến nỗi yếu đuối không chịu nổi. Nếu vận mệnh gập ghềnh trắc trở, trong lòng tất nhiên ngàn trăm lỗ thủng, đến lúc đó, dù bạn vá víu thế nào, cũng không thể chắp vá nên bộ dạng ban đầu.

Thế gian này có những việc có thể hối hận, có những việc ngay cả tư cách hối hận cũng không có. Ví như Tsangyang Gyatso, khi hàng ngày Ngài đọc thuộc kinh văn vô vị, tay cầm tràng hạt cứng ngắc, ngửi cùng một loại đàn hương, sâu trong nội tâm, chắc chắn Ngài sẽ hối hận vì ban đầu không làm khác đi. Nhưng Ngài có tư cách hối hận chăng? Năm xưa Ngài được sứ giả rước vào cung Potala, căn bản đã không có đường nào chọn lựa, vì Ngài được số mệnh định sẵn là linh đồng chuyển thế của Đạt Lai thứ 5, kiếp này chỉ có thể sống vì kiếp trước. Bất kể Ngài bằng lòng hay không, Ngài đều phải tiếp nhận điển lễ tọa sàng, tiếp nhận vinh dự chí cao vô thượng này. Nếu Ngài cũng từng có vui sướng, đó là bởi vì chàng thiếu niên mười lăm tuổi còn có một trái tim non nớt. Vận mệnh đột ngột thay đổi khiến Ngài không có thời gian suy nghĩ đây rốt cuộc là một niềm vinh dự hay là một nỗi tiếc nuối.

Đây là quà tặng ông trời ban thưởng cho Ngài, một phần quà tặng không thể chối từ, lại nặng nề như núi. Chưa ai từng hỏi Ngài có gánh vác nổi hay không, đến với thế gian này, Ngài định sẵn trở thành truyền kỳ. Khi Ngài ngồi trên ngai Phật của cung Potala, đứng ngồi không yên đọc kinh, tham thiền, cõi lòng lại theo gió mát nhởn nhơ lượn ngoài cửa sổ bay đến phương xa. Làng nhỏ hẻo lánh từng gọi là quê hương ấy cho Ngài niềm vui quên hết tất cả, lại không cho nổi Ngài một chốn về yên ổn bình dị. Chốn về của Ngài là ở đâu? Chốn về của thể xác Ngài nhất định là cung Potala, nhưng chốn về của tâm linh, lại là làng quê miền núi tên là Monyu ấy.

Mỗi người trong lòng đều có tín ngưỡng thuộc về mình, tín ngưỡng này không nhất thiết là tôn giáo. Bạn có thể tín ngưỡng một gốc cây, tín ngưỡng một ngọn cỏ, tín ngưỡng một con cừu, còn có thể tín ngưỡng tình yêu. Nếu để Tsangyang Gyatso lựa chọn, tôi nghĩ Ngài sẽ chọn suốt đời trông nom một gian nhà nhỏ đơn sơ, kề cận người yêu của mình và cảnh vật thiên nhiên Ngài luôn yêu thích. Mặc dù sâu trong nội tâm Ngài cũng tôn sùng Phật giáo, thích đọc kinh văn, nhưng những điều này lại không thể trở thành toàn bộ cuộc sống, chỉ có thể xem là một kiểu tô điểm. Sinh mệnh của Ngài định sẵn là không hoàn hảo, vì Ngài bị gông xiềng dịu dàng của tình yêu trói buộc, muốn vùng dậy thoát ra, kiếp này e rằng không thể.

Trước đó, chẳng ai nói với Ngài, một người dân Monpa chất phác lãng mạn không thể có tình yêu. Khi Ngài bắt đầu biết yêu, cùng cô gái làng bên ái mộ lẫn nhau, vì sao không ai nói cho Ngài biết, kiếp này của Ngài định sẵn không có hôn nhân trọn vẹn. Vị Phật sống trong cung Potala - Tsangyang Gyatso bi ai than thở: “Nếu đời này vĩnh viễn bị giam cầm trong tòa cung điện đẹp đẽ này, thế thì xin giao trả cho ta kiếp trước, có lẽ ta còn có thể chọn lựa lại một lần nữa, chịu chuyển thế luân hồi một lần nữa”. Lẽ nào Ngài không biết, chuyển thế luân hồi sớm đã viết sẵn trên đá tam sinh[1], đi qua Vong Xuyên của năm tháng, chẳng ai có thể chọn lựa vận mệnh tương lai cho mình.

[1] Theo tín ngưỡng Á Đông, Điện Diêm Vương thứ 10 ở địa ngục cai quản việc chuyển tiếp đầu thai. Tại điện này có cầu Nại Hà bắc qua sông Vong Xuyên (Sông Quên). Ven sông có một tảng đá, gọi là đá Tam Sinh, ghi lại kiếp trước kiếp này kiếp sau của con người. Những linh hồn được đi đầu thai trở lại làm người đều phải qua Vong Đài (Đài Quên), uống canh của Mạnh Bà để quên hết chuyện kiếp trước.

Sương trắng trên cỏ lác,

Sứ giả của gió đông.

Chính là hai kẻ ấy,

Chia cắt hoa và ong.

Thiên nga yêu hồ nước,

Muốn ở thêm một hồi.

Nhưng mặt hồ băng đọng,

Làm buốt giá tim tôi.

Mùa xuân này, mùa xuân của Lhasa, trong gió xuân dịu dàng, Tsangyang Gyatso ngửi thấy hương thơm thanh khiết thoang thoảng của cỏ xanh, nhìn thấy mây trắng nhàn nhã lướt qua trước cửa sổ. Những cảnh vật tự nhiên này lại gợi lên trong lòng Ngài khát vọng vô hạn đối với quê hương. Đều nói Phật là vạn năng, có thể nhìn rõ ràng thấu suốt tất cả mọi thứ trên thế gian, nhưng Tsangyang Gyatso giờ đây, được xưng là Phật sống, vì sao không thể xử lý ngay cả cuộc đời của chính mình? Nỗi nhớ như cỏ dại ngập tràn nơi đáy lòng, khiến Ngài lúng túng. Không ai thật sự hiểu được tâm sự của Ngài, Ngài mong chờ hoàng hôn, mong chờ đêm đến, lúc đó, cho dù quạnh quẽ, thời gian ngắn ngủi đó lại thật sự thuộc về bản thân.

Ban ngày, Tsangyang Gyatso cực nhọc học tập kinh văn, không dám một phút lơ là. Chỉ vào lúc đêm khuya, cả tòa cung điện yên tĩnh hẳn, Ngài mới dám lấy bút mực ra, khẽ viết thơ tình. Con người chính là như thế, khi bạn có, có lẽ sẽ cảm thấy tất cả chẳng quan trọng lắm. Sau khi mất đi, lại ngày mong đêm nhớ, mong mỏi một ngày đoạt về được báu vật thất lạc. Thật là mâu thuẫn, nhưng không biết bắt đầu từ lúc nào, chúng ta đã thích mâu thuẫn như vậy, bằng lòng vương vấn không thôi với những tâm tư mơ hồ.

Xin Lạt Ma đắc đạo,

Chỉ đường sáng cho tôi.

Do chẳng hồi tâm được,

Lại đến bên nàng rồi.

Khuôn mặt sư nghĩ mãi,

Chẳng hiện ra trong lòng.

Dung nhan nàng hiện rõ,

Dù có nghĩ hay không.

Chữ màu đen viết xong,

Nhòe bởi mưa và nước.

Tâm tư muốn viết ra,

Muốn xóa không xóa được.

Dù là như thế, Tsangyang Gyatso cũng không phải không hề động lòng đối với quyền lực. Trong tòa cung điện vĩ đại này, Ngài là Phật sống, vốn phải có địa vị chí tôn và phong lưu vương giả, thống trị muôn dân trăm họ. Nhưng giờ đây, trong không gian rộng lớn này, Ngài không có cả tư cách nói chuyện. Ngài khát khao thời gian ba năm sớm qua đi, bản thân có thể chủ trì chính sự, trong điện lớn uy nghiêm này, cất lên tiếng nói của mình. Không phải Tsangyang Gyatso tham luyến quyền quý, trong cục thế đã không thể thay đổi, Ngài chỉ biết cúi đầu khuất phục. Đã không thể trở lại được như trước, Ngài cũng không thể đắm chìm trong hiện tại, Ngài là Phật sống, cần tuân theo phương thức của Phật sống để tiếp tục sinh tồn.

Do đó, ba năm nay, Tsangyang Gyatso dù không quên được ngày tháng tươi đẹp của quá khứ, không quên được người tình mơ xanh ngựa gỗ, nhưng Ngài cũng sống rất tỉnh táo. Ngài hiểu được sâu sắc, chỉ có học tập thành tựu, Đệ Ba Sangye Gyatso mới giao phó chính quyền cho Ngài. Cuộc sống như chim trong lồng ba năm khiến Ngài cảm thấy linh tính còn lại trên người mình đang dần dà mất đi, tình cảm mãnh liệt đối với cuộc sống ngày trước cũng lặng lẽ nhạt dần. Tsangyang Gyatso giống như một cây cỏ khô, cần ánh nắng và mưa móc tưới nhuần mới có thể sống lại. Đúng vậy, Ngài khát khao sống lại, khát khao thật sự ngồi trên ngai Phật cao ngất, bàn việc với các sư trong điện lớn, lắng nghe tiếng nói của muôn dân, dùng sức mạnh của mình, giải nạn trừ lo cho họ.

Mùa hoa nở đã qua,

Ong chớ nên rầu rĩ.

Duyên yêu nhau đã tận,

Ta cũng chẳng sầu bi.

Nếu duyên phận quả thật đã hết, cũng không cần quá đỗi bi thương. Cứ đem ký ức chôn chặt đáy lòng, lúc không người, một mình trầm tư, tưởng tượng từng vui vẻ bên nhau, chỉ là ngắn ngủi đến nỗi giống như một lần hoa nở. Hoa lỡ mất mùa nở rộ, vẫn còn có năm sau, duyên phận Ngài bở lỡ, có thể tìm lại được không? Không thể nghĩ ngợi nữa, một người quá đỗi chìm đắm trong ngày hôm qua là tự chuốc lấy đau khổ. Nếu đời này Tsangyang Gyatso đều không thể rời cung Potala, thế thì lối thoát duy nhất của Ngài, chính là giải thoát bản thân. Hồng trần và cõi Phật, cách nhau một dãy núi, một dòng sông, Ngài hoặc là tung người nhảy qua, hoặc là ngồi thuyền vượt sông.

Tuy nhiên, Tsangyang Gyatso cuối cùng cũng chịu đựng qua ba năm, gian khổ ba năm, trói buộc ba năm, Ngài phải chăng nên phá kén mà ra? Làm một chú bướm đẹp đẽ tự tại, kiêu ngạo nhẹ nhàng bay lượn giữa trăm khóm hoa. Dẫu là một đám mây trôi, không gốc không rễ, ít nhất cũng có thể trời cao biển rộng. Mười tám tuổi, cũng đã chờ đến mười tám tuổi, đây là tuổi Đạt Lai Lạt Ma tự mình chấp chính. Tsangyang Gyatso mười tám tuổi đã từ một thiếu niên anh tuấn trở thành một thanh niên trí tuệ sáng suốt, đọc kinh niệm Phật ba năm khiến Ngài thoát khỏi bản tính hoang dại của thảo nguyên, có học thức thâm thúy.

Nhưng vì sao Sangye Gyatso cứ lần lữa không chịu giao quyền trượng đến tay Ngài? Ngồi trên ngai Phật của cung Potala, dù ngày nào cũng có người rạp mình dưới chân Ngài, nhưng Ngài trước sau như một, không có mảy may quyền lực chấp chính. Ngài vẫn là con cờ do Sangye Gyatso sắp xếp, so với lúc trước, càng thêm nhu nhược, càng thêm bó tay hết cách. Chẳng lẽ chính sự rối rắm khiến Sangye Gyatso bận đến nỗi quên mất hay sao? Y làm sao có thể quên cơ chứ? Nhẫn nại ba năm, nói quên liền một nét bút sổ toẹt hết thảy như thế hay sao?

Không, Sangye Gyatso không hề quên, nếu y thật sự quên, Tsangyang Gyatso vẫn phải nhốt mình trong phòng đọc kinh niệm Phật, chứ không thể ngồi trên điện lớn, lắng nghe các sư lễ bái. Tất cả những điều này chẳng qua là cảnh giả, vì Sangye Gyatso sẽ ở sau lưng giả vờ cùng Tsangyang Gyatso bàn bạc chính sự; trên thực tế, quyền quyết định vẫn nắm chắc trong tay Sangye Gyatso. Hơn nữa y thường vẫn nhắc đến vấn đề trả lại quyền cho Ngài, chỉ là mỗi lần Tsangyang Gyatso ngẩng đầu mong đợi, cuối cùng đều kết thúc bằng thất vọng.

Tsangyang Gyatso trẻ tuổi không biết nên đòi một lời giải thích với ai. Nhìn Phật cầm hoa mỉm cười[2], Ngài cũng cười, chỉ là Ngài cười một cách ẩn nhẫn, cười một cách bất lực, cười một cách hoàn toàn không có vẻ ung dung và ôn hòa của nhà Phật. Ngài là vua của cung Potala, chỉ là trên sân khấu không ai hỏi han, một mình đạo diễn một màn kịch buồn vui vô thường.

[2] Cầm hoa mỉm cười (Niêm hoa vi tiếu): là một giai thoại thiền, ghi lại sự kiện Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đưa cánh hoa lên khai thị, tôn giả Ca Diếp mỉm cười. Đây là biểu thị cho pháp môn lấy tâm truyền tâm, một pháp môn siêu ngôn ngữ, siêu văn tự. Trong pháp môn này chỉ có sự giao cảm, rung động giữa hai tâm thức thầy và trò, và hai tâm thức này đã đồng nhất. Đó là cái tâm vi diệu Niết bàn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3