Việt Sử Giai Thoại (Tập 4) - Chương 29 - 30

29 - LÊ CẢNH TUÂN VỚI BỨC "VẠN
NGÔN THƯ"

Sách Đại
việt sử
kí toàn thư (bản kỉ, quyển 9, tờ 18 - b và tờ
19 a - b) chép rằng:

"Trước đây, Cảnh Tuân
là hạ trai học sinh của nhà Hồ. (Từ thời Trần trở đi, học sinh được chia làm ba
hạng là thượng trai, trung trai và hạ trai - ND). Năm Hưng Khánh thứ nhất (tức
năm Đinh Hợi, 1407 - ND), (Cảnh Tuân) có viết bức "vạn ngôn thư" (bức
thư dài đến một vạn chữ - ND), rồi dâng cho Tham nghị Bùi Bá Kỳ. (Thư ấy) nêu
ba phương sách là thượng, trung và hạ, đại lược nói rằng:

Nhà Minh đã ban cho các hạ
(chỉ Bùi Bá Kỳ - ND) được theo quân tiến đánh, đợi khi bắt được họ Hồ thì chọn
con cháu họ Trần mà lập làm vua, gia tước cho các hạ được làm phụ tá. Nay thấy
thiết lập ti Bố chính, phong tước cao cho các hạ mà chỉ cấp người quét dọn đền
miếu nhà Trần (chứ không thấy lo lập lại họ Trần). Nếu các hạ có thể tâu lại,
phân tích lời khai của các quan (cũ) và kì lão (các nơi), nói rõ là con cháu họ
Trần vẫn còn, xin ban chiếu sắc riêng để phong lại cho họ Trần thì đó là thượng
sách. Nếu các hạ không làm được như thế thì hãy xin thôi chức vị hiện nay, tình
nguyện làm quan coi nhà thờ họ Trần, đó là trung sách. Nếu các hạ còn tiếc quan
to, tham bổng lộc nhiều, thì đó là hạ sách.

Nếu làm theo thượng sách,
tôi xin là nhân sâm, cam thảo, chỉ xác, trần bì... bổ sung vào ô thuốc của các
hạ để các hạ tùy nghi sử dụng. Nếu làm theo trung sách, tôi xin được bưng khay
chén hầu hạ và cũng xin tùy các hạ sai khiến. Nếu làm theo hạ sách, tôi sẽ là
kẻ ẩn dật, sống cho hết tuổi thừa mà thôi.

Đến khi (Bùi Bá Kỳ bị tình
nghi, bị quân Minh) tịch biên nhà cửa, (giặc) bắt được bức thư ấy và tâu lên,
(vua Minh) sai bắt Cảnh Tuân để xét hỏi, nhưng lúc ấy loạn lạc, không biết
(Cảnh Tuân) đi đâu.

Đến đây (năm Tân Mão, 1411 -
ND) đặt học hiệu ở Giao Châu (Cảnh Tuân ra làm Giáo thụ), giặc bắt được Cảnh
Tuân đưa về Kim Lăng và giam xuống ngục của vệ Cẩm Y. Cảnh Tuân ở trong ngục 5
năm, cùng con là Thái Điên đều bị ốm mà chết.”

Sử thần Ngô
Sĩ Liên nói:

Ba phương sách của Cảnh Tuân mang khí khái của bậc trượng phu. Ông nhận chức
Giáo thụ của nhà Minh chắc có lẽ cũng vì muốn ẩn dật mà không được.”

Lời bàn: Sức học mới ở hạ trai
mà viết nổi "vạn ngôn thư" đã là khó, viết "vạn ngôn thư"
để giãi bày tâm huyết của một người giàu lòng trung quân ái quốc và phân tích
lẽ thiệt hơn cho kẻ lầm đường, khiến mạng sống của người viết bị đe dọa, thì
lại càng khó hơn.

Bùi Bá Kỳ nhận "vạn
ngôn thư" rồi bỏ đấy, không dám bày tỏ chút lòng ưu ái đối với Lê Cảnh
Tuân, ấy là lỗi, nhưng có thế thì Bùi Bá Kỳ mới là Bùi Bá Kỳ.

Ai bảo bút sa gà chết, còn
đây, bút sa... người chết. Song, chết mà để lại được một "vạn ngôn thư,”
khiến cho muôn đời đểu hiểu được nỗi ưu thời mẫn thế của mình, dễ đã mấy ai
trường thọ mà đã làm được. Kính thay!

30 - KHÍ PHÁCH NGUYỄN BIỂU

Nguyễn Biểu sinh năm nào
không rõ, chỉ biết nguyên quán của ông là đất Bình Hồ, La Sơn, Nghệ An (nay là
đất Đức Thọ, Hà Tĩnh). Năm Kỉ Sửu (1409), khi các tướng Đặng Dung, Nguyễn Cảnh
Dị, Nguyễn Súy, Nguyễn Chương... cùng tôn Trần Quý Khoáng lên ngôi Hoàng đế để
lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược, Nguyễn Biểu cũng ứng nghĩa
mà theo về, được Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng cho giữ chức Đài quan.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Chính biên, quyển
12, tờ 37 và 38) chép rằng:

"Trước đây, đế Quý
Khoáng thấy mình bị thua luôn, lương thực không được tiếp tế đầy đủ, mới cho
bọn Nguyễn Súy, Đặng Dung theo đường biển ra tuần tiễu ở Hải Đông, Vân Đồn và
các vùng biển khác để kiếm lương ăn và chặn đánh bọn lính nhà Minh đóng rải rác
ở những nơi này. (Đánh xong) lại kéo về Nghệ An, quân chỉ còn lại độ ba bốn
phần mười.

Đến nay (tháng 4 năm Quý Tị,
1413 - ND), Trương Phụ lại đem quân đến đánh, (Vua) bèn chạy đến Hóa Châu (vùng
Bình - Trị - Thiên cũ - ND) rồi sai bầy tôi là Nguyễn Biểu sung làm sứ cầu
phong. Khi (Nguyễn Biểu) đem phẩm vật đến Nghệ An, (Nguyễn) Biểu bị (Trương)
Phụ giữ lại (Nguyễn) Biểu giận, mắng (Trương) Phụ rằng:

- Trong bụng thì toan tính việc đánh chiếm
nước người ta mà bề ngoài thì lại lớn tiếng là quân nhân nghĩa, trước nói lập
con cháu họ Trần, bây giờ lại đặt quận huyện, không những cướp bóc của cải, lại
còn giết hại nhân dân, mày thật là thằng giặc bạo ngược.

(Trương) Phụ giận, sai giết
(Nguyễn Biểu).”

Bởi kính trọng nghĩa khí
quật cường ấy, nhân dân Nghệ - Tĩnh đã lập đền thờ ông, tôn ông là Nghĩa
vương.
Trong Nghĩa sĩ truyện, Hoàng Trừng (người thế kỉ
XVI và là cháu chắt bên ngoại của Nguyễn Biểu) có kể rằng, khi thấy Nguyễn Biểu
đến doanh trại, chủ tướng giặc là Trương Phụ đã thử khí phách của Nguyễn Biểu
bằng cách mời ông ăn cỗ đầu người. Nguyễn Biểu vừa ăn vừa làm bài thơ bằng chữ
Nôm Ăn cỗ đầu người rất được người đời truyền tụng. Nguyên văn
bài thơ chữ Nôm này như sau:

Ngọc thiện trân tu đã đủ
mùi,

Gia hào thêm có cỗ đầu
người.

Nem công chả phượng còn thua
béo,

Thịt gấu gân lân hẳn kém
tươi.

Ca lối Lộc Minh so cũng một,

Vật bày thỏ thủ bội hơn
mười.

Kia kìa ngon ngọt tày vai
lợn,

Tráng sĩ như Phàn tiếng để
đời.

Cũng trong sách trên, Hoàng
Trừng còn ghi lại cả một bài văn tế của Trùng Quang Đế, đế là Tế Nguyễn
Biểu;
nguyên văn bằng chữ Nôm như sau:

Than rằng:

Sinh sinh hóa hóa, cơ huyền
tạo mờ mờ,

Sắc sắc không không, bụi
hồng trần phơi phới.

Bất cộng thù, thiên địa
chứng cho,

Vô cùng hận, quỷ thần thề
với.

Nhớ thuở tiên sinh giơ cao
mũ trãi,

Chăm chắm ở nơi đài gián,
dành làm cột đá để ngăn dòng.

Tới khi tiên sinh xa gác vó
câu, hăm hăm chỉ,

Cán cờ mao, bỗng trở gió vàng
bèn nên nỗi.

Thói tinh chiên Hồ tặc chỉn
hăm,

Gan thiết thạch Tô công dễ
đổi.

Quan Vân Trường gặp Lữ Mông
dễ sa cơ ấy,

Mảng thấy chữ phệ tề
hà cập
dạ những bùi ngùi.

Lưu Huyền Đức giận Lục Tốn,
mong trả thù này,

Nghĩ đến câu thường
đảm bất vong
lòng thêm dọi dọi.

Sầu kia không lấp cạn dòng,

Thảm nọ dễ xây nên núi.

Lấy chi báo chưng hậu đức,
rượu kim tương một lọ,

Vơi vơi mượn chuốc ba tuần.

Lấy chi ủy thửa phương hồn,
văn dụ tế mấy câu,

Thăm thẳm ngõ thông chín
suối.

Bài Tế Nguyễn
Biểu
tuy chưa phải là bài hay, càng chưa phải là đã viết đúng theo
những quy cách vốn rất chặt chẽ của văn tế, song, cái tình của Trùng Quang Đế
đối với Nguyễn Biểu thì ai cũng có thể nhận thấy được.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3