Việt Sử Giai Thoại (Tập 4) - Chương 23 - 24
23 - CÁI CHẾT CỦA NGỤY THỨC, KIỀU
BIỂU VÀ VỢ CHỒNG NGÔ MIỄN
Sau trận thảm bại vào tháng
chạp năm Bính Tuất (1406), sức đề kháng của nhà Hồ chẳng còn gì đáng kể nữa.
Cha con Hồ Quý Ly đem tàn quân chạy vào Thanh Hóa. Ngày 23 tháng 4 năm Đinh Hợi
(1407), quân Minh đánh vào Lỗi Giang (Thanh Hóa) và sáu ngày sau (29 - 4),
chúng lại đánh vào cửa Điển Canh (nay thuộc Tĩnh Gia, Thanh Hóa). Ở cả hai trận
đánh này, tàn quân nhà Hồ đều tự tan vỡ ngay khi chưa lâm trận. Sách Đại
Việt sử kí toàn thư (bản kỉ, quyển 9, tờ 3 - a) chép rằng:
“Hai (cha con) họ Hồ định
chạy đến Thâm Giang (tức sông Ngàn Sâu, Hà Tĩnh - ND), nhưng không sao đi được.
Ngụy Thức xin hai cha con họ Hồ tự thiêu, ông nói:
- Nước đã sắp mất, bậc vương giả không chết
bởi tay kẻ khác.
Quý Ly nghe vậy giận lắm,
chém chết ông.”
Ngày 5 tháng 5 năm Đinh Hợi
(1407), Hồ Quý Ly bị giặc bắt ở bãi Chi Chi (nay thuộc Vĩnh Lộc, Thanh Hóa. Sáu
ngày sau, (ngày 11 - 5), giặc lại bắt được Hồ Nguyên Trừng ở Kì La (Kì Anh, Hà
Tĩnh). Ngày hôm sau (12 - 5), Hồ Hán Thương và con là Thái tử Nhuế bị bắt ở Cao
Vọng (cũng thuộc Kì Anh, Hà Tĩnh). Cuộc kháng chiến của triều Hồ đến đó là hoàn
toàn bị dập tắt. Không ít quan lại của triều Hồ đã đầu hàng quân Minh. Tuy
nhiên, cũng có những người thà chết để giữ sạch tiết tháo chứ quyết không chịu
cúi đầu quy phụ. Trong số đó, nổi bật hơn cả có lẽ là Kiều Biểu và Ngô Miễn.
Cũng sách trên (tờ 3 - b) chép rằng:
"Duy có Hành khiển hữu
tham tri chính sự là Ngô Miễn và chức Trực trưởng là Kiều Biểu đã nhảy xuống
nước tự tử. Khi Miễn chết, vợ là Nguyễn Thị ngửa mặt lên trời mà than rằng:
- Chồng ta thờ Chúa, một đời ăn lộc, nay giữ
tiết nghĩa mà tự tử, thế là chết rất xứng đáng, còn oán hận gì nữa? Nếu thiếp
muốn sống cho qua ngày, chẳng lẽ lại không được hay sao? Nhưng, đạo vợ chồng,
nghĩa vua tôi, trong chốc lát mà phụ bạc thì thiếp không nỡ nào. Chi bằng, xin
được theo nhau.
Nói xong, cũng nhảy xuống
nước mà tự tử.
Sử thần Ngô
Sĩ Liên nói:
Vợ Ngô Miễn là Nguyễn Thị không chỉ chết vì nghĩa mà thôi. Câu nói của bà cũng
đủ làm lời khuyên cho đời. Vậy nên chép ra đây để nêu gương.”
Sách Khâm định Việt
sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 12, tờ 18) còn chép thêm về tình
cảnh của cha con Hồ Hán Thương khi chạy đến Kì La (Hà Tĩnh) như sau:
"Lúc hai cha con nhà Hồ
(đây chỉ Hồ Hán Thương và con là Thái tử Nhuế - ND) chạy đến Kì La, có phụ lão
ra bái yết, nói rằng:
- Chỗ này tên gọi là Ki Lê (nói trại chữ Kì
La, mang nghĩa khác là trói người họ Lê, tức họ Hồ vì sử vẫn chép Hồ Quý Ly là
Lê Quý Ly - ND), ở trên kia có núi Thiên Cầm (nguyên nghĩa
là đàn trời, song ở đây, chữ cầm được dùng
với nghĩa là bắt, thiên cầm là trời bắt - ND), đấy là
điềm không tốt, xin chớ lưu lại ở đây.
Hai (cha con) họ Hồ nổi giận,
chém chết người phụ lão ấy. Đến giờ, quả nhiên cha con họ Hồ bị bắt ở nơi đó.”
Lời bàn: Chém Ngụy Thức ở Điển
Canh rồi lại chém cụ phụ lão ở Kì La, cha con Hồ Quý Ly chỉ bộc lộ cho trọn vẹn
thêm bản chất tàn bạo của mình mà thôi. Mới hay, cha con họ Hồ chẳng thể sánh
với Ngô Miễn và Kiều Biểu, càng không thể sánh với vợ Ngô Miễn là người phụ nữ
mà đến bây giờ, sử cũng chỉ mới biết họ, chưa biết được tên.
Ý của cụ phụ lão ở Kì La
cũng có thể coi là ý dân vậy. Dân đã không chứa chấp lại còn dùng thuật chơi
chữ để dọa mà đuổi đi, ấy cũng bởi như Nguyễn Trãi sau này nói:
“Vừa rồi, vì họ Hồ chính sự
phiền hà,
Để khắp nước lòng dân oán
giận.”
Dè đâu, dấu chấm hết triều
Hồ cũng là dấu than, buồn thay!
24 - THƯƠNG HẠI THAY! BÙI BÁ KỲ
Sau khi Hồ Quý Ly phế bỏ (1398)
rồi giết chết vua Trần Thuận Tông (1399), một loạt tôn thất và quan lại triều
Trần bàn mưu tính kế để diệt Hồ Quý Ly. Nhưng, cơ mưu bị lộ, việc lớn không
thành. Hồ Quý Ly điên cuồng trả thù, sát hại một lúc trên 370 người, trong đó
có Thượng tướng Trần Khát Chân là người đã có công giết chết vua Chế Bồng Nga
của Chiêm Thành trong trận đánh năm 1390. Một thuộc hạ của Trần Khát Chân là
Bùi Bá Kỳ vì căm giận Hồ Quý Ly mà bỏ trốn rồi tìm đường sang tận kinh đô nhà
Minh để cầu cứu, xin vua Minh đem quân sang tiêu diệt họ Hồ và lập lại họ Trần.
Sách Khâm định Việt sử thong giám cương mục (chính biên, quyển
12, tờ 24) viết rằng:
“Trước đây, tì tướng của
Trần Khát Chân là Bùi Bá Kỳ, tự xưng là bề tôi trung nghĩa của nước Nam, chạy
trốn sang nhà Minh để báo cáo nạn nước. Bá Kỳ nói:
- Tổ phụ tôi trước đều là đại thần trong triều
Trần. Mẹ tôi là người thân thích với họ Trần. Lúc bé, tôi vào chầu quốc vương,
(sau lớn lên) làm quan đến Ngũ phẩm. Nay vì cha con Hồ Quý Ly giết vua cướp
nước nên tôi phải bỏ chức quan mà đi trốn, nương náu chốn núi non hang cùng,
lòng vẫn mong tìm đến thiên đình để giải bày gan ruột tan nát bấy lâu nay,
song, giờ mới được trông thấy mặt trời. Tôi trộm nghĩ, cha con Hồ Quý Ly làm
việc cướp nước bạo nghịch, coi khinh thiên triều, xin thiên tử cử đạo quân
"điếu dân phạt tội,” trừ bọn gian tà, lập lại họ Trần, sao để tôn cái
nghĩa làm cho đời đã mất được nối lại. Được như thế thì tôi dẫu chết cũng không
tan xương. Nay, tôi xin noi theo lòng trung nghĩa của Bao Tư (người nước Sở của
Trung Quốc thời Xuân Thu, tự đi cầu cứu nước Tần khi nước Sở bị nước Ngô diệt.
Bao Tư đã dựa vào tường khóc suốt bảy ngày liền. Nhà Tần cảm động, cất quân đi
đánh nước Ngô - ND), thương khóc kêu gào dưới cửa khuyết, xin thiên tử rủ lòng
thương mà soi xét cho.
Vua Minh nhận được lời tâu
ấy, lấy làm cảm động, sai quan chu cấp cơm áo cho (Bùi Bá Kỳ). Gặp lúc ấy, Trần
Thiêm Bình cũng từ Lão Qua sang. Nhà Minh hỏi Bá Kỳ có biết người này không Bá
Kỳ trả lời là không biết. Đến khi nhà Minh đưa Thiêm Bình về nước ta, hỏi Thiêm
Bình nên dùng bao nhiêu người hộ tống, Thiêm Bình nói:
- Chỉ xin độ vài ngàn người là đủ, vì hễ về
đến nơi là người ta tự khắc nghe theo.
Bá Kỳ nói:
- Không nên.
Vua Minh giận, sai đem an
trí Bá Kỳ ở Cam Túc. Đến khi Thiêm Bình bị hại, vua Minh cho triệu Bá Kỳ về, dụ
dỗ là sẽ lập con cháu họ Trần và cho Bá Kỳ làm bề tôi phụ tá. Khi Trương Phụ
đem quân sang nước ta, (vua Minh) cho Bá Kỳ đi theo trong quân ngũ, do đấy,
trao cho chức Tham nghị. Bá Kỳ nhận chức nhưng không cùng bạn đồng liêu bàn
tính công việc gì, chỉ ở nhà riêng và thu nạp những quan viên cũ của triều Trần
bị sa cơ lỡ bước. Nay (Trần) Nguyệt Hồ khởi binh, quân Minh ngờ là Bá Kỳ đem
lòng phản lại, liền bắt Bá Kỳ đưa sang Kim Lăng (Trung Quốc - ND).
Lời bàn: Bá Kỳ chạy sang Trung
Quốc, trong chỗ căm ghét họ Hồ bởi sự thoán nghịch, còn có sự căm ghét bởi chủ
cũ của Bá Kỳ là Trần Khát Chân bị Hồ Quý Ly giết hại, ấy là lẽ có thể cảm
thông. Song, cầu cứu quân Minh thì có gì khác việc rước voi về giày mả tổ? Ông
không hề có tham vọng ích kỉ và bẩn thỉu như Trần Thiêm Bình, nhưng, sự mơ hồ
của ông rốt cuộc cũng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng không kém. Mới hay, sự phản
bội có chủ đích với lòng trung ngây thơ và mù quáng, đôi khi cũng dễ trộn lẫn
vào nhau.
Sử cũ viết rằng Bùi Bá Kỳ bị
quân Minh nghi ngờ nên bắt đem về Kim Lăng. Có lẽ phải nói ngược lại mới phải.
Chính quân thù tin rằng, hễ tỉnh ngộ, thế nào Bùi Bá Kỳ cũng chống lại quân
Minh xâm lược, cho nên, cứ hãy bắt Bùi Bá Kỳ về Kim Lăng ngay khi ông chưa kịp
tỉnh ngộ là tốt hơn cả. Dẫu sao thì giặc vẫn chưa muốn vội vất bỏ ngay con
người còn có thể lợi dụng này. Thương hại thay, Bùi Bá Kỳ!