Việt Sử Giai Thoại (Tập 4) - Mấy lời dẫn chuyện về triều Hồ
MẤY LỜI DẪN CHUYỆN VỀ TRIỀU HỒ
Sách Đại việt sử kí toàn thư (bản
kỉ, quyển 8, tờ 33 - a) cho biết rằng, Hồ Quý Ly, tự là Lý Nguyên, người gốc ở
Chiết Giang (Trung Quốc). Vào thời Ngũ Quý (Cũng gọi là thời Ngũ Đại Thập Quốc,
907 - 960), tiên tổ của Hồ Quý Ly là Hồ Hưng Dật được cử sang làm Thái thú Diễn
Châu (Nghệ An ngày nay). Hồ Hưng Dật làm nhà ở thôn Bào Đột, về sau, con cháu
Hồ Hưng Dật trở thành trại chủ của đất này. Thời Lý (1010 - 1225), họ Hồ đã có
người lấy Công chúa Nguyệt Đích, sinh ra Công chúa Nguyệt Đoan, dẫu vậy, họ Hồ
vẫn chưa phải là một cự tộc.
Đến đời thứ
12, một người của họ Hồ ở Diễn Châu là Hồ Liêm đã di cư ra vùng Đại Lại (Thanh
Hóa), làm con nuôi của quan Tuyên úy Lê Huấn, nên nhận là người họ Lê. Nếu coi
Lê Huấn là tổ thì Hồ Quý Ly là cháu bốn đời của ông. Bởi mối quan hệ này, sử cũ
vẫn gọi Hồ Quý Ly là Lê Quý Ly.
Thuở nhỏ,
Hồ Quý Ly theo học võ nghệ với Sư Tề. Sư Tề người họ Nguyễn, có người con trai
là Nguyễn Đa Phương cũng rất giỏi võ nghệ. Hồ Quý Ly kết nghĩa anh em với
Nguyễn Đa Phương.
Về đường
danh vọng, tuy là được xây đắp phần lớn bằng thủ đoạn và hẳn nhiên là cả bằng
xương máu của nhiều người nữa, song, quả là cổ kim hiếm có nhân vật lịch sử nào
có thể sánh được với Hồ Quý Ly. Sách Đại Việt sử kí toàn thư viết:
“Đời Trần
Nghệ Tông (1370 - 1372 - ND), từ chức Chi hậu tứ cục chánh chưởng, thăng lên
Khu mật viện đại sứ, lên Tiểu tư không, tiến phong Đồng binh chương sự, sau
liên tiếp gia phong tới Phụ chính thái sư nhiếp chính, Khâm Đức Hưng Liệt Đại
vương, Quốc tổ chương hoàng rồi thay nhà Trần, đặt quốc hiệu mới là Đại Ngu,
trở lại họ Hồ, chưa đầy một năm thì truyền ngôi cho con là Hán Thương.”
Triều Hồ
chỉ tồn tại được vỏn vẹn chưa đầy 7 năm (1400 – 1407) nhưng lại là triều đại có
lắm chuyện đáng lưu tâm. Có những chuyện do chính bản thân triều Hồ tạo ra,
nhưng cũng có không ít chuyện do người đời sau khác ý khi nhận định về triều Hồ
mà có.
Với triều
đại quá ngắn ngủi này, chúng tôi xét thấy không cần thiết phải lập thêm một
bảng niên biểu riêng, chỉ xin kê ra đây mấy sự kiện lớn trước khi kế từng giai
thoại riêng biệt.
1 – HỒ QUÝ LY
- Năm 1371: Được vua Trần Nghệ Tông phong
tước Trung Tuyên quốc thượng hầu, chức Khu mật viện đại sứ.
- Năm 1375: Được Thượng hoàng Trần Nghệ
Tông và vua Trần Duệ Tông thăng chức Tham mưu quân
sự.
- Năm 1379: Được Thượng hoàng Trần Nghệ
Tông và vua Trần Phế Đế thăng chức Tiểu tư không, kiêm Khu mật viện đại sứ.
- Năm 1380: Được Thượng hoàng Trần Nghệ
Tông và vua Trần Phế Đê thăng chức Nguyên nhung, quản việc Hải Tây đô thống
chế.
- Năm 1387: Được Thượng hoàng Trần Nghệ
Tông và vua Trần Phế Đế thăng chức Đồng binh chương sự (thành viên cơ quan tối
cao của nhà nước).
- Năm 1395: Được vua Trần Thuận Tông thăng
tước Tuyên Trung vệ quốc Đại vương.
- Năm 1397: Ép vua Trần Thuận Tông phải
dời đô từ Thăng Long vào Thanh Hóa.
- Năm 1398: Ép vua Trần Thuận Tông phải
nhường ngôi cho Trần Thiếu Đề (lúc ấy mới 3 tuổi).
- Năm 1399: Giết vua Trần Thuận Tông,
sau lại giết thêm 370 người mà Hồ Quý Ly cho là thuộc phe đối nghịch với mình,
rồi tự xưng là Quốc tổ chương hoàng.
- Năm 1400: Truất ngôi của vua Trần
Thiếu Đế (cũng là cháu ngoại của Hồ Quý Ly), tự lập làm vua và đặt quốc hiệu
mới là Đại Ngu. Quốc hiệu Đại Ngu chỉ có dưới thời Hồ (1400 – 1407).
2 – HỒ HÁN THƯƠNG: con
của Hồ Quý Ly
- Năm 1399: Xưng là Nhiếp thái phó.
- Năm 1401: Được Hồ Quý Ly nhường ngôi (từ
đó Hồ Quý Ly là Thái thượng hoàng).
- Năm 1407: Nhà Minh xâm lược nước ta.
Cuộc kháng chiến do nhà Hồ lãnh đạo bị thất bại. Thượng hoàng Hồ Quý Ly, vua Hồ
Hán Thương và một loạt các đại thần của nhà Hồ bị nhà Minh bắt về Trung Quốc
làm tù binh. Nước ta bị nhà Minh đô hộ trong vòng 20 năm (1407 - 1427).
Thời thuộc
Minh là một trong những thời bi thương nhất của lịch sử dân tộc ta. Quân Minh
đô hộ đã tìm đủ mọi phương sách để đàn áp và bóc lột nhân dân ta đến tận cùng
của sự tàn bạo và thậm tệ, đúng như Nguyễn Trãi đã tổng kết:
… "Nướng
dân đen trên ngọn lửa hung tàn,
Vùi con đỏ
xuống dưới hầm tai vạ.
Dối trời,
lừa người, mưu gian đủ muôn ngàn kế
Cậy binh
gây hấn, tội ác chứa ngót hai mươi năm.”
(Bình Ngô đại cáo)
Song, thời
thuộc Minh cũng là thời nhân dân ta liên tiếp vùng dậy chiến đấu ngoan cường.
Hàng loạt anh hùng hào kiệt đã anh dũng dựng cờ xướng nghĩa đánh giặc cứu nước.
Hai mươi năm chiến đấu gian lao cũng là hai mươi năm có biết bao mẩu chuyện
đáng nhớ đã xảy ra. Chúng tôi quả là có phần lúng túng khi chọn kết cấu thích
hợp cho tập sách nhỏ này. Sau nhiều lần cân nhắc, chúng tôi quyết định vẫn giữ
nguyên tên gọi là giai thoại về thời Hồ và thời thuộc Minh, nhưng tất cả những
giai thoại gắn liền với Lam Sơn, với cuộc đời và sự nghiệp của Lê Lợi, chúng tôi
đều chuyển sang tập sau, mặc dầu nhiều chuyện thực sự xảy ra trong thời thuộc
Minh.
Cuối cùng,
xin chân thành cám ơn Nhà xuất bản Giáo dục đã giúp chúng tôi nối nhịp cầu giao
lưu với bạn đọc gần xa, những người thành kính ngưỡng mộ tổ tiên mình, và cũng
xin tất cả bạn đọc hãy nhận ở đây chút lòng thành của tôi.
Thành phố Hồ Chí Minh
9 - 1 992
NGUYỄN KHẮC THUẦN