Việt Sử Giai Thoại (Tập 3) - Niên biểu triều Trần
NIÊN BIỂU TRIỀU TRẦN
Triều
Trần chiếm giữ vũ đài chính trị của nước nhà tổng cộng một trăm bảy mươi lăm
năm. Trong khoảng thời gian một trăm bảy mươi lăm năm đó, có mười hai vua người
chính gốc họ Trần và một vua tiếm ngôi (người khác họ) đã nối nhau trị vì. Đặc
điểm của triều Trần là phần lớn các vua chỉ ở ngôi một thời gian, sau đó, nhường
lại cho con hoặc em để lên làm thượng hoàng, chứ không phải là vua trước mất, vua
sau lên kế vị như hầu hết các triều đại khác.
Để
bạn đọc đỡ mất công tra cứu, chúng tôi lập bảng niên biểu này, kê đủ tên thật, cha
sinh mẹ đẻ, thời gian làm vua, thời gian làm thượng hoàng (nếu có) và tuổi thọ
của từng hoàng đế. Điều cần lưu ý là ngày tháng ghi trong niên biểu này là ngày
tháng âm lịch. Riêng năm, ngoài việc kê tên theo can chi, chúng tôi còn ghi chú
ngay trong ngoặc đơn bên cạnh, thứ tự của năm tính theo dương lịch.
1.
TRẦN THÁI TÔNG (1225 - 1258): tên thật là Trần Cảnh, cha là Trần Thừa, mẹ
đẻ người họ Lê (không rõ tên). Vua sinh ngày 16 tháng 6 năm Mậu Dần (1218).
Ngày 12 tháng 12 năm Ất Dậu (1225), được vợ là vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi.
Vua ở ngôi ba mươi ba năm, nhường ngôi để làm thượng hoàng mười chín năm (1258
- 1277), mất ngày 1 tháng 4 năm Đinh Sửu (1277), thọ năm mươi chín tuổi.
2.
TRẦN THÁNH TÔNG (1258 - 1278): tên thật là Hoảng, con thứ hai của Trần
Thái Tông (em Trần Quốc Khang), mẹ đẻ là Thuận Thiên hoàng thái hậu. Vua sinh
ngày 25 tháng 9 năm Canh Tí (1240), lên ngôi năm Mậu Ngọ (1258), ở ngôi hai
mươi năm, nhường ngôi để làm thượng hoàng mười hai năm (1278 - 1290), mất vào
tháng 5 năm Canh Dần (1290), thọ năm mươi tuổi.
3.
TRẦN NHÂN TÔNG (1278 - 1293): tên thật là Khâm, con trưởng của Thánh Tông,
mẹ đẻ là Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu. Vua sinh ngày 11 tháng 11 năm
Mậu Ngọ (1258), lên ngôi năm Mậu Dần (1278). Ở ngôi mười lăm năm, nhường ngôi
để làm thượng hoàng sáu năm (1293 - 1299), đi tu chín năm (là người sáng lập ra
phái Thiền Tông Trúc Lâm Yên Tứ), mất ngày 3 tháng 11 năm Mậu Thân (1308), thọ năm
mươi tuổi.
4.
TRẦN ANH TÔNG (1293 - 1314): tên thật là Thuyên, con trưởng của Nhân Tông,
mẹ đẻ là Bảo Thánh hoàng thái hậu. Vua sinh ngày 17 tháng 9 năm Bính Tí (1276),
lên ngôi năm Quý Tị (1293), ở ngôi hai mươi mốt năm, nhường ngôi để lên làm
thượng hoàng sáu năm (1314 - 1320), mất ngày 16 tháng 3 năm Canh Thân (1320), thọ
bốn mươi tư tuổi.
5. TRẦN
MINH TÔNG (1314 - 1329): tên thật là Mạnh, con thứ tư của Anh Tông, mẹ đẻ
là Chiêu Hiến hoàng thái hậu (con gái của Trần Bình Trọng). Vua sinh năm Canh
Tí (1300), lên ngôi năm Giáp Dần (1314), ở ngôi mười lăm năm, nhường ngôi để
lên làm thượng hoàng hai mươi tám năm (1329 - 1357), mất ngày 19 tháng 2 năm
Đinh Dậu (1357), thọ năm mươi bảy tuổi.
6.
TRẦN HIẾN TÔNG (1329 - 1341): tên thật là Vượng, con thứ của Minh Tông, mẹ
đẻ là Minh Từ hoàng thái phi. Vua sinh ngày 17 tháng 5 năm Kỉ Mùi (1319), lên
ngôi năm Kỉ Tị (1329), ở ngôi mười hai năm, chưa kịp lên làm thượng hoàng thì
đã mất vào ngày 11 tháng 6 năm Tân Tị (1341), thọ hai mươi hai tuổi.
7.
TRẦN DỤ TÔNG (1341 - 1369): tên thật là Hạo, con thứ mười của Minh Tông, (em
của Hiến Tông), mẹ đẻ là Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng thái hậu. Vua sinh ngày 19
tháng 10 năm Bính Tí (1336), lên ngôi năm Tân Tị (1341), ở ngôi hai mươi tám
năm, chưa làm thượng hoàng thì đã mất vào ngày 25 tháng 5 năm Kỉ Dậu (1369), thọ
ba mươi ba tuổi.
8.
DƯƠNG NHẬT LỄ (1369 - 1370): con của người kép hát tên là Dương Khương. Vợ
Dương Khương lấy Cung Túc Vương Dục (là con thứ của Minh Tông) lúc đang có thai
với Dương Khương. Sau, bà sinh ra Nhật Lễ và Nhật Lễ được Cung Túc Vương Dục
nhận làm con. Ngày 15 tháng 6 năm Kỉ Dậu (1369), bấy giờ, Cung Túc Vương Dục đã
mất, Nhật Lễ được bà Hiến Từ Tuyên Thánh hoàng thái hậu đưa lên ngôi. Nhật Lễ
nhân đó muốn phế bỏ nhà Trần, bèn lấy lại họ Dương rồi bức hại Hiến Từ Tuyên
Thánh hoàng thái hậu cùng nhiều tôn thất họ Trần. Ngày 21 tháng 11 năm Canh
Tuất (1370), Nhật Lễ bị Trần Nghệ Tông cùng triều thần giết chết. Không rõ năm
ấy Nhật Lễ bao nhiêu tuổi.
9.
TRẦN NGHỆ TÔNG (1370 - 1372): tên thật là Phủ, con thứ ba của Minh Tông, mẹ đẻ
là Minh Từ hoàng thái phi (em ruột của Đôn Từ hoàng thái phi). Vua sinh tháng
12 năm Tân Dậu (1321), lên ngôi năm Canh Tuất (1370), ở ngôi hai năm, nhường
ngôi để làm thượng hoàng hai mươi hai năm (1372 - 1394), mất ngày 15 tháng 12
năm Giáp Tuất (1394), thọ bảy mươi ba tuổi.
10.
TRẦN DUỆ TÔNG (1372 - 1377): tên thật là Kính, con thứ mười một của Trần Minh
Tông, mẹ đẻ là Đôn Tử hoàng thái phi. Vua sinh ngày 2 tháng 6 năm Đinh Sửu
(1337), lên ngôi năm Nhâm Tí (1372). Ở ngôi năm năm, mất ngày 24 tháng 1 năm
Đinh Tị (1377) trong khi đi đánh Chiêm Thành, thọ bốn mươi tuổi.
11.
TRẦN PHẾ ĐẾ (1377 - 1388): tên thật là Hiện, con trưởng của
Duệ Tông, mẹ đẻ là Gia Từ hoàng thái hậu. Vua sinh ngày 6 tháng 3 năm Tân Sửu
(1361), lên ngôi năm Đinh Tị (1377), ở ngôi mười một năm, bị thượng hoàng Nghệ
Tông bức tử ngày 6 tháng 12 năm Mậu Thìn (1388), thọ hai mươi bảy tuổi.
12.
TRẦN THUẬN TÔNG (1388 - 1398): tên thật là Ngung, con út của Trần Nghệ
Tông, mẹ đẻ là hoàng hậu người họ Lê (không rõ tên, hiệu). Vua sinh năm Mậu Ngọ
(1378), lên ngôi năm Mậu Thìn (1388), ở ngôi mười năm, đi tu đạo Phật một năm, sau
bị Hồ Quý Ly giết hại vào tháng 4 năm Mậu Dần (1398), thọ hai mươi mốt tuổi.
13.
TRẦN THIẾU ĐẾ (1398 - 1400): tên thật là An, con trưởng của Thuận Tông, mẹ đẻ
là Khâm Thánh hoàng thái hậu. Vua sinh năm Bính Tí (1396), lên ngôi năm Mậu Dần
(1398), ở ngôi hai năm, đến năm Canh Thìn (1400) bị Hồ Quý Ly cướp ngôi, giáng
làm Bảo Ninh đại vương. Thiếu Đế vì vốn là cháu ngoại của Hồ Quý Ly nên không
bị giết hại, nhưng không rõ sau sống chết thế nào?
Nhà
Trần đến đây là dứt. Trong số các vua nhà Trần nói trên, có:
-
Sáu vua chỉ làm vua một thời gian, sau nhường ngôi để làm thượng hoàng. Đó là:
Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, Minh Tông và Nghệ Tông.
-
Vua thọ nhất là Trần Nghệ Tông (bảy mươi ba tuổi), vua mất sớm nhất là Trần
Thuận Tông (lúc hai mươi mốt tuổi).
-
Vua ở ngôi lâu nhất là Trần Thái Tông (ba mươi ba năm), vua ở ngôi ít nhất là
Trần Thiếu Đế (hai năm) và Trần Nghệ Tông (hơn hai năm).
-
Vua lên ngôi sớm nhất là Trần Thiếu Đế (lúc hai tuổi), vua lên ngôi muộn nhất
là Nghệ Tông (lúc bốn mươi chín tuổi).