Cà Phê Cùng Tony - Chương 20
Ngày 23/10/2013
Chuyện Rủng Rỉnh
1. Tony có chị bạn tên tiếng Hoa gọi là A Rủng,
còn mình tên là A Rỉnh. Chị này sau cả chục năm làm hướng dẫn viên du lịch, ớn
quá, muốn đổi nghề. Cái Tony nói thôi, em chỉ cho chị làm một business về xuất
nhập khẩu nha. Em có đối tác bên Trung Quốc đang làm lưỡi cưa cắt đá bằng kim
cương nhân tạo, tức diamond saw blade, vì chỉ có diamond mới cắt được đá
granite hay marble. Em làmphân bón, thuốc sâu, hóa chất, hạt giống...
nhiều mảng quá rồi, thôi chị làm đi. Cái mình hướng dẫn chị ấy làm, đưa đi gặp
khách ở Gia Lai Quy Nhơn Hà Nội... tức các nhà nhập khẩu để đàm phán thương mại
chứ chị ấy gặp khách là ép shopping -thói quen của một hướng dẫn viên du lịch
nước ta.
Xong cái chị bắt tay vô làm, cũng được lắm. Một
hôm nhà máy sản xuất Trung Quốc giao hàng trễ, mà khách bên này hối quá, nên
Tony nói chị thôi qua Trung Quốc luôn đi, sẵn gặp đối tác luôn biết cơ ngơi nhà
máy của người ta mà làm cho dễ. Xong cái chị lật đật xin visa đi qua bển, dắt
ông chồng theo. Ông chồng người Anh. Còn chị thì cũng biết tiếng Anh. Mà đối
tác tức A Lỉn và A Che, thì tiếng Anh viết được chứ nói hẻm được, sản phẩm của
nền giáo dục Trung Quốc. Chị ấy bàn thôi chị em mình học tiếng Hoa cấp tốc đi,
để chuẩn bị cho chuyến đi. Chỉ có mấy tuần phải đi nên học gấp. Lên mạng rao
tùm lum mới kiếm được ông thầy. Ông này dễ thương lắm, nhận tới nhà dạy cho hai
chị em. Mỗi lần ổng tới, bắt ngồi chờ cả buổi, rồi chị mới gọi thầy tới rồi
mày, qua hạc lẹ lên, để ổng chờ. Cái Tony mới phóng xe wave alpha từ Gò Vấp
xuống Thái Văn Lung hạc. Ổng ban đầu cũng hẻm có hài lòng về thái độ của hai đứa,
nói sao kiêu sa chảnh chẹ quá. Sau đó thì thấy hai chị em tung hứng vui quá nên
thích thú, riết cái ghiền, ngày nào cũng đòi qua dạy. Gọi điện bữa nay A Rỉnh
với A Rủng có rảnh hem, thầy qua dạy nha. Thầy nhớ hai đứa quá hà. Cái mình
nói, thầy cứ ngồi nhà chờ, rảnh tụi em gọi thì thầy chạy qua liền nha, kẻo tụi
em đổi ý. Ổng ngồi chờ miết, ngày nào cũng ngồi chờ rồi nhắn tin bằng tiếng Hoa
khỏe không, có gì vui không... nhưng mình biết chắc mẩm là ổng muốn qua dạy chứ
không gì hết.
Lên đưa hết cái cặp của ổng cho lựa. Thích bài
nào thì lấy ra bài đó ổng dạy cho. Có bữa hẻm hạc, nói tài liệu thầy soạn dở
quá, thôi thầy dạy trong tờ catalogue siêu thị Metro nè. Cái ổng căng thẳng dạy
nào bắp cải 8,000 đ/kg, nho Mỹ 50,000 đ/kg, toàn ăn uống nhảm nhí tào lao. Có
bữa thì đang hạc nửa chừng nói thầy ơi, tụi em hạc nhiều nóng não quá, thèm ăn
hột vịt lộn. Ổng nói đâu đưa tiền thầy đi mua cho. A Rủng đưa ổng 20 ngàn, ổng
phóng xe như bay ra đầu đường, đem về 6 trứng, thối lại hai ngàn. Mời ăn thì
ổng nói ổng ăn chay trường, A Rủng giận, nói sao hồi nãy hẻm mua 4 trứng thôi,
chứ thầy nghĩ tụi em sao ăn nổi mỗi đứa 3 trứng. Vừa ăn vừa xỉa xói, ổng ngồi
cười ha hả. Biết ổng ăn chay nên A Rủng nói thôi giờ sau mỗi bữa, em sẽ nấu chè
chuối cho thầy ăn, nhưng bớt hạc phí xuống nha. Nói giỡn mà ổng tưởng thiệt,
ngồi buồn xo, nói hai đứa là chủ doanh nghiệp thành đạt mà sao đối xử vậy. Dạy
lúng túng nên phát âm sai hết mấy chữ, có vẻ muốn nghỉ. Cái mình nói tùy thầy
thôi, hẻm dạy thì tụi em tự hạc, tụi em thông minh quá mà. Ổng sợ quá nói thầy
nói giỡn chứ dạy chớ dạy chớ, miễn phí cũng dạy...
Còn đâu hai ngày nữa lên đường nhưng từ vựng về
đàm phán thương mại hai đứa hẻm biết gì. Lo lắng quá, A Rủng hỏi thầy ơi, hôm
nay hạc tiếng Hoa thương mại nha, thầy dạy giùm những từ như giao hàng, chiết
khấu, thanh toán, container... đi chứ sao em biết qua bên kia nói gì với đối
tác. Ổng lắc đầu nói, sao tui biết mấy từ đó, tui chuyên dạy cho mấy nhỏ lấy
chồng Đài Loan mà. Chứ trên mạng, thầy rao dạy cấp tốc là để đi lấy chồng chứ
làm ngoại thương phải bài bản chứ ai lại đi hạc cấp tốc.
Sau một tháng dùi mài kinh sử, thấy chị ấy chỉ có
khả năng nói hết sức lưu loát những câu như “anh ơi em đang gội đầu”, “chồng ơi
em đói bụng”, “cho tiền gửi về cho mẹ em ở quê” hay “anh ơi em có bầu rồi”...
Chết. Đi đàm phán mua lưỡi cưa cắt đá mà...
2. Cái A Rủng cùng chồng khăn gói quả mướp đi sứ
Tàu. Trước khi đi, công tác tổ chức chuỳnh bay (tức chuẩn bị) hết sức nghiêm
túc. A Rỉnh tiễn A Rủng đi, dặn nhớ đối đáp lượm liền và sắc sảo cho nó biết
phương Nam không thiếu người tài sắc nha. Chị ấy nói A Rỉnh à, em là người trên
thông thiên văn, dưới tường địa chất, em chỉ cho chị đi. Cái mình ra sức nói
những điển tích sử Tây sử Tàu, để chị sang bên kia mà uốn 3 tấc lưỡi nói hay
như Trương Lương, cho tụi kia nể phục. Những câu hồi xưa coi cải lương thuộc
lòng như “Họa hổ họa bị nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm” hay đọc
sách về Mao Trạch Đông mà biết được như “bất đáo trường thanh phi hảo hán”, rồi
đến thơ Đỗ Phủ, Thôi Hiệu, Tô Đông Pha gì cũng được A Rỉnh chuyển ngữ sang
tiếng Hoa trang bị cho chị ấy. Ví dụ qua đó đi với đối tác, thấy trăng sẽ nói
ngay “ngẩng đầu ngắm trăng sáng, cuối đầu nhớ cố hương” mà phải đọc bằng giọng
chuẩn Đài Loan. Hay thấy một đóa mẫu đơn sẽ đọc ngay thơ về hoa mẫu đơn của Lý
Bạch, leo lên lầu ăn sủi cảo thì cũng đọc vang bài Hoàng Hạc Lâu... hai chị em
cuối tuần đi shopping đất cát ở Bình Dương, ngồi xe cả tiếng không biết làm gì
nên A Rỉnh còn tập cho A Rủng bẻo dèn (tức biểu diễn) bài Yue Liang Dai Biao Wo
De Xin (tức bài ánh trăng kia nói hộ lòng em), từng do Đặng Lệ Quân ca. Qua đó
nếu nó mời karaoke thì kêu mở bài này, vì thuộc lòng rồi nên cứ tự tin ca, chứ
một chữ bẻ đôi A Rỉnh và A Rủng cũng hẻm biết, nhưng cầm micro là bẻo dèn ầm ầm
cho tụi nó sợ.
A Rủng hết sức tự tin nên đi qua Tàu, tụi Tàu nể
lắm. Vừa xuống sân bay đã bước đi với dáng vóc mà chị ấy cho là sang trọng, đi
hai bước lùi một bước (giống nhảy Rumba). Áo bà ba hồng, quần đen, nón lá,
trang điểm lem luốc, mở miệng nói tiếng Tàu, hẻm thèm nói tiếng Anh. Nói theo
giáo trình của thầy hột vịt lộn nên tụi Tàu quấn quýt hỏi nị hạc tiếng Hoa ở
trung tâm nào mà nghe sao ngọt ngào quá. Lúc xe chạy ngang qua cầu, đối tác
nói, đây là sông Trường Giang nè, A Rủng thất thanh kêu ngừng xe lại, bước ra
đứng trên cầu và chỉ ngay xuống dòng sông, nói dõng dạc: “Trường Giang sóng sau
xô sóng trước - Chang jiang hou lang tui qian lang) rồi leo lại lên xe, im lặng
không nói thêm. Bọn Tàu say mê, nói ô kìa, xưa nay ra đứng trỏ tay chỉ xuống
sông mà phán như vầy, chỉ có bậc anh hùng kỳ tài trong thiên hạ mà thôi. Gái
phương Nam thiệt là tài giỏi và xinh đẹp. Chị liền xõa tóc che miệng nói Nả lì
nả lì (tức đâu dám đâu dám), y chang Tâm Tâm Như trong Hoàn Châu Cách Cách.
Tới khách sạn thì đã trưa. A Rủng nói với A Che (đối
tác Trung Quốc) là tao muốn đi xì thẩu (tức gội đầu), trời nóng quá hà, hình
rưa hình rưa. A Che nói hạo lơ hạo lơ, 2 giờ tao qua đưa đi xì thẩu, mày nghỉ
ngơi đi. Cái A Che kẹt công chuyện, 4 giờ mới xong, nên mới gọi vô khách sạn để
hẹn lại. Ông chồng người Anh bắt máy. Ông chồng sáng giờ bực mình rồi, vì thấy
A Rủng nói toàn tiếng Tàu với đám kia, không hài lòng lắm vì ông không biết
tiếng, không tham gia trò chuyện được. Lúc gọi, A Che, tiếng Anh lõm bõm, thấy
Tây bắt máy nên sợ quá nói một tràng: “Hi, please tell her, that at 4 o'clock, I and Mr Lin will come to the
hotel together wash her hairs” rồi cúp cái rụp, sợ hỏi tiếp hẻm biết trả lời.
Dân dốt tiếng Anh hay vậy, giành nói ào ào, vì sợ đối tác nói một cái là nghe
không được. “Wash her hair” ý là đưa cô ấy đi gội đầu, vì không biết nói tiếng
Anh chữ gội đầu ra làm sao. Ông chồng nổi cơn ghen tam bành. A Rủng vừa toilet
ra thì bị vặn vẹo vì sao mới qua mà đối tác đã đòi tới khách sạn rửa lông cho
bà? Mà together mới ghê.
Trân sâu bu lẹo (zhen shou bu liao)!
Ngày 24/10/2013
Chuyện ở West Point
Ở Mỹ, đi xin việc làm, nếu vào thấy có ứng viên
tốt nghiệp trường West Point cùng tham gia dự tuyển thì thôi coi như mình cầm
chắc một suất rớt. Đi về cho nhanh, khỏi phỏng vấn nữa. Rất đông các CEO, các
sếp lớn của các tập đoàn ở Mỹ đều tốt nghiệp trường West Point chứ không phải
là Harvard hay Standford, hay Yale... Ở Mỹ nghe ai nói tao từng học ở West
Point, người ta cũng nhìn mình từ trên xuống dưới, như một thực thể lạ, một con
người hoàn hảo. Không xếp hạng được vì nó không có thể có tiêu chuẩn để xếp.
Vậy West Point là trường gì? Đó chính là học viện
quân sự Hoa Kỳ. Điều khá lạ là mặc dù là học viện quân sự, nhưng lại cung cấp
các quản trị cao cấp cho nền kinh tế Mỹ và thế giới. Sau 5 năm bắt buộc phải
phục vụ trong quân đội, phần lớn các bạn rời bỏ binh nghiệp, học thêm một MBA
rồi đi làm cho các tập đoàn. Rồi thăng tiến rất nhanh. Ở West Point, có một
slogan là cứ đưa cho tôi một người không phải tâm thần, tôi đều có thể đào tạo
thành một công dân ưu tú.
Mỗi năm WP chỉ tuyển khoảng 1300 bạn. Và trong 4
năm học, bắt buộc phải loại thải 10%. Tức năm cuối chỉ còn dưới 1000 bạn ra
trường. Chương trình học từ thiên văn vũ trụ đến cách bắt tay, cách uống rượu
vẫn tỉnh táo, cách gấp mùng mền chiếu gối đến tranh luận các tác phẩm của
Victor Hugo. Trên thông thiên văn dưới tường địa chất giữa thấu nhân tâm. Tony
quen với anh bạn, tốt nghiệp trường WP và đang làm sếp một công ty đa quốc gia
ở Singapore, mỗi lần gặp, ảnh kể về trường WP với một thái độ tự hào, mình nghe
mà say mê, chiếc nhẫn biểu tượng của cựu sinh viên WP trên tay anh lấp lánh.
Ảnh kể, sinh viên vừa vào trường đã phải bị khủng
bố tinh thần. Quan niệm là trụng nước sôi 100 độ rồi đem qua trụng nước đá. Nên
sau này, dù có sự cố gì trong đời, họ cũng cảm thấy bình thường, chẳng xi nhê
gì. Đầu tiên là họ nhốt sinh viên từng tốp vào trong phòng, sau đó 2 giờ sau
thì thả ra, yêu cầu trả lời các câu hỏi như có bao nhiêu bóng đèn trong phòng,
bàn ghế màu gì, lúc vào mấy giờ mấy phút, lúc ra mấy giờ mấy phút, người ngồi
bên trái bạn có đeo đồng hồ không, người bên phải tên gì... Trả lời không được
là failed, tự động cuốn gói về nhà. Bài học đầu tiên về ÓC QUAN SÁT, cái quan
trọng nhất của một nhà quản trị tài ba. Và n bài học tương tự như vậy. Sau này,
ảnh đem các bài học này chế biến lại thành tài liệu dạy sinh viên các đại học
khác hay nhân viên thực tập cho tập đoàn, cứ một đứa “đoạt giải nhất ngáo ngơ
toàn quốc” vào mà chịu học, 6 tháng sau thì lột xác thành một người mới hoàn
toàn, thành Steve Job luôn. Cái Tony xin tài liệu của ảnh, đem về Việt Nam dịch,
áp dụng cho hãng của mình và đang biên tập lại cho câu lạc bộ con dượng.
Các bạn nhớ lúc 9 giờ tối nay, mình cùng nhau học
“Đê thủ bái mai hoa”, bài quyền số 8, Kungfu Thiếu Lâm. Bạn nào học thì điểm
danh bằng cách Á một cái dưới còm ment nhé.
Chuyện ở West Point (Bài 2): Nam nhi và chí
tang bồng
Như hôm trước có nói, hạc viện West Point có một
câu slogan nổi tiếng, đại ý là cứ giao cho tôi một người không phải tâm thần,
tôi đều có thể đào tạo thành một công dân xuất sắc. Rõ ràng dấu ấn đào tạo rất
quan trọng với người trẻ. Nếu chịu khó và có phương pháp đào tạo đúng, ngây ngô
ngáo ngơ vẫn trở thành xuất sắc như thường. Giáo dục Mỹ nói chung là kỹ, vì họ
đào tạo là cho nước Mỹ có thể sử dụng, không phải chỉ với mục đích xuất khẩu
giáo dục như một số nước khác. Nên với sinh viên ngoại quốc, đầu vào cũng rất
khó, phải vượt qua các kỳ thi như TOEFL, SAT, GMAT, GRE… tuỳ theo cấp hạc và
ngành, còn trường nào không kiểm tra đầu vào, thì trường đó hoặc là diploma
mill, hoặc hẻm ai biết tới.
Họ cho rằng, việc hạc viên có được các chứng chỉ
này thể hiện sự nghiêm túc trong việc theo đuổi hạc thuật. Thật ra, các kỳ thi
này, so với khả năng của sinh viên Việt Nam, thì chẳng là gì, vì để vào đại hạc
Việt Nam, kiến thức còn khổng lồ hơn nhiều, khó hơn nhiều. Cũng vì là đào tạo
để nước Mỹ có thể sử dụng, nên thời gian hạc cũng lâu hơn, như MBA cũng phải
mất 3 năm... so với 12 hay 18 tháng ở một số nước.
Trở lại hạc viện West Point lừng danh bên bờ sông
Hudson, cách không xa New York, đây là ước mơ của mọi ông bố khi có đứa con
trai ra đời, và muốn nó “đã mang tiếng ở trong trời đất, phải có danh gì với
núi sông”. Đào tạo trở thành công dân có ích, giỏi giang, để thỏa chí tang bồng
hồ thỉ, vùng vẫy giữa đất trời. Để một ngày, mặc veston ngồi họp ở tòa nhà
Jinmao Tower 88 tầng ở Thượng Hải, để ăn tối trên Sky Deck của Marina Bay ở
Singapore, hay diễn thuyết, chia sẻ kinh nghiệm ở hội nghị CEO toàn cầu ở
Geneve Thị Sũy, mình thấy hào nhoáng vậy thì chớ có ganh tỵ, mà ngược lại, phải
ngưỡng mộ họ. Khi mười tám đến ba mươi tuổi, trong lúc đám ngây ngô kia đốt
tuổi trẻ trong các quán bar, các quán cà phê, vũ trường, rũ rượi xõa tóc đi ra
đi vô vì không biết hạc gì, làm gì, suốt ngày chat chit nhăng cuội, thấy chữ
nhiều là không đọc, ngủ nhiều hơn học và làm nên đầu óc u u mê mê, nông cạn,
cái gì cũng làm biếng, cũng lười… thì các bạn này đã phải vất vả đầu tư trí lực
và thể lực trong các hạc viện như West Point (hay đại hạc kinh tế thành phố HCM
khóa 21, khóc). Thư viện West Point mở 24/24, ở đó người ta thấy những cái đầu
cắm cúi ghi ghi chép chép, những cuốn sách dày cộm phải đọc trong một vài ngày,
nên kỹ năng đọc nhanh để lấy ý là phải có. Những bức tường luôn đông nghẹt hạc
viên đứng nhìn say sưa vào đó, tập nói với bức tường, rủi thu âm lại, nghe đi
nghe lại, nói đi nói lại sao cho hay mới thôi.
Dưới trời tuyết lạnh khủng khiếp, những con người
đó lăn lê bò trườn để tập thể lực. 5 giờ sáng là kẻng đánh thức dậy, tập thể
lực bằng các bài tập với cường độ nặng của vận động viên nhà nghề. Tập bơi, tập
vượt mọi địa hình, mọi điều kiện thời tiết đều phải thích nghi. Kỹ năng tồn tại
được chú ý đào tạo kỹ. Những lần trong đêm tối, họ bị thả giữa rừng, và tìm
cách về lại trường bằng mọi khả năng có thể, nhìn các vì sao trên trời đoán
hướng, tìm thức ăn, dựng lều... Và có khi đang ngủ say giấc, hai giờ sáng bị
đánh thức dậy để kiểm tra kiến thức, với các câu hỏi như 10 vị tướng giỏi nhất
mọi thời đại là ai, tướng Võ Nguyên Giáp dùng chiến thuật gì trong trận Điện
Biên Phủ, nếu bạn là Napoleon, bạn sẽ viết lại lịch sử của Waterloo như thế nào...
Không trả lời được, phải đứng ngoài hành lang cả đêm để suy nghĩ. Đào tạo để
mỗi WPer có được dáng vóc của một người mẫu, sức khỏe của một vận động viên
Olympic, trí tuệ của một học giả, ăn nói như một thuyết gia, cư xử như một
chuyên gia tâm lý...
Để thiết kế một cuộc đời hoàn hảo, thành đạt,
đáng mặt nam nhi, người ta đã phải rất vất vả và đầu tư rất nhiều. Dân West
Point khi về già, họ thành lập các hội WPer alumni, đi câu cá bên bờ biển
Caribe, đi ngắm hoàng hôn ở Bali, thong dong tự tại, vì đều có một tuổi trẻ vất
vả, học và làm như điên, và dĩ nhiên là thành đạt. Còn có những người đàn ông
trên đời, về già rồi, mà vẫn cứ vật lộn mưu sinh, xin tiền vợ, xin tiền con
cái, thì cũng có thể họ kém may mắn, nhưng cũng có thể họ đã lãng phí tuổi trẻ
một cách vô bổ trong các trò trai gái, ăn chơi đàng đúm, xài tiền của cha mẹ,
hay đơn giản là lười nhớt thây. Làm biếng thì sau này phải trả giá, thế thôi.
Trách chi ai.
Nhìn các hạc viên WP đánh đàn, nhảy, khiêu vũ, võ
thuật, hát, ảo thuật, thám hiểm, vẽ… hay thậm chí tỉ mỉ ngồi cắt tỉa giấy để
rèn luyện đôi tay khéo léo, bạn sẽ thấy mình sẽ phải cố gắng nhiều, thật nhiều.
Một ngày chỉ có 24 giờ, là công bằng cho tất cả mọi người. Chúng ta phải ngủ
6-8 tiếng, tức 1/3 cuộc đời là cho việc ngủ, nên ai cũng chỉ còn 16 giờ trong
ngày. Nên phải chia ra, làm gì, hạc gì trong quỹ thời gian ít ỏi đó. Một hạc
viên WP nếu sáng sớm, không nộp được bảng mô tả công việc trong ngày (daily
to-do list) cho bạn trưởng nhóm, thì coi như nắm chắc suất cuốn gói về quê, vì
bắt buộc 10% hạc viên phải bị thải loại cho mỗi năm. Không có chuyện ngủ dậy và
ngày đó không biết mình phải làm gì.
Sinh viên người Việt ở West Point khá đông, nhưng
đều là Việt kiều, nữ nhiều hơn nam, hẻm biết vì sao. Du hạc sinh quốc tế ở WP
một năm chỉ vài ba chục bạn, vì đầu vào khó quá. Con trai cả của thủ tướng
Cambodia Hun Sen cũng tốt nghiệp trường này. Bạn mà nhìn thấy cậu này, không mê
thì thôi. Đẹp ngời ngời từ ngoại quan đến nhân cách, mạnh mẽ nam tính và thông
tuệ, quý phái từ cốt cách đến tinh thần, một nụ cười cũng chứa sự bao dung như
trời đất, thật là không có gì có thể so sánh nổi. Sự cố tranh chấp đền Preah Vihear
với Thái Lan, hai bên quyết không bên nào chịu nhường bên nào, thậm chí đã vang
lên tiếng súng. Trước tình hình cấp bách đó, anh nhận nhiệm vụ của tổ quốc và
lên đường đi đàm phán với người Thái. Và chỉ với ánh mắt ấm áp và vài câu nói
sắc sảo theo phong cách West Point, bên Thái Lan phải xin lỗi và rút quân,
nhường lại ngôi đền này cho quê hương Cambodia của anh…
Anh đã nói câu gì trong buổi đàm phán đó, xem bài
3 sẽ rõ.
Tổng