Bạch Mã Khiếu Tây Phong - Chương 2 - Phần 1
02.
Bọn người đó chính là người trong tiêu cuộc của Hoắc
Nguyên Long và Trần Đạt Hải đã đuổi theo vợ chồng Bạch Mã Lý Tam đến đất Hồi
Cương, tuy đã giết được hai người rồi, nhưng vẫn không biết được đứa bé lưu lạc
nơi đâu. Bọn họ cũng biết chắc Lý Tam có được bức địa đồ Cao Xương mê cung,
nhưng tìm không thấy trên người hai vợ chồng, thì nhất định phải ở trong tay
đứa nhỏ. Cao Xương mê cung có chứa không biết bao nhiêu châu báu, cho nên bọn
Tấn Uy tiêu cục vẫn chưa bỏ cuộc, đi lang thang khắp nơi tìm xem đứa con gái đó
ở nơi nao. Thấm thoát thế mà đã mười năm, bọn họ chẳng làm ăn gì chỉ nhờ vào võ
nghệ, sẵn bò cừu ngựa lạc đà của dân chúng trong vùng mà sống. Họ chỉ cần rút
dao, giết người, đốt nhà, cướp của, gian dâm...
Trong mười năm đó, cả bọn không ngừng tìm kiếm đứa trẻ
nhưng thảo nguyên rộng hàng nghìn dặm biết tìm nơi đâu? Chỉ sợ đứa bé đó đã
chết rồi, xương cốt cũng đã mục nát nhưng ở nơi thảo nguyên này làm ăn cướp tự
do tự tại, so với nghề bảo tiêu nơi trung nguyên thật sướng hơn nhiều cho nên
ai về làm gì?
Thỉnh thoảng họ cũng nói chuyện về bảo tàng trong Cao
Xương mê cung, về đứa con gái của Bạch Mã Lý Tam. Con bé đó nếu không chết thì
cũng đã lớn nhận không ra nữa, chỉ có con ngựa trắng là không thay đổi thôi.
Giống ngựa to cao toàn thân trắng như tuyết ấy không phải dễ có, từ xa cũng đã
thấy ngay. Thế nhưng nếu con ngựa cũng đã chết rồi thì sao? Đời con ngựa so với
người ngắn hơn nhiều. Mỗi một ngày qua đi, chẳng ai còn chút hi vọng gì nữa.
Nào ngờ thật bất ngờ lại thấy một con ngựa trắng. Không
sai, chính là con bạch mã họ vẫn đi tìm.
Con ngựa lúc này tuổi cũng đã cao, cước lực không bằng
khi còn trẻ, nhưng so với ngựa thường cũng vẫn nhanh hơn, đến khi trời tờ mờ
sáng, đã bỏ bọn năm tên ăn cướp kia không còn thấy hình bóng đâu, tiếng chân
đuổi theo cũng không còn nghe nữa. Thế nhưng Lý Văn Tú biết rằng trên sa mạc để
lại dấu chân, năm tên giặc tuy nhất thời đuổi không kịp, nhưng cứ theo vết chân
sẽ tới nên nàng vẫn không dám ngừng lại.
Lại chạy thêm chừng mươi trượng nữa, trời đã sáng hẳn.
Qua mấy cái đồi cát, đột nhiên nơi tây bắc thấy một triền núi, trên núi cây cối
xanh rì, nơi giữa sa mạc nhìn thấy thật chẳng khác nào nơi tiên cảnh chứ không
phải là trần thế. Nơi sa mạc vì có mấy đồi cát nên che khuất triền núi kia,
thành thử ở xa không nhìn thấy được. Lý Văn Tú trong lòng bàng hoàng: “Không lẽ
đây là núi quỷ chăng? Sao giữa sa mạc lại nhiều núi thế, trước nay chưa nghe ai
nói bao giờ?.” Nàng nghĩ lại tự nhủ: “Dù có là quỷ sơn cũng không sao, chính ta
đang cần dụ mấy tên ác tặc vào đây.”
Bước chân bạch mã nhanh nhẹn nên chẳng mấy chốc đã đến
trước ngọn núi, rồi chạy thẳng vào sơn cốc. Ngay giữa hai quả núi là một dòng
suối chảy. Con ngựa trắng hí lên một tiếng vui mừng, chạy ngay đến bên bờ nước.
Lý Văn Tú nhảy xuống ngựa, vốc nước rửa sạch đất cát bám trên mặt, uống thêm
mấy ngụm, thấy nước suối có vị hơi ngòn ngọt, thật là mát ruột.
Đột nhiên nàng bị một vật gì cứng đè vào sau gáy, rồi
nghe một giọng hầm hừ hỏi: - Ngươi là ai? Đến đây làm gì?
Lý Văn Tú giật mình kinh hãi, định xoay người lại thì
người kia lại nói tiếp: - Cây gậy của ta để ngay vào ót nhà ngươi, chỉ cần vận
kình, ngươi sẽ bị trọng thương mà chết.
Lý Văn Tú cảm thấy vật cứng kia hơi nhấn xuống, quả nhiên
đầu óc choáng váng, nên không dám cử động, nghĩ thầm: “Người này nói năng được,
chắc không phải là quỷ quái. Y lại còn hỏi ta đến đây làm gì, ắt là người dân
xứ này, không phải giặc cướp.”
Lại có tiếng nói: - Ta hỏi ngươi, sao không trả lời?
Lý Văn Tú đáp: - Có bọn người xấu xa đuổi theo tôi, tôi
chạy đến đây.
Người kia nói: - Bọn người xấu xa nào?
Lý Văn Tú đáp: - Có nhiều kẻ cướp lắm.
Người kia nói: - Bọn cướp nào thế? Tên chúng là gì?
Lý Văn Tú đáp: - Tôi cũng không biết nữa. Bọn họ trước
kia làm nghề bảo tiêu, đến đất Hồi Cương thành ăn cướp.
Người kia hỏi: - Thế tên ngươi là gì? Cha ngươi là ai? Sư
phụ là ai?
Lý Văn Tú đáp: - Tôi tên Lý Văn Tú, cha tôi tên Bạch Mã
Lý Tam, mẹ tôi là Kim Ngân tiểu kiếm Tam Nương Tử. Tôi không có sư phụ.
Người kia “À” lên một tiếng, nói: - Ồ, thì ra là Kin Ngân
tiểu kiếm Tam Nương Tử và Bạch Mã Lý Tam. Thế cha mẹ ngươi đâu?
Lý Văn Tú đáp: - Đều bị bọn giặc cướp đó giết cả rồi. Bọn
họ còn muốn giết cả tôi nữa.
Người kia “Ôi” một tiếng nói: - Đứng dậy đi.
Lý Văn Tú đứng lên. Người kia bảo: - Quay lại đây.
Nàng từ từ quay lại, cái gậy đầu bịt sắt của người kia
vừa rút ra khỏi ót đã đâm luôn vào cổ họng. Tuy nhiên đầu trượng không sử kình,
chỉ nhứ tới. Lý Văn Tú nhìn ông ta, trong lòng thật là lạ lùng, nghe giọng khàn
khàn lạnh lẽo nàng nghĩ chắc hẳn y diện mạo hung ác lắm, nào ngờ trước mặt chỉ
là một ông già, thân hình gầy yếu, hình dung khô héo, mặt mày buồn so, mặc quần
áo theo lối người Hán, đều đã rách bươm. Thế nhưng tóc ông ta lại quăn, trông
không giống người Hán chút nào.
Lý Văn Tú nói: - Lão bá bá, ông tên là gì? Địa phương này
là đâu?
Ông già kia thấy Lý Văn Tú mặt mày xinh xắn, quả thực
ngoài dự liệu, hơi ngạc nhiên, lạnh lùng đáp: - Ta không có tên, cũng chẳng
biết đây là đâu nữa.
Vừa lúc đó, từ xa có tiếng chân ngựa vọng tới. Lý Văn Tú
thất kinh kêu lên: - Bọn ăn cướp đến rồi, lão bá bá mau đi trốn đi.
Người kia đáp: - Việc gì phải trốn?
Lý Văn Tú nói: - Bọn cường đạo này hung ác lắm, sẽ giết
ông đó.
Người kia cười khẩy nói: - Ngươi với ta không quen, không
biết sao lại lo chuyện chết sống của ta là sao?
Khi đó tiếng chân ngựa lại càng gần hơn. Lý Văn Tú không
lý đến cây trượng đang để ngay cổ họng mình, thò tay ra nắm lấy tay ông già,
nói: - Lão bá bá, hai người mình cùng cưỡi con ngựa, để nữa không kịp mất.
Người kia vùng vẫy muốn giựt tay ra, nhưng không ngờ ông
ta yếu quá nên không sao thoát khỏi tay của Lý Văn Tú. Lý Văn Tú lạ lùng hỏi: -
Ông bệnh ư? Để tôi đỡ ông lên ngựa.
Nói xong hai tay đỡ ngang lưng, đẩy ông già lên lưng
ngựa. Người đó gầy gò nhỏ thó, tuy là đàn ông mà nhẹ hơn đứa con gái da thịt
rắn chắc nhiều, ngồi trên ngựa lảo đảo lắc lư, tưởng chừng như muốn ngã. Lý Văn
Tú cũng nhảy lên ngựa, ngồi ở sau lưng ông ta, giật cương chạy vụt vào trong
núi.
Hai người vừa chạy đi thì nghe có tiếng năm con ngựa đã
tiến vào sơn cốc, tiếng hô hoán của năm tên cướp cũng đã nghe văng vẳng. Người
kia bỗng quay lại quát lớn: - Ngươi với chúng cùng một bọn phải không? Các
ngươi sắp đặt mưu kế, định lừa ta chăng?
Lý Văn Tú thấy khuôn mặt bệnh hoạn của ông ta đột nhiên
trở thành hung dữ đáng sợ, mắt lộ hung quang, không khỏi rùng mình, nói: -
Không đâu, không đâu, tôi chưa hề gặp ông bao giờ, lừa ông làm chi?
Người kia gay gắt nói: - Ngươi định đánh lừa ta dẫn ngươi
đến Cao Xương mê cung...
Nói chưa dứt câu, đột nhiên im bặt.
Bốn chữ “Cao Xương mê cung” hồi nhỏ khi được cha mẹ dẫn
chạy đến Hồi Cương đã từng nghe hai ông bà bàn đến mấy lần, nhưng khi đó không
biết gì cũng không để ý đến. Bây giờ đã mười năm, tự nhiên lại nghe ông lão này
đề cập đến, nàng nhất thời không nghĩ ra là đã từng nghe qua rồi, thản nhiên
hỏi lại: - Cao Xương mê cung? Cái đó là cái gì?
Ông lão thấy nàng thần sắc chân thành, không có vẻ gì dối
trá, thanh âm liền trở lại ôn hòa nói: - Ngươi quả thực không biết đến Cao
Xương mê cung sao?
Lý Văn Tú lắc đầu nói: - Không biết, a, có điều...
Ông già hỏi dồn: - Có điều gì?
Lý Văn Tú nói: - Khi tôi còn nhỏ đi theo cha mẹ chạy đến
Hồi Cương, từng nghe ông bà nói đến Cao Xương mê cung. Chỗ đó vui lắm phải
không?
Ông già nét mặt hầm hầm hỏi thêm: - Cha mẹ ngươi còn nói
gì thêm nữa không? Không được giấu ta.
Lý Văn Tú buồn bã nói: - Chỉ mong tôi nhớ thêm được một
lời nào cha mẹ tôi nói thì thật hay biết bao nhiêu. Chỉ tiếc là tôi không còn
được nghe giọng nói của hai người nữa. Lão bá bá, tôi vẫn thường ngốc nghếch
nghĩ rằng, chỉ mong cha tôi mẹ tôi được sống lại, để tôi được nhìn thấy một lần
nữa thôi. Ôi, chỉ mong cha mẹ tôi sống lại, dù có ngày ngày đánh mắng tôi, cũng
vẫn còn sung sướng biết bao nhiêu. Dĩ nhiên, hai người chẳng bao giờ còn có thể
đánh mắng tôi được nữa.
Đột nhiên nàng nghe văng vẳng có tiếng roi của Tô Lỗ Khắc
đánh Tô Phổ, cùng tiếng giận dữ chửi rủa của y. Ông già đổi vẻ mặt nhu hòa,
“Ôi” lên một tiếng, bất ngờ lớn tiếng hỏi: - Ngươi có chồng chưa?
Lý Văn Tú đỏ mặt lắc đầu. Ông lão nói tiếp: - Thế lâu nay
ngươi ở với ai?
Lý Văn Tú đáp: - Ở với Kế gia gia.
Ông lão hỏi: - Kế gia gia ư? Y bao nhiêu tuổi rồi?
Tướng mạo ra sao?
Lý Văn Tú nói với con ngựa trắng: - Ngựa yêu quý ơi, cường
đạo đang đuổi theo, chạy cho mau nhé.
Nàng nghĩ thầm: “Việc đang khẩn cấp thế này, ông già sao
còn hỏi những chuyện đâu đâu, chẳng liên quan chi cả.” Thế nhưng thấy dáng điệu
ông đầy ngờ vực, nàng bèn nói: - Kế gia gia phải đến tám chục tuổi rồi, tóc bạc
trắng cả, mặt mũi nhăn nheo, đối với tôi tốt lắm.
Ông già hỏi: - Thế ngươi ở Hồi Cương biết được những
người Hán nào? Trong nhà Kế gia gia còn những ai?
Lý Văn Tú nói: - Trong nhà Kế gia gia chẳng còn ai khác.
Đến người Cáp Tát Khắc tôi còn chẳng quen ai, nữa là người Hán.
Hai câu sau cùng nàng vì phẫn uất mà nói, nàng nghĩ đến
Tô Phổ và A Mạn, tuy có biết họ nhưng cũng như không.
Con ngựa chở hai người trên lưng, chạy không thể nhanh
được, năm tên cường đạo đuổi theo sau mỗi lúc một gần, nghe có tiếng vèo vèo,
ba mũi tên bắn xoẹt ngang qua người. Bọn ăn cướp kia muốn bắt sống thành thử
không muốn bắn chết nàng, nên chỉ bắn dọa để nàng ngừng lại mà thôi.
Lý Văn Tú nghĩ thầm: “Ta nhất định cùng bọn chúng mày
chết chung một lượt, thôi để lão bá bá này chạy một mình vậy.” Nghĩ vậy nàng
nhảy xuống ngựa, vỗ vào mông con vật một cái, kêu lên: - Bạch mã, bạch mã, mang
bá bá chạy cho mau.
Ông lão ngạc nhiên, không ngờ nàng bụng dạ nhân đức đến
thế, nhưng chẳng lẽ ông chạy tìm đường sống một mình, nên hơi do dự, hạ giọng
nói: - Cầm lấy cái kim trong tay ta, cẩn thận đừng để đâm vào mình.
Lý Văn Tú cúi xuống xem, thấy kẹp trong hai ngón tay ông
một cây kim nhỏ, liền đưa tay cầm lấy, nhưng chưa rõ lý do tại sao. Ông lão
nói: - Cái kim này có tẩm thuốc cực độc, nếu cường đạo bắt được ngươi, chỉ cần
đâm nhẹ vào người chúng nó, bọn cướp sẽ chết ngay.
Lý Văn Tú giật mình kinh hãi, bây giờ mới nghĩ đến ông
lão đã cầm sẵn cái kim, lúc trước không để ý, xem ra nếu mình trả lời không vừa
bụng ông ta, thì ông sẽ dùng kim đâm vào mình. Ông lão lúc ấy mới giục ngựa
chạy thẳng.
Năm tên ăn cướp chạy đến gần, vây Lý Văn Tú vào giữa. Năm
tên đó thấy cô gái tuổi trẻ xinh đẹp, không ai còn nghĩ đến việc đuổi theo ông
già nữa. Năm tên liền nhảy xuống ngựa, mặt đứa nào cũng tươi rói. Lý Văn Tú tim
đập thình thình, nghĩ thầm ông già nói là độc châm có thể giết người được nhưng
cái kim nhỏ bé, làm sao chống nổi với năm gã đàn ông khỏe mạnh, hung ác đáng sợ
thế này. Nếu có giết được một tên, còn lại bốn tên thì làm sao? Chi bằng dùng
kim đâm mình chết để khỏi bị bọn này lăng nhục. Chỉ nghe một tên nói: - Con bé
này kháu quá.
Lập tức hai tên xông tới bên nàng. Gã bên trái liền đấm
một cái, đánh gã kia ngã lăn ra, hầm hè quát: - Mày dám tranh với ông hả?
Nói xong liền ôm ngang hông Lý Văn Tú. Lý Văn Tú trong
cơn hoảng hốt, dùng kim chích vào cánh tay y một cái, kêu lên: - Ác cường đạo,
mau bỏ ta ra.
Gã kia ngơ ngẩn nhìn nàng đột nhiên cứng đơ không còn
động đậy gì nữa. Gã ngã dưới đất nhỏm dậy dang hai tay ôm lấy bắp chân Lý Văn
Tú, giựt mạnh một cái, kéo nàng ngã xuống. Lý Văn Tú giơ tay trái ra đẩy y ra,
tay phải tống một cái, mũi kim đâm ngay vào ngực y. Tên kia đang cười ha hả,
đột nhiên im bặt, há hốc mồm, thân hình cũng đờ ra không còn cử động.
Lý Văn Tú vùng dậy nhảy lên lưng một con ngựa, giục ngựa
chạy vào trong núi. Ba tên còn lại thấy hai tên kia bỗng dưng cứng đờ, tưởng
như trúng gió, đều nghĩ đã bị Lý Văn Tú điểm huyệt, nghĩ thầm cô gái này võ
công thật cao siêu, không dám đuổi theo. Ba tên này không biết phép điểm huyệt,
giải huyệt, chỉ còn nước đem hai tên đồng bọn về cho thủ lãnh. Nào hay khi sờ
vào người hai tên này, thấy lạnh dần, đưa tay lên mũi, mới hay đã ngừng thở
chết từ bao giờ.
Ba gã kinh hãi quá, một lúc lâu không nói nên lời. Một gã
họ Tống hiểu biết đôi chút, lột áo hai người ra xem, thấy một gã tay có vết đen
bằng đồng tiền, giữa vết bầm có một nốt kim châm nhỏ, còn một gã thì trên ngực
có vết chàm đen. Bọn này liền hiểu ra: “Con nhãi đó dùng kim đâm người, trên
kim có tẩm chất độc.” Một gã họ Toàn nói: - Thế thì không sợ, mình đứng xa xe
bắn tên, không cho nó đến gần là được.
Một tên ăn cướp họ Vân thì nói: - Đã biết được quỷ kế của
nó rồi thì còn sợ quái gì nữa.
Tuy nói thế nhưng ba đứa vẫn không dám đuổi theo, một mặt
bàn tán một mặt thu hết can đảm đuổi vào sơn cốc. Lý Văn Tú hai lần thành công,
vừa mừng vừa sợ, biết bọn chúng ba đứa thể nào cũng tìm ra, những chúng ắt sẽ
cố đề phòng, không để nàng dùng kim đâm nữa. Nàng đang giục ngựa chạy cho
nhanh, bỗng nghe phía bên trái có tiếng người nói: - Vào đây này.
Chính là tiếng của ông già. Lý Văn Tú vội vàng xuống
ngựa, thấy tiếng nói từ một cái hang truyền ra, lập tức chạy tới. Ông lão đứng
ngay cửa động, hỏi: - Thế nào?
Lý Văn Tú nói: - Tôi... tôi đâm được hai tên... hai tên
cướp, chạy được tới đây.
Ông lão nói: - Tốt lắm, thôi mình đi vào.
Vào trong động thấy cái hang đó thật sâu, Lý Văn Tú đi
theo ông lão, cái hang càng lúc càng nhỏ lại. Đi được vài chục trượng, sơn động
bỗng dưng mở ra, có thể chứa được đến một hai trăm người. Ông già nói: - Mình
giữ ngay chỗ đường hẹp đi vào, ba tên giặc đó chẳng vào nổi đâu. Cái đó gọi là
“Nhất phu đương quan, vạn phu mạc khai” đó.
Lý Văn Tú buồn rầu đáp: - Thế nhưng mình cũng chẳng ra
được. Cái hang này có thông đi đâu không?
Ông lão đáp: - Thông đạo thì có nhưng không thông đến bên
ngoài núi được.
Lý Văn Tú nghĩ đến chuyện vừa rồi, trong lòng vẫn còn
kinh hãi, hỏi thêm: - Bá bá, mới rồi tôi đâm hai tên giặc cướp, đột nhiên chúng
không còn cử động gì nữa, không lẽ chết thật sao?
Ông lão ngạo nghễ đáp: - Bị trúng độc châm của ta, ai mà
còn sống nổi?
Lý Văn Tú đưa tay ra, trả lại chiếc kim cho ông ta. Ông
già toan cầm lấy nhưng lại rụt ngay về nói: - Bỏ xuống đất.
Lý Văn Tú y lời, ông lão nói: - Ngươi lùi lại ba bước đi.
Lý Văn Tú thấy lạ lùng, liền lùi ba bước, lúc ấy ông già
mới cúi xuống lấy chiếc kim độc lên, bỏ vào một cái ống. Lý Văn Tú bây giờ đã
rõ, thì ra ông ta nghi ngại sợ mình bất ngờ dùng kim hại ông ta.
Ông già lại nói: - Ta với ngươi không quen biết gì, hà cớ
ngươi lại nhường ngựa cho ta chạy trốn là sao?
Lý Văn Tú đáp: - Tôi cũng không biết nữa. Tôi thấy ông
bệnh tật sợ bọn giặc giết hại ông.
Ông lão bỗng lảo đảo, hầm hừ nói: - Làm sao ngươi biết
trên người ta... trên người ta...
Nói tới đây, đột nhiên các bắp thịt trên mặt giựt giựt
liên hồi, thần tình thật là đau đớn, trên trán nhỏ xuống liên tiếp những giọt
mồ hôi to bằng hạt đậu, một lát sau kêu lên một tiếng, lăn lộn dưới đất, miệng
rên rỉ.
Lý Văn Tú sợ đến chân tay bủn rủn, thấy ông lão nằm co
quắp, chân tay quằn quại, nhỏ nhẹ nói: - Trên lưng ông đau lắm phải không?
Nói xong giơ tay đấm nhè nhẹ lên lưng ông ta, lại nắn bóp
các khuỷu tay, khoeo chân. Cơn đau của ông lão giảm dần, gật đầu cảm ơn, khoảng
chừng tàn một nén hương lúc ấy mới hết liền đứng lên, hỏi: - Ngươi có biết ta
là ai không?
Lý Văn Tú nói: - Không biết.
Ông lão nói: - Ta là người Hán, họ Hoa tên Huy, người đất
Giang Nam, trên giang hồ gọi tên “Nhất Chỉ Chấn Giang Nam” chính là ta đó.
Lý Văn Tú nói: - Ồ, thì ra là Hoa lão bá bá.
Hoa Huy nói: - Ngươi chưa nghe đến ta hay sao?
Trong giọng có chiều hơi thất vọng, nghĩ thầm tên mình
Nhất Chỉ Chấn Giang Nam Hoa Huy vang dậy Giang Nam Giang Bắc, trong võ lâm ai
mà không biết, nhưng xem thần sắc Lý Văn Tú dường như không có gì kinh ngạc.
Lý Văn Tú nói: - Cha tôi mẹ tôi hẳn đã từng nghe tên của
lão bá bá, còn tôi khi đến Hồi Cương mới có tám tuổi, chẳng biết gì cả.
Hoa Huy mặt dịu xuống, nói: - Chắc là như thế, ngươi...
Câu nói chưa dứt, bỗng nghe ngoài cửa động tại sơn đạo có
tiếng người nói: - Chắc nó trốn ở đây, cẩn thận coi chừng độc châm của nó.
Nói xong có tiếng chân, đi một bước lại ngừng một bước dè
dặt tiến vào. Hoa Huy lấy chiếc kim ra cắm đuôi kim vào đầu trượng, giao lại
cho cô cái, chỉ vào phía cửa hang, nói nhỏ: - Đợi nó vào đâm ngay lưng, tuyệt
đối đừng có nóng nảy mà đâm trước ngực.
Lý Văn Tú nghĩ thầm: “Đường vào hang nhỏ như thế, đợi y
vào đâm ngay ngực chẳng dễ hơn nhiều hay sao?.”
Hoa Huy thấy nàng có vẻ ngờ vực bèn nói: - Sống chết mất
còn là ở giờ phút này, ngươi không nghe lời ta ư?
Tiếng tuy nhỏ nhưng giọng nói cực kỳ nghiêm khắc. Ngay
lúc đó, từ phía cửa hang một thanh đao sáng choang, múa lên vùn vụt, bảo vệ
trước mặt để phòng địch nhân đánh lén, sau đó một bóng đen từ từ tiến vào,
chính là tên cướp họ Vân.
Lý Văn Tú nhớ lời dặn của Hoa Huy, nép vào một bên, không
dám động đậy. Hoa Huy lạnh lùng nói: - Ngươi xem trong tay ta có cái gì đây?
Giả vờ giơ ra, gã họ Vân vội vàng né tránh, vung đao ra
trước để đỡ, chăm chú nhìn ông ta, sợ ông ta ném ám khí. Hoa Huy quát lên: -
Đâm nó.
Lý Văn Tú giơ gậy lên, đầu gậy điểm ngay vào lưng ly một
cái, độc châm đã đâm vào. Gã họ Vân chỉ thấy lưng đau nhói một cái như bị ong
đốt, kêu lên một tiếng đã ngã ra chết. Gã họ Toàn lẽo đẽo theo sau, thấy y
trúng kim chết rồi, tưởng là Hoa Huy đã ném ám khí, sợ đến mất vía, không kịp
quay lại chạy trốn, vừa lùi vừa giơ cả hai tay ra đỡ. Hoa Huy thở dài: - Nếu
như võ công ta không mất, năm tên giặc cỏ thế này có đáng gì đâu!
Lý Văn Tú nghĩ đến ngoại hiệu ông ta là Nhất Chỉ Chấn
Giang Nam, hẳn là võ công ghê gớm lắm thế sao thấy năm tên giặc mà không làm gì
được cả, nói: - Hoa bá bá, vì ông bị bệnh nên không thi triển võ công được,
phải vậy không?
Hoa Huy đáp: - Không phải đâu, không phải đâu. Ta... ta
có lời thề, nếu không phải lúc sinh tử quan đầu thì không được thi triển võ
công một cách bừa bãi.
Lý Văn Tú kêu “Ồ” một tiếng, thấy ông ta nói có vẻ không
ăn khớp với nhau, vừa mới bảo “võ công bị mất”, bây giờ lại cố gắng che đậy,
thế nhưng nếu như ông ta không muốn nói, nàng cũng chẳng hỏi thêm làm gì.
Hoa Huy cũng thấy mình ăn nói có vẻ sơ hở, bèn lảng qua
chuyện khác nói: - Ta bảo ngươi đâm vào sau lưng, ngươi có hiểu lý do tại sao
không? Y tấn công vào trong hang, chỉ chăm chăm phòng bị đằng trước, ngươi
không biết võ công, tập kích phía trước mặt không có thể thắng được. Ta dụ cho
y tập trung đề phòng ta, ngươi ở phía sau đâm một cái là trúng ngay.
Lý Văn Tú gật đầu: - Kế của bá bá hay thật.
Cũng biết Hoa Huy giang hồ duyệt lịch rất nhiều, đối phó
với mấy tên giặc cỏ thật chẳng có gì là khó. Hoa Huy lấy trong bọc ra một miếng
dưa đã phơi khô đưa cho Lý Văn Tú nói: - Thôi ăn trước đã. Hai tên giặc kia
chưa dám tiến vào đâu, nhưng mình cũng không ra được. Để ta nghĩ kế nào giết
luôn cả hai tên, chứ nếu chỉ giết được một đứa, tên kia thể nào cũng chạy đi
báo tin, cả bọn chúng kéo tới thì thật là khó mà đối phó.
Lý Văn Tú thấy ông ta suy nghĩ chu đáo, trí mưu phong
phú, biết mình không thể nào có được kế nào cao minh hơn, nên không cần tính
toán thêm, ăn no dưa khô rồi ngồi dựa vào vách đá nghỉ ngơi.