Việt Sử Giai Thoại (Tập 2) - Chương 38 - 39 - 40

38 – LỜI CAN GIÁN CỦA TĂNG PHÓ NGUYỄN
THƯỜNG

Trước thời Lý Cao Tông,
triều Lý đã bắt đầu tàn tạ và đổ nát từ thời Lý Cao Tông (1175 - 1210) trở đi,
sự tàn tạ và đổ nát ấy càng diễn ra với một quy mô và một tốc độ lớn hơn. Mặc
dù vậy, vua Lý Cao Tông vẫn hoang chơi vô độ, khiến cho dân tình khốn khổ, thế
nước suy yếu. Nhiều bậc ưu thời mẫn thế lấy đó làm mối quan tâm hàng đầu. Song,
người dám thẳng thắn can vua lại quá hiếm hoi. Chính vì lẽ đó mà lời can gián
của nhà sư Nguyễn Thường trở nên rất đáng chú ý. Bấy giờ, nhà sư Nguyễn Thường
được cử giữ chức Tăng phó nên sử vẫn chép là Tăng phó Nguyễn Thường. SáchĐại
Việt sử lược
(quyển 3, tờ 14 - a) viết:

“Mùa đông, tháng 10, Vua ngự
ra hành cung Hải Thanh. Đêm nào Vua cũng sai nhạc công gẩy đàn bà - lỗ, hát
khúc hát theo điệu Chiêm Thành, tiếng nghe rất ai oán thảm thiết, tả hữu đều
rơi nước mắt. Tăng phó Nguyễn Thường can Vua rằng:

- Tôi thấy bài tựaKinh Thi
nói, âm nhạc của nước loạn (có lẽ là thời loạn mới đúng - ND) nghe như oán như
giận vì chính sự sai trái; âm nhạc của nước bị mất nghe như thương như nhớ vì
dân nước ấy khốn cùng. Nay Chúa thượng rong chơi vô độ, để giáo hóa lìa tan,
chính sự sai trái, dân tình buồn khổ đến thế là cùng. Ngày nay mà lại nghe âm
nhạc đó, ấy là điềm thời loạn nước mất, tôi biết chuyến này về, xa giá tất không
ngự ra cung ấy nữa.

Sau, trong nước đại loạn,
quả y như lời Sư nói.”

Lời bàn:Nguyễn Thường quả là
bậc cao tăng khả kính. Nhà sư được tôn phong chức Tăng phó, luôn có dịp hầu
cận, vậy mà chẳng hề nịnh vua, đại đức trung chinh của bậc nhập thế là đấy chăng?
Thân dẫu thoát tục tu hành mà lòng Sư vẫn canh cánh nỗi lo cho dân cho nước,
hồng đức tử bi là đấy chăng? Bình tĩnh khuyên can vua, lời sâu sắc mà dễ hiểu,
dễ thấm, ý thẳng thắn mà vẫn chứa chan lòng nhân hậu, bậc mẫn tuệ là đấy chăng?

Vẫn biết cứu nhân độ thế là
tâm nguyện của các bậc tu hành, song đã mấy bậc tu hành biến được tâm nguyện
tốt đẹp ấy thành việc làm cụ thể như Tăng phó Nguyễn Thường? Trong sâu thẳm cõi
lòng của những người ngưỡng mộ giáo lí nhà Phật, có một ngôi cổ tự vô hình mà
rất tôn nghiêm. xin kính thỉnh Tăng phó Nguyễn Thường mãi mãi trụ trì ở đó.

39 - NHÂN CHUYỆN MẠC HIỂN TÍCH, BÀN
VỀ CHUYỆN VIẾT SỬ

SáchĐại Việt sử
lược
(quyển 3, tờ 12 - a) cho biết, vào năm Kỉ Dậu (1189), vua Lý Cao
Tông giao cho đình thần xét xử vụ án Mạc Hiển Tích, nhưng đình thần sợ Mạc Hiển
Tích, không dám xử đến nơi đến chốn. Bởi vậy, tháng 3 năm Canh Tuất (1190), vua
Lý Cao Tông phải tự xuống chiếu đày Mạc Hiển Tích đến trại Quy Hóa. Việc xét xử
Mạc Hiển Tích của đình thần đã được chép như sau:

"Vua sai Thái phó là
Ngô Lý Tín và Đô quan lang trung là Lê Năng Trường xét việc kiện Thiếu sư Mạc
Hiển Tích. Bọn Năng Trường sợ Hiển Tích nên không dám truy cứu, Người trong
nước bèn (làm thơ) chế giễu rằng:

Ngô Phụ quốc thị Lan

Lê Đô quan thị Kích

Án nhất tụng Mạc Tích

Đản cục tích nhi dĩ.

Nghĩa là: ông Phụ quốc họ
Ngô và ông Đô quan họ Lê là hai người điên(LanKích
tên hai người điên), xét có mỗi vụ kiện Mạc Hiển Tích mà rốt cuộc chỉ có sợ hãi
thôi.

Lúc bấy giờ, Vua tuổi còn
non nớt, Hiển Tích tư thông với Thái hậu, cho nên người đương thời sợ Hiển Tích.”

Lời bàn:Riêng ở giai thoại
này, thay vì bàn về các nhân vật và sự kiện của lịch sử, người kể chuyện xin
được mạo muội bàn về người viết sử.

Trước hết, các tài liệu quan
trọng khác nhưĐại Việt sử kí toàn thưLịch triều
hiến chương loại chí
đều nói Mạc Hiển Tích đỗ đầu khoa thi năm Bính
Dần (1086). Cứ cho ông tài giỏi hơn người, đỗ đại khoa vào năm hai mươi tuổi,
thì tính ra, đến năm ông bị kiện rồi bị đi đày, ông đã thọ đến trên một trăm
hai mươi tuổi! Ôi, trên một trăm hai mươi tuổi mà còn cường tráng đến độ ham
vui với Thái hậu để rồi bị kiện, khiếp thay!

Thái phó Ngô Lý Tín và Đô
quan Lê Năng Trường sợ Mạc Hiển Tích cũng phải. Cụ sống dai hay sử gia vô ý
chép lầm. Xin để hạ hồi phân giải vậy.

40 - LÊ VÃN VỚI CHUYỆN CON TRÂU TRÈO
LÊN CÂY MUỖM

NămNhâm Tí
(1192) nhân dân giáp Cổ Hoằng (nay thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hoá) do Lê
Vãn cầm đầu, đã nổi dậy khởi nghĩa. Theo sáchĐại Việt sử kí toàn
thư
(bản kỉ, quyển 4, tờ 21 - b) thì Lê Vãn là "bản giáp vệ
nhân", tức là lính hầu của giáp ấy. Đây là một trong những cuộc khởi nghĩa
khá lớn, triều Lý phải đem đại binh đi đàn áp mới dập tắt được. Nhân dân Cổ
Hoằng đã vì phẫn uất ách thống trị nặng nề của triều đình nhà Lý mà sẵn sàng
vùng dậy, nhưng lãnh tụ của nhân dân Cổ Hoằng đã làm như thế nào để phát động
và tập hợp được họ? SáchĐại Việt sử lược(quyển 3, tờ 12 - b)
cho biết:

"Xưa, người trong giáp
ấy thấy vết chân trâu trèo lên cây muỗm, bèn theo vết chân ấy mà tìm thì thấy
con trâu trắng ở trên cây. Trâu lại theo đường khác mà xuống rồi lội xuống
sông, bỗng chốc không thấy nữa. Có người trong châu đoán rằng, trâu là vật ở
dưới đất mà lại leo lên ở trên cây, ấy là điềm kẻ dưới lên ở trên vậy. (Dân Cổ
Hoằng) bèn xuất quân làm phản.”

Lời bàn:Mê tín là lẽ rất tự
nhiên của người ít học xưa nay đều thấy có như thế cả. Hãy cứ tạm cho là sở
đoàn chung. Nhưng, cũng xưa nay, người khéo dùng người thì có khi lại biến được
cả sở đoản của người mình dùng thành cái có ích, hay ít ra thì sở đoản cũng
không còn là sở đoản nữa.

Có lẽ Lê Vãn muốn tuyên
truyền rằng lòng dân và ý trời là một nên mới khéo dựng chuyện con trâu trắng
trèo lên cây muỗm. Phải có điềm kẻ dưới lên ở trên thì mới có chuyện anh lính
hầu là Lê Vãn bỗng chốc trở thành thủ lĩnh và dân đen mới có thể tin rằng: bỗng
chốc, họ có thể làm nổi chuyện khuấy nước chọc trời, tiêu diệt hết bọn tham
quan ô lại.

Chỉ mấy tháng sau, Lê Vãn
thua trận, bị bắt và bị xử tử rất dã man. Nhưng, xin chớ vội nghĩ rằng, chuyện
con trâu trắng trèo lên cây muỗm không còn ai tin nữa. Con trâu ấy xuống nước,
chắc chỉ lẩn quất đâu đó thôi.

Sở đoản lại trở về nguyên
dạng sở đoản, để rồi đến một lúc nào đó, bậc khéo dùng người xuất hiện, dân lại
theo mà làm tiếp việc họ cùng Lê Vãn làm không thành.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3