Hậu cung Chân Hoàn truyện (Tập 1) - Chương 03
Chương 3
Đường Lê
Đêm cuối trước khi vào cung, theo lệ thường, người nhà có
thể gặp gỡ, tiễn đưa, cha mẹ cùng ca ca và hai tiểu muội đến thăm tôi. Phương
Nhược nhanh chóng dẫn đám người hầu lui ra ngoài, trong phòng chỉ còn lại gia
đình tôi nghẹn ngào trong nước mắt.
Sau ngày hôm nay, tôi sẽ phải ở trong thâm cung cả đời, muốn
gặp lại gia đình cũng khó.
Tôi gạt lệ nhìn sang Ngọc Dao và Ngọc Nhiêu. Ngọc Dao vừa
tròn mười hai tuổi, vẻ ngoài tuy không bằng tôi nhưng trông cũng rất thanh tú,
chỉ có điều tính tình quá ôn hòa đến mức nhu nhược, hay do dự, thiếu quyết
đoán, chỉ e tương lai chẳng làm nên chuyện gì. Ngọc Nhiêu còn nhỏ, mới bảy tuổi
nhưng ánh mắt đã toát lên sự thông minh, tính tình lại cởi mở, hoạt bát và hết
sức lanh lợi. Cha mẹ nói muội ấy giống hệt tôi lúc nhỏ, vì thế tôi rất thương
yêu muội, muội cũng hết mực thân thiết với tôi.
Ngọc Dao cố nén cơn nức nở, đỡ lấy tay mẹ mà nước mắt tuôn
rơi. Ngọc Nhiêu vẫn chưa hoàn toàn hiểu chuyện, chỉ ôm chặt lấy cổ tôi, khóc
òa. “Tỷ đừng bỏ A Nhiêu mà đi!”
Hai tiểu muội còn nhỏ tuổi, chưa thể lo lắng, gánh vác
chuyện gia đình, cũng may đại ca Chân Hành tuổi trẻ tài cao, tuy chỉ hơn tôi
bốn tuổi nhưng văn võ song toàn, ba tháng nữa sẽ tòng quân trấn thủ biên cương,
kiến công lập nghiệp vì quốc gia.
Tôi ngẩng đầu nhìn mẹ, tuổi mẹ đã ngoại tứ tuần nhưng nhờ
cuộc sống yên bình, ăn sung mặc sướng nên trông trẻ hơn nhiều so với tuổi thực.
Nhưng chỉ trong ba tháng, con trai cả và con gái rượu đều phải rời đi, vẻ mặt
mẹ đậm nét ưu sầu, tóc mai hai bên thái dương cũng ngả màu tuyết trắng. Mẹ liên
tục dùng khăn tay chấm dòng nước mắt lăn trên má nhưng nước mắt trào ra như
suối, không sao lau hết được.
Trong lòng tôi xót xa, tôi rưng rưng dòng lệ, ôm lấy mẹ,
khuyên nhủ: “Mẹ à, con vào cung sẽ không phải chịu khổ, uất ức gì đâu. Đại ca
đi kiến công lập nghiệp, chẳng bao lâu sẽ trở về. Dù sao thì mẹ vẫn còn hai
muội muội hầu hạ dưới gối mà!”
Mẹ ôm chặt tôi, nghẹn ngào mãi không thôi.
Hồi lâu sau, mẹ lau nước mắt, dặn dò: “Ngày thường nghe
người ta nói “cung cấm sâu như biển”, giờ thì cũng đến lượt máu mủ ruột thịt
nhà ta rồi! Hoàn con đi chuyến này phải biết tự thương lấy thân mình, cư xử với
Hoàng hậu và phi tần càng phải chú ý cẩn thận, nhịn được thì cứ nhịn, đừng
tranh chấp, gây sự với người ngoài, nhất là Hoa Phi nương nương đang rất được
sủng ái. Tương lai nếu con có phúc được Hoàng thượng sủng ái thì tốt nhưng mẹ
chỉ cần con sống thật vui vẻ, thoải mái, vậy nên tính mạng là vô cùng quan
trọng, dù thế nào đi chăng nữa, con cũng phải lo bảo toàn thân mình trước.”
Tôi cười gượng, vâng dạ: “Mẹ cứ yên tâm, con nhớ kĩ rồi ạ!
Con cũng mong cha mẹ giữ gìn sức khỏe.”
Vẻ mặt cha vô cùng bi thương, trầm lặng không nói một lời,
cuối cùng cha chỉ nghiêm túc dặn dò tôi một câu: “Hoàn con, về sau là vinh hay
nhục đều dựa vào chính bản thân con. Đương nhiên vinh nhục của cả Chân gia này
đều gắn liền với con.”
Tôi gật đầu vâng dạ, khi ngẩng lên chợt thấy ca ca có chút
tư lự nhưng hồi lâu vẫn không nói gì. Tôi biết ca ca không phải người hay do
dự, nhất định là có chuyện gì đó cực kỳ quan trọng, liền lên tiếng: “Cha mẹ cứ
đưa hai muội đi nghỉ trước đi, con còn có vài lời muốn nói với đại ca.”
Cha mẹ dặn dò mãi, cuối cùng mới bịn rịn rời đi.
Đại ca không ngờ tôi lại chủ động giữ huynh ấy lại nói
chuyện nên có chút bất ngờ. Tôi dịu dàng cất tiếng: “Bây giờ có chuyện gì thì
huynh có thể nói được rồi đấy!”
Huynh ấy thoáng do dự một lát rồi rút tờ hoa tiên[3]
trong tay áo ra, mặt giấy còn thoảng mùi thảo dược thơm mát, tôi vừa ngửi đã
biết ngay người viết là ai. Cuối cùng, đại ca cũng chịu mở miệng: “Ôn Thực Sơ
nhờ huynh trao cho muội. Huynh suy nghĩ, đắn đo hai ngày trời, không biết có
nên đưa cho muội hay không.”
[3]
Hoa tiên: tên một loại giấy viết thư thời xưa.
Tôi lạnh nhạt liếc qua tờ hoa tiên rồi nói: “Huynh à, hắn đã
hồ đồ, huynh cũng hồ đồ theo hay sao? Lén lút trao đổi thư từ với cung tần của
Thiên tử là tội lớn đến nhường nào?”
Giọng huynh ấy dần bé đi, có chút bùi ngùi: “Huynh biết việc
này phạm vào điều cấm kỵ trong cung, chỉ là tình ý của hắn...”
Tôi nghiêm mặt, lạnh lùng cất cao giọng: “Chân Hoàn muội tự
biết mình không thể nhận được!” Thấy mặt huynh ấy thoáng lộ vẻ hổ thẹn, áy náy,
tôi mới dịu giọng nói: “Chẳng lẽ huynh còn chưa hiểu Hoàn muội này sao? Thực Sơ
hoàn toàn không phải là người mà lòng muội hướng tới, trước nay muội cũng chưa
hề hướng tới bất kỳ ai.”
Huynh ấy khẽ gật đầu. “Hắn cũng biết muội không thể hứa hẹn
gì với hắn, chỉ là muốn muội hiểu rõ lòng hắn mà thôi! Huynh giao hảo với Thực
Sơ lâu nay, thật không nhẫn tâm thấy hắn phải khổ sở tương tư.” Huynh ấy ngừng
một lát rồi đặt bức thư vào tay tôi. “Muội tự giải quyết lá thư này đi vậy!”
Tôi “ừ” một tiếng, quẳng lá thư xuống bàn, lạnh lùng nói:
“Giúp muội nói với Ôn Thực Sơ, lo làm cho tốt chức thái y của hắn, đừng phí tâm
vì muội nữa.”
Sư huynh chăm chú nhìn tôi. “Nhất định huynh sẽ chuyển lời
của muội tới hắn. Có điều, với tính tình của hắn, e là hắn không chịu ý của
muội đâu!”
Tôi chẳng mấy quan tâm, đưa tay rút một cây trâm bạc, khều
khều tim nến, khẽ thổi những tàn tro vẫn còn lấp lánh ánh lửa.
“Huynh chịu chuyển lời là được rồi. Coi như nhắc nhở hắn một
phen, hắn làm được thì sẽ tốt cho cả hắn và muội, không làm được thì cũng chẳng
ảnh hưởng gì tới muội. Chỉ cần cho hắn biết rõ, giờ đây thân phận của muội và
hắn đã khác xưa lắm rồi!” Nói xong, tôi cầm bộ trường bào màu xanh nhạt đưa tận
tay đại ca, dịu giọng nói: “Đây là chiếc áo choàng muội vừa may xong, hy vọng
huynh nhìn nó cũng như gặp được Chân Hoàn muội. Biên cương lạnh giá, cực khổ,
trong cung cũng vất vả chẳng kém. Cả huynh và muội đều phải tự lo lấy thân mình
thôi!”
Huynh ấy cầm lấy tấm áo choàng, ánh mắt đầy vẻ lưu luyến
nhưng chỉ lặng lẽ nhìn tôi. Tôi sững người hồi lâu, không thốt nổi một lời, mơ
hồ cảm thấy mình vẫn là đứa bé gái sáu, bảy tuổi, tóc vấn trái đào, đại ca đặt
tôi ngồi trên vai, cõng tôi đi hái hoa thạch lựu nở rộ giữa tháng Năm.
Tôi định thần rồi gọi Hoán Bích dẫn đại ca rời đi. Nhìn theo
bóng huynh ấy khuất dần, lòng tôi chua xót, dòng lệ không ngừng tuôn rơi.
Tôi gọi Lưu Chu đem chậu than vào, định đốt bức thư của Ôn
Thực Sơ, chợt thấy đằng sau bức thư có một vết lệ loang, đọng trên mặt giấy phù
dung đỏ rực như đang ứa máu, lòng tôi lại cảm thấy không nỡ. Mở ra xem thử, chỉ
thấy có hai hàng chữ ngắn ngủi viết theo lối Khải: “Vào cửa vương hầu sâu tựa
biển, từ đó chàng Tiêu thành khách qua đường.” Nét mực run rẩy, đứt quãng, chắc
hẳn lúc ấy, trong lòng người cầm bút vô cùng đau đớn, dằn vặt.
Tôi cảm thấy vô cùng tức giận, sao lại có kẻ tự tác đa tình
đến thế, tôi hoàn toàn không để mắt đến hắn, sao hắn có thể là chàng Tiêu của
tôi cơ chứ?! Tôi thuận tay vò nát tờ giấy rồi ném thẳng vào chậu than, tờ hoa
tiên lập tức bị lưỡi lửa nuốt sạch, chẳng còn chút dấu vết.
Lưu Chu lập tức bưng chậu than ra ngoài. Hoán Bích bước lên
châm trà thơm, nhỏ giọng khuyên nhủ: “Ôn đại nhân lại chọc giận tiểu thư nữa
sao? Công tử ấy có ý tốt thật nhưng lại dùng không đúng chỗ. Tiểu thư đừng chấp
nhặt công tử ấy làm gì!”
Tôi nhấp một ngụm trà, lòng phiền não. Trong đầu bất giác
hiện rõ cảnh nửa tháng trước ngày vào cung tuyển tú, hắn đến bắt mạch bình an
cho tôi. Trong cung có quy định rõ ràng, ngự y khi chưa được lệnh vua thì không
được bắt mạch chẩn bệnh cho người không thuộc hoàng tộc, nhưng vì hắn qua lại
nhà tôi cũng đã lâu nên lúc rảnh rỗi vẫn thường ghé qua chơi, thăm bệnh cho cả
nhà. Hôm đó, hắn ngồi trong sảnh nhỏ nơi hiên tôi ở, bắt mạch xong, hắn trầm tư
hồi lâu rồi đột nhiên nói: “Hoàn muội, nếu ta đến xin hỏi cưới, muội có đồng ý
lấy ta không?”
Lúc ấy tôi sững người, ngượng đến chín mặt, nghiêm giọng
nói: “Coi như Chân Hoàn tôi chưa nghe thấy Ôn đại nhân nói gì!”
Hắn vừa xấu hổ vừa hoảng hốt, luôn miệng xin lỗi: “Là ta
không tốt, xúc phạm đến Hoàn muội, xin muội đừng giận! Thực Sơ chỉ hy vọng muội
không phải vào cung ứng tuyển mà thôi!”
Tôi cố nén giận, gọi Phân Nhi: “Ta mệt rồi, tiễn khách!”,
rồi nửa đuổi nửa mời hắn ra ngoài.
Trước khi rời đi, hắn chăm chăm nhìn tôi, thành khẩn van vỉ:
“Thực Sơ không dám bảo đảm điều gì nhưng dư sức cam đoan suốt đời suốt kiếp sẽ
đối xử với Hoàn muội thật tốt, mong muội suy nghĩ kĩ, nếu đồng ý thì cứ nhờ
Hành huynh chuyển lời, ta lập tức sẽ tới cầu hôn.”
Tôi quay đi, chăm chăm nhìn vào tấm bình phong bằng gỗ mun
chạm, lặng yên không đáp.
Tôi chẳng thèm để ý đến chuyện này, cũng không kể gì với cha
mẹ và đại ca.
Ôn Thực Sơ quả thực không phải là mẫu người mà lòng tôi
hướng tới. Tôi không thể chỉ vì không muốn tham gia tuyển tú mà tùy tiện thành
thân với người khác. Nếu cuộc đời chỉ có hai lựa chọn: hoặc là vào cung hoặc là
thành thân với Ôn Thực Sơ thì tôi tình nguyện vào cung. Ít nhất không phải suốt
ngày đối mặt với người đàn ông như Ôn Thực Sơ, tuy quen biết từ nhỏ nhưng chẳng
có chút tình cảm nam nữ nào, rồi phải ở chung với hắn đến lúc đầu bạc răng
long, trở thành cặp vợ chồng không yêu thương cũng không ghét bỏ nhau, sống
cuộc sống tầm thường, chán nản. Dù thế nào đi nữa, tôi không thể sống một cuộc
đời giản đơn, dễ đoán như thế được, ít ra khi vào cung sẽ được thấy một phương
trời khác.
Lòng tôi rối tựa tơ vò, không đi ngủ theo lời khuyên của
Hoàn Bích mà khoác tấm áo choàng tơ tằm, một mình thong thả đi dạo ngoài hành
lang.
Ở cuối hành lang quanh co là Xuân Cập hiên, nơi Lăng Dung ở
tạm, tôi nghĩ ngày mai vào cung rồi, chắc hẳn nàng ta rất muốn tâm sự riêng với
dì Tiêu, bèn không đi sang chỗ nàng ta nữa mà xoay người đi ra vườn. Đột nhiên
tôi cảm thấy vô cùng lưu luyến Chân phủ, nơi mình từng sống suốt mười lăm năm
ròng, từng nhành cây, ngọn cỏ đều gợi lại những kỷ niệm xưa, khiến tôi không
khỏi tức cảnh sinh tình.
Lững thững đi dạo hết một vòng thì trời đã về khuya, sợ
Phương Nhược cô cô và đám a hoàn, người hầu sốt ruột, tôi bèn rảo bước quay về.
Đi qua Hư Lãng trai, nơi đại ca tôi ở, là đến Khoái Tuyết hiên rồi. Đang đi,
tôi chợt nghe thấy có tiếng loạt soạt ở cửa ngách của Hư Lãng trai, một bóng
người nhỏ nhắn, yểu điệu đang đứng đó. Tôi cứ ngỡ đó là a hoàn hầu hạ ca ca,
đang định cất tiếng vặn hỏi thì ngỡ ngàng nhận ra, người đó chẳng phải là Lăng
Dung sao?
Tôi vội giấu mình sau một gốc cây ngô đồng, chỉ thấy Lăng
Dung đang ngẩn ngơ nhìn về phía bóng lưng cao to của ca ca tôi hằn lên song cửa
phòng ngủ ở Hư Lãng trai. Ánh trăng dịu dàng như nước lách qua kẽ lá ngô đồng,
tựa như những đường thêu chìm rải rác trên người nàng ta, khiến nàng ta càng có
vẻ yếu ớt, mảnh mai, bộ dạng ẩn nhẫn, đau lòng. Vạt áo nàng ta bị gió đêm thổi
tung nhưng dường như nàng ta không hề cảm thấy lạnh. Giờ đã vào giữa tháng
Chín, mấy gốc ngô đồng trồng trước Hư Lãng trai đã bắt đầu rụng lá. Đêm khuya
thanh vắng, giữa tiếng lá vàng rơi xào xạc, tôi mơ hồ nghe thấy tiếng nức nở,
cố kìm nén của Lăng Dung, nhất thời cảm thấy buồn man mác. Dù tình cảm của Lăng
Dung đối với ca ca tôi sâu đậm nhường nào thì chỉ e rằng đời này kiếp này đã
định sẵn họ có duyên nhưng không có phận. Gió đêm quấn quanh người, chẳng hiểu
sao tôi lại sực nhớ đến câu nói của Ôn Thực Sơ: “Vào cửa vương hầu sâu tựa
biển, từ đó chàng Tiêu thành khách qua đường.” Với Lăng Dung, câu thơ này quả
thực rất phù hợp.
Không biết đã ngẩn người, ngưỡng vọng bao lâu, cuối cùng,
Lăng Dung cũng lặng lẽ rời đi.
Tôi ngước mắt nhìn ánh đèn trong phòng ca ca, trong lòng
thầm kinh hãi, trước giờ tôi vẫn luôn tự phụ cho rằng mình thông minh hơn
người, thế mà không phát hiện ra chỉ trong mười mấy ngày ngắn ngủi, Lăng Dung
đã thầm sinh lòng ái mộ ca ca. Mối tình này không phải là thoáng qua mà đã thâm
sâu đến mức đêm trước ngày tiến cung, nàng ta còn nhìn theo bóng ca ca mà rơi lệ.
Không biết vì Lăng Dung hổ thẹn mà che giấu, hay do mấy ngày nay, tâm tình tôi
không được thoải mái nên chẳng để ý nhiều đến những chuyện khác, nhưng dù sao
đi nữa, tôi cũng đã quá sơ ý. Nếu lỡ ca ca và Lăng Dung quả thực xảy ra chuyện
gì thì không những hại hai người họ mà còn đem tai họa lớn đến cho hai nhà An -
Chân.
Tôi không khỏi sinh lòng lo lắng nhưng nghĩ kĩ lại, theo như
tình hình tối hôm nay, chắc hẳn ca ca vẫn chưa biết gì về tình cảm mà Lăng Dung
dành cho mình, đa phần là Lăng Dung đơn phương tình nguyện mà thôi. Nhưng tôi
vẫn nên chọn thời điểm thích hợp, nhắc nhở Lăng Dung một phen, nàng ta trúng
tuyển vào cung là chuyện chẳng dễ dàng gì, không nên vì việc này mà làm ảnh
hưởng đến tiền đồ về sau.
Tôi quay về phòng, đêm yên bình trôi qua. Giấc ngủ của tôi
vốn đã hay chập chờn, nay thêm bao tâm sự nặng nề khiến tôi càng khó ngủ. Trằn
trọc hồi lâu, trời đã sáng tỏ.
Đêm cuối cùng tôi ở nhà mẹ đẻ đã trôi qua như vậy!
Ngày Mười lăm tháng Chín, trong cung cử một đoàn người đông
đảo gồm chấp lễ đại thần, nội giám cung nữ, nối đuôi nhau cầm nghi trượng đến
đón tôi và Lăng Dung vào cung. Tuy chỉ là cung tần tiến cung nhưng nghi thức
cũng hết sức phô trương, huống hồ hai vị tiểu chủ cùng ở một nhà, quan dân xung
quanh đó đều xúm lại, xem cảnh náo nhiệt.
Tôi ngậm ngùi từ biệt cha mẹ, huynh muội, lên kiệu vào cung.
Lúc ngồi trong kiệu, bên tai là tiếng pháo đì đùng, kèn trống rền vang nhưng
tôi vẫn loáng thoáng nghe thấy tiếng nức nở, nghẹn ngào của mẹ và hai tiểu
muội.
Lưu Chu và Hoán Bích theo tôi vào cung, chúng là a hoàn hầu
hạ bên tôi từ nhỏ. Lưu Chu nhanh nhạy, quyết đoán, có tài ứng biến, Hoán Bích
tinh tế, tỉ mỉ, lại dịu dàng, biết cách chăm sóc người khác. Chúng đều là những
phụ tá đắc lực của tôi, những ngày sống trong cung sau này thực sự không thể
thiếu sự giúp đỡ chu toàn của chúng. Trong cuộc tranh đấu sinh tồn nơi cung
cấm, nếu người hầu bên cạnh không thể tin tưởng được thì chẳng khác nào đứng
bên bờ vực thẳm, bất cứ lúc nào cũng phải đối diện với nguy cơ trượt ngã mà tan
xương nát thịt.
Giờ lành đã tới, dưới sự hướng dẫn của chấp lễ đại thần, tôi
vịn tay cung nữ bước xuống kiệu. Kiệu dừng bên ngoài cửa Trinh Thuận, vì chỉ là
phi tần nhỏ bé, không phải chính cung Hoàng hậu nên chỉ có thể vào cung bằng
cửa ngách.
Vừa xuống kiệu đã thấy My Trang và Lăng Dung đứng đó, lòng
tôi vốn bồn chồn, bất an giờ bỗng cảm thấy yên ổn trở lại. Theo đúng lễ nghi
thì không thể mở miệng nói chuyện, chúng tôi chỉ có thể nhìn nhau, mỉm cười
thay cho lời chào hỏi.
Ngày hôm đó, tiết trời thật đẹp, khác hẳn hôm tuyển tú, bầu
trời sâu thẳm, xanh biếc như ngọc, không hề có một gợn mây. Ánh mặt trời sớm
mai tỏa hơi ấm áp, lấp lánh rực rỡ hệt như ánh vàng ròng.
Đứng ngoài cửa Trinh Thuận nhìn thẳng vào hậu cung trong Tử
Áo thành, đâu đâu cũng là mái ngói cong vút, ngói lưu ly hai màu vàng kim và
xanh nhạt chói lọi dưới ánh mặt trời, trong veo tựa sóng nước khiến người nhìn
chói mắt, toát lên một khí thế tráng lệ, hào nhoáng, cát tường của thời thịnh
thế.
Tôi tự nhủ đây chính là nơi từ nay về sau mình sẽ sống rồi
bất giác ngẩng đầu nhìn bầu trời cao thăm thẳm, một bầy nhạn ríu rít bay về
hướng nam, xé rách bầu trời yên bình, xanh ngắt.
Bên ngoài cửa Trinh Thuận, nội thị mặc áo đỏ sậm đứng chờ
sẵn từ lâu, dưới sự bảo vệ của Loan Nghi vệ và Vũ Lâm thị vệ, họ dẫn tôi và mấy
tiểu chủ còn lại đi về phía cung thất riêng của mình. Bước qua cửa Trinh Thuận,
băng qua đường lớn, theo đường hẻm vòng qua phía tây, hai bên là bờ tường cung
điện sơn đỏ, cao ngất tựa một con rồng đỏ cực lớn, quanh co, không sao nhìn
thấy tận cùng. Bên trong là vô số đền đài cung điện, trải dài không dứt. Đi
được một lúc, bằng thời gian cạn một chung trà, chúng tôi dừng lại trước một
cung điện. Trên tấm biển treo cao là ba chữ lớn bằng vàng ròng: Đường Lê cung.
Đường Lê cung là cung thất rất nhỏ trong hậu cung, nằm ở góc
tây nam Thượng Lâm uyển, là một nơi vô cùng tĩnh lặng, có hai tầng. Vào cửa,
băng qua một mảnh sân rộng là chính điện Oánh Tâm đường, đằng sau Oánh Tâm
đường có một hoa viên nhỏ. Hai bên đông tây là hai tòa điện phụ, phía nam là Ẩm
Lục hiên, nơi tránh nóng mùa hè dành cho cung tần. Hành lang phía trước của
chính điện và hai chái điện phụ thông với hành lang phía sau Ẩm Lục hiên, tạo
thành kiến trúc tứ hợp viện. Phía trước Oánh Tâm đường có trồng hai gốc tây phủ
hải đường cực lớn, tuy không phải độ trổ hoa xuân nhưng trên cành đã kết chi
chít quả đỏ thắm như san hô, phối với nền lá xanh ngắt được gió sương tắm mát,
nhìn cũng khá vui mắt. Trong vườn, ngay phía trước hành lang vừa được trồng
thêm một hàng quế, đều là quế Ngu Châu vừa được tiến cống. Hoa nở chi chít,
từng cụm vàng óng, rực rỡ lấp ló nơi kẽ lá, tỏa hương ngào ngạt đến nức mũi, từ
xa ngửi thấy đã như say như mê, tâm tình sảng khoái. Hoa viên sau sảnh trồng
đầy hoa lê, tiết trời đã vào thu, đợi đến mùa xuân, hoa nở trắng xóa như tuyết,
tỏa hương mê người, khung cảnh tuyệt đẹp đó thật khó diễn tả bằng lời. Hèn gì
nơi này được mệnh danh là Đường Lê cung, đúng là một nơi vô cùng tuyệt diệu.
Tôi đứng lặng giữa vườn hồi lâu, quét mắt nhìn đám nội giám,
cung nữ đang cung kính quỳ thành hai hàng dài bên cạnh, khẽ gật đầu rồi thuận
miệng hỏi: “Hoa quế vừa được trồng à?”
Cung nữ đỡ tay tôi cung kính đáp lời: “Theo lệnh của Hoàng
hậu, nơi ở của những Quý nhân mới vào cung được trồng thêm hoa quế, ý rằng
người mới đến nội cung sẽ gặp nhiều điềm lành.”
Tôi nghĩ bụng, điềm lành thì tốt đấy, chỉ có điều Hoàng hậu
làm như vậy có vẻ quá long trọng, dường như cố ý khoa trương điều gì đó. Vẻ mặt
vẫn thản nhiên, tôi để các cung nữ đỡ vào chính điện, ngồi xuống.
Vào sảnh chính của Oánh Tâm đường là thấy ngay một bục cao,
đằng trước tấm bình phong gỗ tử đàn chạm trổ, thêu hoa hải đường có đặt một
ngai vàng chạm rồng cuộn khúc, kỷ trà, quạt tròn, lò hương, bên trên treo tấm
biển bốn chữ Mậu Tu Phúc Huệ do chính tay tiên hoàng Long Khánh đế viết. Đây là
nơi tiếp giá chính thức khi Hoàng thượng đến thăm.
Tôi ngồi trong sảnh chính, Lưu Chu, Hoán Bích đứng hầu hai
bên. Hai cung nữ khác lập tức bước tới dâng trà. Thủ lĩnh nội giám của Đường Lê
cung là Khang Lộc Hải và cung nữ quản sự Thôi Cận Tịch bước vào sảnh phía tây,
dập đầu thỉnh an tôi. “Nô tài là Khang Lộc Hải, thủ lĩnh nội giám chính thất
phẩm chấp thủ của Đường Lê cung, tham kiến Hoàn Quý nhân, nguyện Hoàn Quý nhân
như ý cát tường!” “Nô tỳ là Thôi Cận Tịch, cung nữ quản sự chính thất phẩm
thuận nhân của Đường Lê cung, tham kiến Hoàn Quý nhân, nguyện Hoàn Quý nhân như
ý cát tường!”
Tôi liếc mắt nhìn qua hai người họ. Khang Lộc Hải khoảng ba
mươi tuổi, vừa nhìn đã biết là một tay thông minh, hai mắt đảo qua đảo lại lia
lịa. Thôi Cận Tịch trên dưới ba mươi, mặt thon dài, da trắng trẻo, hai mắt đen
láy thoáng nét thông minh, bộ dạng hiền hậu, vừa nhìn tôi đã thấy mến ngay.
Hai người họ quỳ bái ra mắt xong thì đến bốn tay nội giám và
sáu ả cung nữ dưới quyền dập đầu chính thức ra mắt tôi rồi lần lượt báo danh.
Tôi chậm rãi nhấp ngụm trà Lục An, ngắm nhìn phù điêu bằng gỗ lê chạm trổ trên
xà nhà, không thốt một lời.
Trước mặt hạ nhân, tôi biết trầm lặng là một cách uy hiếp
rất hiệu quả. Quả nhiên bọn họ cụp mắt, cúi đầu, không dám thở mạnh, cả Oánh
Tâm đường im ắng đến mức một cây kim rơi xuống đất cũng nghe thấy tiếng.
Nhấp xong hai ngụm trà nữa, tôi mới tủm tỉm cười, ra lệnh
cho bọn họ đứng lên.
Tôi đậy nắp chung trà sứ xanh, cũng không thèm nhìn bọn họ,
chỉ chậm rãi nói: “Từ nay về sau, các ngươi đã là người của ta, làm việc cho ta
thì lanh lợi là một phẩm chất tốt, chỉ có điều...” Tôi ngẩng đầu, lạnh lùng
quét mắt nhìn bọn họ một lượt. “Làm nô tài, điều quan trọng nhất là phải trung
thành, nếu lòng không hướng về chủ nhân mà chỉ nghĩ đến những trò đi ngang về
tắt thì cái đầu của các ngươi sẽ khó mà lành lặn trên cổ! Đương nhiên, nếu các
ngươi hết lòng trung thành, ta sẽ đối xử tốt với các ngươi.”
Sắc mặt đám người đứng bên dưới lập tức thay đổi, bọn họ
luôn miệng nói: “Chúng nô tài quyết không làm bất cứ chuyện gì có lỗi với tiểu
chủ, nhất định sẽ một lòng trung thành hầu hạ tiểu chủ!”
Tôi hài lòng mỉm cười, ra lệnh: “Thưởng!” Lưu Chu, Hoán Bích
lập tức lấy bạc vụn chuẩn bị từ trước ra phân phát cho bọn họ. Cả đám nội giám,
cung nữ vâng vâng dạ dạ, rối rít tạ ơn.
Chiêu vừa ban ân vừa ra oai này trong tương lai chưa biết có
hiệu quả gì hay không nhưng hiện thời đã đủ sức trấn áp được đám nô tài. Tôi
biết về sau, muốn quản thúc bọn họ, để bọn họ ngoan ngoãn vâng lời hầu hạ phục
vụ tôi thì phải làm cho bọn họ khiếp sợ trước. Tuyệt đối không thể trở thành
một chủ nhân yếu đuối, bất lực bị đám người hầu lấn lướt qua mặt.
Cận Tịch bước lên khuyên: “Tiểu chủ hôm nay chắc mệt rồi,
xin theo nô tỳ đi nghỉ ngơi một lát!”
Tôi lấy làm lạ, hỏi: “Không dẫn ta đi bái kiến chủ nhân của
cung này sao?”
Cận Tịch vội đáp: “Tiểu chủ chắc chưa biết rồi, Đường Lê
cung không có chủ nhân, hiện giờ Quý nhân là người có địa vị cao nhất.”
Tôi vừa định hỏi trong cung này còn ai ở nữa, Cận Tịch đã
lanh lợi đoán được ý của tôi, bèn lên tiếng: “Ngoài ra, điện phụ phía đông là
nơi ở của Thuần Thường tại, vừa vào cung bốn hôm trước, điện phụ phía tây là
nơi ở của Sử Mỹ nhân, vào cung đã được ba năm nay rồi. Một lát nữa thôi họ sẽ
đến gặp Quý nhân tiểu chủ.”
Tôi mỉm cười, đáp lại: “Ta biết rồi!”
Đằng sau cửa ngăn bằng gỗ lê chạm trúc xanh biên bức lưu ly
và cửa ngăn gỗ lê chạm sen tịnh đế lưu ly là đông tây Noãn các. Buồng lò sưởi
phía đông là nơi dành riêng cho Hoàng đế nghỉ ngơi mỗi khi đến thăm phi tần,
buồng lò sưởi phía tây là nơi nghỉ ngơi thường ngày của tôi, buồng ngủ nằm ở
sảnh sau của Oánh Tâm đường.
Cận Tịch đỡ tôi tiến vào sảnh sau. Sảnh sau được ngăn làm
hai gian chính, thứ bởi vách ngăn gỗ lê khắc hoa văn vạn phúc vạn thọ chạm trổ
ngọc lưu ly, bố trí hết sức lịch sự, tao nhã.
Tôi dịu giọng, hòa nhã hỏi Cận Tịch: “Thôi Thuận nhân vốn là
người ở đâu? Sống trong cung bao lâu rồi?”
Nàng ta lộ vẻ hoảng hốt, lập tức quỳ xuống, thưa: “Nô tỳ
không dám! Tiểu chủ cứ gọi thẳng tên của nô tỳ là được!”
Tôi đích thân đỡ nàng ta đứng dậy, mỉm cười, nói: “Không cần
hoảng sợ như vậy! Ta trước giờ quen sống thoải mái, không ưa gò bó, trên danh
nghĩa chúng ta là chủ tớ nhưng ngươi lớn tuổi hơn ta, từng trải chuyện đời,
trong lòng ta cũng rất kính trọng ngươi. Ngươi cứ đứng dậy nói chuyện!”
Lúc này nàng ta mới chịu đứng dậy, vẻ mặt vô cùng cảm kích,
cung kính thưa: “Tiểu chủ nói vậy thì nô tỳ hổ thẹn đến chết mất! Nô tỳ vốn là
người Vĩnh Châu, từ nhỏ đã vào cung làm cung nữ, trước đây từng hầu hạ Khâm
Nhân Thái phi. Nhờ làm việc không đến nỗi quá vụng về nên mới được điều đến đây
hầu tiểu chủ.”
Tôi càng vui vẻ, ôn hòa nói: “Ngươi từng hầu hạ Thái phi,
nhất định là kẻ hiểu chuyện, đáng tin cậy. Ta có ngươi hầu hạ thì tha hồ yên
tâm rồi! Từ nay về sau, chuyện vặt trong Đường Lê cung phải phiền ngươi và
Khang công công lo liệu rồi!”
Mặt nàng ta ửng hồng, thành khẩn thưa: “Được hầu hạ tiểu chủ
là phúc đức của nô tỳ, nô tỳ nhất định sẽ cố gắng hết sức mình!”
Tôi quay đầu gọi Hoán Bích, dặn dò: “Lấy một đôi vòng vàng
ra thưởng cho Thôi thuận nhân.” Rồi lệnh cho nàng ta lấy thêm một đĩnh vàng
thưởng thêm cho Khang Lộc Hải.
Khang Lộc Hải được thưởng, vừa mừng vừa lo tiến vào cùng Cận
Tịch cung kính tạ ơn tôi, hầu hạ tôi nghỉ ngơi xong thì lui ra lo liệu những
việc vặt khác.