Cô Gái Thứ Ba - Chương 18 - 19 -20
Chương 18
Poirot ngừng tại cửa ra vào của Wedderburn
Gallery để ngắm một bức tranh trình bày ba con bò có màu sắc sặc sỡ, với thân
hình dài quá khổ và trên mình chúng là bóng dáng các cái cối xay gió to đùng và
rắc rối. Tất cả như được sắp xếp lại một cách ngẫu hứng.
- Đáng chú ý, phải không ông? - Một giọng nó
ngọt như mật thốt lên.
Một người đàn ông, giữa hai lứa tuổi, đứng
cạnh ông, phô ra hàm răng thật trắng.
- Nét vẽ tươi mát làm sao...
Hai bàn tay mũm mĩm của người đàn ông huơ
trong không khí như để vẽ lên những đường lượn.
- A?
Poirot bị kéo tới sau những tấm màn dài màu
xám, trong một căn phòng có những bức tường đầy tranh hiện đại. Ông dè dặt phát
biểu một vài nhận xét, được người hướng dẫn khuyến khích khéo léo.
- Những ý nghĩ của ông thật là đáng chú ý.
Chúng chứng tỏ là ông có những nhận xét rất tinh tế. Thiên hạ thường ưa những
gì gây ngay ấn tượng, như cái này... chẳng hạn.
Ông ta quay về phía một bức vẽ màu xanh dương
và xanh lá cây chỉ vẽ có một góc.
- Ông đã nhận thấy, không nghi ngờ gì nữa,
chất lượng của tác phẩm? Tôi dám nói rằng - đây chỉ là ý kiến cá nhân mà thôi -
đó là một kiệt tác của Raphael.
Poirot cùng ông ta đứng một lúc ngắm một viên
kim cương màu da cam nằm chếch với cặp mắt con người và treo trên một thứ có
thể là một mạng nhện.
Sau khi đã nhận thấy một điểm chung trong
khiếu thưởng thức nghệ thuật giữa hai người, không một ai tìm cách rút ngắn đi
cuộc nói chuyện. Poirot lợi dụng tình hình:
- Tôi nghĩ rằng có một cô là Frances Cary đã
làm việc ở đây cho ông?
- À, cô Frances. Một cô gái thông minh, rất
nghệ sĩ và nhiều năng lực. Cô ấy vừa từ Bồ Đào Nha trở về sau khi đã tổ chức ở
đó một cuộc triển lãm cho chúng tôi. Một thành công lớn.
- Người ta nói với tôi rằng cô ấy có nhiều
giúp đỡ cho những tài năng mới?
- Quả vậy, Frances quan tâm nhiều tới những
người đang tìm tòi, đang làm việc. Mùa xuân năm ngoái, cô ấy có đề nghị tôi tổ
chức một cuộc triển lãm nhỏ cho một nhóm nghệ sĩ chưa có tên tuổi. Một sự thành
công nhỏ. Báo chí có đề cập tới, không ồn ào, tất nhiên rồi. Phải, Frances có
những người được cô ấy nâng đỡ.
- Cái anh David gì đó... Tôi đã quên mất tên
rồi. Dường như cô Frances đã có một sự đánh giá về anh ta?
- Ông có nghĩ rằng đó là Peter Cardiff không?
Hắn là người đang được cô Frances bảo vệ, Frances đã ngồi làm mẫu cho hắn đấy.
- À! David Baker, đó là cái tên mà tôi cần
biết.
- Hắn không quá tồi đâu. Theo ý tôi thì không
được độc đáo lắm. Hắn thuộc về cái mhóm mà tôi vừa nói nhưng hắn không được chú
ý tới nhiều. Một tay vẽ nghiệp dư có năng khiếu, không hơn.
Poirot trở về nhà. Sau bữa ăn trưa, trong lúc
ông đang ngồi trong cái ghế bành, với ly cà phê ở trong tầm tay thì chuông điện
thoại reo.
- Bà Oliver, thưa ông. - George lên tiếng,
đặt máy nghe cạnh ông.
Poirot miễn cưỡng cầm lấy máy nghe. Ông không
muốn nói chuyện với bà Oliver. Ông có cảm giác là bà ta sẽ đề nghị ông làm một
việc gì đó mà ông không muốn tiến hành.
- Ông Poirot?
- Đúng tôi.
- Nay ông hiện đã tới đâu rồi?
- Tôi đang ngồi trong cái ghế bành... Tôi
đang suy nghĩ.
- Có thế thôi à?
- Đủ cho hiện tại rồi.
- Nhưng... ông phải tìm cho ra người con gái
chứ? Có lẽ cô ấy đã bị bắt cóc rồi!
- Có khả năng! Tôi vừa nhận được cái thư của
người cha. Ông ta yêu cầu tới báo cáo cho ông biết sự tiến triển của cuộc điều
tra của tôi.
- Vậy những tiến triển đó là gì?
- Trong lúc này, chưa có gì.
- Xem nào! Ông Poirot, ông phải khẩn trương
lên chứ?
- Cả bà nữa!
- Ông muốn nói gì vậy?
- Rằng bà đừng thúc ép tôi như vầy nữa!
- Vì sao ông không đi tới Chelsea, nơi mà tôi
đã bị đập đầu ấy?
- Bà muốn người ta đập luôn tôi nữa hả?
- Tôi không hiểu nổi ông! Tôi đã cung cấp cho
ông một hướng đi bằng cách tìm ra người con gái trong tiệm cà phê...
- Tôi biết, tôi biết.
- Và cái người đàn bà đã nhảy từ cửa sổ?
- Bà ấy cũng giống như nhiều người phụ nữ
khác. Trước tiên, họ còn trẻ và xinh đẹp, tiến hành nhiều mối tình, sau đó, họ
ít trẻ và ít xinh đẹp hơn nhưng vẫn tiến hành nhiều mối tình hơn, cho tới tàn
tạ họ thấy mình thật bất hạnh, liền bắt đầu nốc rượu, tưởng tượng mình bị ung
thư hay một căn bệnh nào đó vô phương cứu chữa, và đến một lúc nào đó, bị nỗi
tuyệt vọng và sự cô đơn giày vò, họ liền nhảy ra ngoài cửa sổ.
- Ông đã bảo cái chết của bà ta rất là quan
trọng... có thể soi một tia sáng vào sự việc cơ mà?
- Tôi đã trót tin như vậy.
- Đáng tiếc... Hết lời bình luận. - Bà Oliver
cúp máy.
Poirot ngồi dựa ngửa vào lưng ghế, ra dấu cho
George lấy cái ly cà phê đi và cả cái máy nghe, bắt đầu suy ngẫm về những gì mà
mình đã biết hoặc chưa biết. Để làm rõ ý nghĩ của mình, ông nói lớn tiếng, lặp
đi lặp lại ba câu hỏi quen thuộc:
- Ta đã biết gì? Ta hy vọng gì? Ta phải
làm gì?
- Ta đã biết gì?
Ông đã biết quá nhiều sự việc! Ông gạt câu
hỏi này ra và đi qua câu kế tiếp.
- Ta hy vọng gì?
Thật ra, ông có thể luôn luôn tin tưởng vào
những tế bào xám của ông hẳn sớm hay muộn câu trả lời cho vấn đề mà hiện nay
ông chưa hiểu rõ lắm.
- Ta phải làm gì?
Không chút do dự trong vấn đề này. Ông phải
tới thăm ông Andrev Restarick, người đang tuyệt vọng về cô con gái và sẽ trách
cứ ông rất nhiều vì đã không trả lại được con gái cho ông ta. Poirot rất hiểu
điều này và có cảm tình với nhà kinh doanh, nhưng ông ngán ngẩm việc phải gặp
mặt trong một ngày bất lợi như vậy. Ông chỉ còn một cách duy nhất là quay số
điện thoại và thông báo về sự việc.
Nhưng trước đó, ông phải trở lại câu hỏi mà
ông đã tạm gạt ra.
- Ta đã biết gì?
Ông biết rằng Wedderburn Gallery là một địa
điểm đáng nghi ngờ. Cho tới giờ, nó đã thành công trong công việc theo đúng
luật lệ, tuy nhiên, nó cũng không ngần ngại móc túi vài nhà triệu phú ngu dốt
bằng cách bán cho họ những bức tranh mờ ám tính xác thực.
Ông nhớ lại cái gã đàn ông, có cái ngón tay
mũm mĩm, hàm răng trắng và kết luận ông không có cảm tình với con người đó. Ông
đánh giá con người do có khả năng thành công trong những phi vụ bất lương trong
lúc vẫn khéo léo giữ được bề ngoài kinh doanh hợp pháp.Và cái tên David Baker
kia, cái con công ấy? Chàng trai này luôn sẵn sàng lao vào mọi cuộc mua bán chợ
đen, cưới một cô gái thừa kế giàu sụ vì tiền chứ không vì tình yêu, nếu có dịp
là để mình được mua bằng tiền. Đó cũng là sự đánh giá của ông Andrew Restarick
và ông ấy chắc là có lý. Ít ra...
Ông suy nghĩ về Restarick, căn cứ vào bức
chân dung được treo trên tường nhiều hơn về con người thực. Bộ mặt với các
đường nét đầy cá tính, cái cằm nhô ra, dáng dấp rất kiên quyết. Poirot để tâm
trí của ông nghiêng về phía bức chân dung của người vợ, những đường nét chua
chát của cái miệng... Có lẽ, ông sẽ đi tới Crosshedge một lần nữa để nhìn kỹ
hơn, tìm xem có dấu hiệu gì có thể ảnh hưởng tới cá tính của Norma... Norma!
Không! Ông chưa nên suy nghĩ tới cô này. Còn ai nữa?
Còn bà Restarick trẻ mà Sonia nghi ngờ là có
một người tình bởi vì bà ta thường đi Luân Đôn. Poirot cho rằng Sonia đã lầm.
Theo ý ông, người đàn bà trẻ tuổi này đã đi thăm những bất động sản phù hợp với
bà ta, những căn hộ sang trọng, những ngôi nhà trong vùng Mayfair, tóm lại tất
cả những gì có thể mua được bằng tiền.
Tiền... Dường như Poirot nhận thấy tất cả các
lối đường mòn đã hiện lên trong trí óc ông đều đi tới cái từ đó: TIỀN.
Cho tới giờ, không có gì chứng minh cho ý
nghĩ của nhà thám tử cho rằng cái chết bi thảm của bà Charpentier là một tác
phẩm của Norma cả. Không có bằng chứng, không có động cơ và tuy nhiên, ống thấy
dường như có một sợi dây liên hệ không thể chối cãi được. Người con gái đã tự
tố cáo có thể là mình đã phạm vào một vụ giết người, và một vụ chết người đã
diễn ra trong một hay hai hôm trước đó. Cái chết đã xảy ra trong ngôi nhà của
Norma. Nếu cái chết đó không liên quan gì tới sự vụ thì đó là một sự trùng hợp
quá lạ lùng. Ông lại nghĩ tới cái bệnh bí ẩn của Mary Restarick, một sự kiện
đơn giản tới mức nó trở thành kinh điển. Một vụ đầu độc mà thủ phạm có thể là
một người nào đó trong nhà. Mary Restarick đã tự đầu độc mình? Chồng của bà ta
đã tìm cách đầu độc người vợ của mình? Hay là Sonia? Norma? Tất cả đều dẫn tới
chỗ nhận xét cô này chính là thủ phạm.
Poirot thở dài, đứng dậy và yêu cầu George
gọi cho ông một xe tắc-xi. Ông không nên lỡ hẹn với Restarick.
Chương 19
Hôm đó, Claudia Reece-Holland vắng mặt. Thay
vào chỗ của cô ta, một người phụ nữ giữa hai lứa tuổi thông báo cho Poirot là
ông Restarick hiện đang đợi ông và bà ta đưa ông vào gặp.
- Sao? Restarick chờ cho người khách vừa bước
qua cửa đã hỏi ngay. Ông mang lại những tin gì mới về con gái tôi?
Poirot giơ hai tay lên.
- Cho tới giờ... không có gì.
- Nhưng, ông bạn phải có một cái gì đó chứ,
một dấu vết nào đó chứ? Norma không thể bốc hơi như vậy được!
- Nhiều cô gái đã như vậy rồi và sẽ còn nhiều
cô nữa cũng sẽ làm như vậy.
- Ông có biết là tôi sẵn sàng trả mọi chi phí
không?... Tôi... tôi không thể tiếp tục sống như thế này, trong nỗi lo âu này?
- Ông ta xem ra rất căng thẳng và đôi mắt
thâm quầng màu đỏ đã nói lên những đêm không ngủ mà ông đã trải qua.
- Tôi hiểu thế nào là nỗi lo âu của ông,
nhưng tôi có thể bảo đảm với ông rằng tôi đã cố hết sức trong phạm vi khả năng
của mình để tìm kiếm cô ấy.
- Có thể nó đã mất trí nhớ chăng?... Hay chí
ít nó cũng đau ốm? Hay là đã...
Poirot đoán Restarick đang trên đường đi tới
chỗ chết. Ông ngồi xuống phía bên kia bàn giấy và nói:
- Tôi thấy mình có bổn phận nhắc với ông rằng
kết quả sẽ khả quan hơn nếu ông yêu cầu giới cảnh sát.
- Không!
- Cảnh sát có những phương tiện hữu hiệu hơn
nhiều, có các nguồn thông tin nghiêm chỉnh hơn nhiều.
- Đừng hòng tìm cách lung lạc tôi nữa, ông
bạn ạ! Norma là con gái của tôi. Người con gái độc nhất của tôi!
- Ông có tin rằng đã nói hết với tôi... hoàn
toàn hết tất cả... về cô con gái của ông không?
- Tôi còn thêm được gì nữa?
- Ông là người quyết định, chứ không phải
tôi. Ví dụ, ông có, trong dĩ vãng bằng chứng nhỏ nhặt nào đó về trạng thái bất
ổn định về tinh thần của cô con gái của ông không?
- Ông nghĩ rằng... rằng...
- Tôi làm sao biết được?
- Và tôi? - Restarick chua chát nói. - Tôi đã
biết gì về nó? Sau bao nhiêu năm! Grace là một bà mẹ cau có, một người đàn bà
không hề biết tha lỗi, không biết tới việc quên đi. Có lúc tôi có cảm giác...
rằng bà ta không phải là loại người đáng được chỉ định để nuôi dưỡng Norma.
Ông đứng dậy, bước đi trong phòng một cách
bực dọc và trở lại ngồi tại chỗ cũ.
- Tất nhiên, đáng lẽ tôi không nên từ giã vợ
tôi. Tôi đã để cho Grace một mình phải nuôi Norma. Tôi nghĩ rằng, vào thời đó,
tôi đã tìm ra những lý do để biện bạch cho việc làm của tôi. Grace đã hoàn toàn
sống vì Norma, một người bảo trợ tuyệt vời. Nhưng vào giờ này, tôi tự hỏi bà ta
có thật như vậy hay không? Theo một vài bức thư của bà ta đã gửi cho tôi thì
thấy bà ta chỉ sống để trả thù mà thôi. Tôi nghĩ điều đó dù sao cũng tự nhiên
thôi! Đáng lẽ, thỉnh thoảng tôi nên trở về nước để xem đứa trẻ đã phát triển ra
sao. Tôi nghĩ rằng tôi đã không làm đúng lương tâm... Bây giờ, tìm cách xin lỗi
thì cũng chẳng ích lợi gì nữa...
Bỗng nhiên ông ta nhìn kỹ vào Poirot.
- Đúng, khi gặp lại Norma, tôi nhận thấy ngay
nó bị rối loạn thần kinh. Tôi đã hy vọng là nó và Mary... hiểu nhau hơn sau một
thời gian, nhưng tôi phải thừa nhận là con gái tôi đã không hoàn toàn bình
thường. Tôi đã nghĩ rằng tốt nhất cho nó là kiếm được một việc làm ở Luân Đôn
và chỉ nên về nhà chúng tôi vào cuối tuần. Tôi cho là mình đã làm hỏng mọi
việc... Nhưng nó hiện đang ở đâu hả Poirot? Nơi đâu? Ông có nghĩ rằng nó đã mất
hết trí nhớ không? Điều đó nhiều khi đã xảy ra...
- Tôi thừa nhận, đó là một khả năng. Cô ấy
đang lang thang trong cuộc phiêu lưu không biết rằng mình là ai. Cô ấy cũng có
thể bị tai nạn, nhưng rất ít có khả năng này. Tôi đã cho hỏi thăm tại tất cả
các bệnh viện rồi!
- Ông không nghĩ rằng nó đã chết chứ?
- Dễ tìm thấy cô ta chết hơn là còn
sống. Tôi xin ông, ông Restarick, hãy bình tĩnh. Có thể cô ấy có những bạn
bè mà ông không biết, và đang ở tại một nơi nào đó trên đất nước Anh này, những
người bạn mà cô ấy đã quen biết hồi còn ở với bà mẹ đẻ của cô, với bà dì hoặc tại
trường trung học. Mọi tìm tòi đều cần có thời gian và sau cùng, ông cũng phải
chấp nhận khả năng là cô ấy đang sống với người yêu của mình.
- David Baker ấy à? Nếu tôi mà biết được...
- Cô ấy không ở với David Baker đâu. Tôi có
thể cam đoan với ông điều đó.
- Làm sao tôi biết được hết bạn bè của nó? -
Ông thở dài. - Nếu tìm thấy nó, tôi sẽ lôi nó ra khỏi cái thế giới ruỗng nát
ấy.
- Thế giới nào?
- Cái đất nước này! Ông Poirot, từ khi trở về
tới nay, tôi rất là bất hạnh. Tôi vẫn luôn luôn ghét cuộc sống trong vùng Cité
này, cái vòng luẩn quẩn của những giờ văn phòng, những cuộc hẹn bất tận với
những luật gia, nhà tài chính. Tôi chỉ yêu có một cuộc sống mà thôi: đi xa, đi
tới một nơi nào đó, khám phá ra các đất nước hoang dã, hầu như là không thể tới
nơi được. Đó là cuộc sống duy nhất phù hợp với tôi và tôi đã không nên từ bỏ
nó. Tôi sẽ yêu cầu Norma đi cùng với tôi. Khi gặp lại nó, đó là cái điều mà tôi
sẽ yêu cầu nó. Tôi đã nghiên cứu nhiều để nhượng lại cái công ty này. Họ có thể
mua tất cả với một giá hời. Tôi sẽ lấy tiền để đi tới một đất nước chỉ tồn tại
và chỉ có ý nghĩa nào đó đối với tôi mà thôi.
- Và bà vợ ông sẽ nói gì?
- Mary? Cô ấy đã quen với lối sống này rồi.
Cô ấy đã chào đời ở nơi đó mà!
- Đối với những phụ nữ có nhiều tiền thì cuộc
sống ở Luân Đôn này rất hấp dẫn.
- Cô ấy sẽ hiểu tôi và đi theo chúng tôi.
Điện thoại reo. Restarick cầm lấy máy nghe.
- Phải. Từ Manchester à? Nếu quả đó là
Claudia-Reece Holland, hãy chuyển cho tôi. - Ông chờ một lát. - A lô, Claudia
đó hả? Đúng. Hãy nói lớn lên... Tôi nghe rất xấu. Họ đã chấp nhận rồi à?...
Tiếc thật! Không. Tôi nghĩ trái lại, cô đã giải quyết rất khéo... Đồng ý... Cô
hãy đi về bằng xe lửa tối nay. Sáng mai, chúng ta sẽ nói lại chuyện này.
Ông gác máy lại, tuyên bố:
- Một người con gái đáng chú ý!
- Cô Reece-Holland?
- Đúng. Hoàn toàn đáng chú ý. Cô ấy đã giúp
đỡ tôi rất nhiều. Tôi hầu như đã giao cho cô ấy toàn quyền để giải quyết công
việc ở Manchester, vì tôi tự thấy mình không còn đủ tâm trí lo liệu công việc
nữa và cô ấy đã khôn khéo giải quyết. Cô ấy mạnh mẽ như một người đàn ông vậy,
trên nhiều phương diện. A? ông Poirot, tôi lo rằng mình sẽ thiếu hụt sức lực.
Ông có cần thêm tiền để chi tiêu không?
- Thưa ông, không. Tôi hứa với ông rằng tôi
sẽ làm tất cả những gì có thể làm để trả cho ông con gái, hoàn toàn an toàn.
Tôi đã làm tất cả để bảo đảm an ninh cho cô ấy.
Ông rút lui và khi đã ra tới đường, ông ngước
hai mắt lên trời.
- Một câu trả lời khẳng định cho một câu hỏi,
- ông lẩm bẩm, - đó là tất cả những gì mà mình đang cần.
Chương 20
Hercule Poirot ngắm mặt tiền của ngôi nhà đồ
sộ đã có từ thời các vua George, nằm trong một vùng ngoại ô đã có nhiều thay
đổi. Tiến bộ đã len mau vào đây, nhưng vẻ sang trọng của “siêu thị” mới, cửa
tiệm Margery, cửa hiệu cà phê Peg và ngôi nhà ngân hàng bề thế vẫn chưa đụng
chạm tới con đường High Street.
Poirot gật đầu hài lòng khi để ý thấy cái búa
bằng đồng ở cửa ra vào còn sáng chói. Ông nhấn chuông.
Cánh cửa mở ngay tức khắc, một bà cao lớn
lịch sự, với mái tóc bạc được cuốn lên cao và dáng vẻ kiên quyết xuất hiện
- Ông Poirot? Ông rất đúng giờ.
- Cô Battersby?
- Đúng là tôi.
Bà mời ông vào, đặt cái nón của ông vào cái
máng áo tại sảnh và đi trước dẫn ông vào một căn phòng dễ chịu, cửa sổ mở ra
một căn vườn hẹp có các bức tường vây quanh.
Ra dấu mời ông ngồi vào ghế và bà cũng ngồi
xuống, chờ đợi. Rõ ràng bà Battersby không phải là hạng người chịu mất thì giờ
vào các chuyện mào đầu.
- Tôi nghĩ rằng quý cô là người cựu giám đốc
của trường trung học ở Meadowfield?
- Phải. Tôi đã về hưu rồi, cách đây một năm.
Tôi cho là ông muốn hỏi tôi về một người học trò cũ của tôi? Là Norma Restarick
phải không?
- Đúng là như vậy.
- Trong thư, ông không cho biết một chi tiết
nào. Tôi biết ông là ai rồi, ông Poirot ạ! Tôi muốn ông cho tôi một vài thông
tin trước khi tiếp tục câu chuyện. Ví dụ, ông có ý định mướn cô Norma
Restarick?
- Không hề! Nếu cô cho phép, tôi xin trình
bày.
- Xin mời ông.
- Tôi làm việc cho người cha của cô ấy, ông
Andrew Restarick.
- À! Tôi nghĩ là ông ấy vừa về nước Anh phải
không? Sau nhiều năm vắng mặt. Ông có thư giới thiệu của ông ấy không?
- Tôi đã yêu cầu ông ta điều đó.
Người phụ nữ già đưa mắt dò xét ông và Poirot
tiếp tục:
- Ông ấy có ngỏ ý muốn đi cùng tôi tới đây
nhưng điều đó sẽ cản trở việc tôi hỏi những vấn đề mà tôi quan tâm. Tôi e là
những câu trả lời của cô có thể làm ông ấy buồn.
- Đã có gì xảy ra với Norma?
- Tôi hy vọng rằng không có gì... tuy nhiên,
đấy cũng là một khả năng. Thưa cô Battersby, cô có nhớ tới cô ấy không ạ?
- Tôi nhớ tất cả học sinh của mình. Tôi có
một trí nhớ rất tốt, vả lại Meadowfield không phải là một trường lớn. Chỉ có
trên hai trăm nữ sinh thôi.
- Thưa cô, vì sao cô lại xin về hưu?
- Thưa ông Poirot, tôi nghĩ đó không phải là
việc ông cần quan tâm?
- Quả đúng vậy. Tôi chỉ tò mò một cách rất tự
nhiên mà thôi.
- Tôi đã bảy mươi tuổi rồi. Đó không phải là
một lý do chính đáng sao?
- Không đúng lắm trong trường hợp này. Cô xem
ra còn mạnh khỏe và có khả năng tiếp tục nhiệm vụ của mình trong nhiều năm nữa.
- Thời gian đã thay đổi rồi, ông Poirot ạ!
Người ta không phải ai cũng ưa mọi cách thay đổi. Tôi xin thỏa mãn câu hỏi của
ông. Tôi nhận thấy mình ngày càng ít có lòng kiên nhẫn đối với các bậc phụ
huynh. Những dự án mà họ đề xuất cho những cô con gái của họ ngày càng tỏ ra kỳ
quặc. Và bây giờ, xin ông cho tôi biết lý do của sự quan tâm của ông đối với
Norma Restarick?
- Cô ấy đã biến mất.
Xem ra cô Battersby không bị tác động lắm.
- Thật vậy? Khi ông nói từ “biến mất”, tôi
hình dung là ông muốn nói cô đã đi khỏi nhà không báo cho cha mẹ biết cái nơi
mà cô sẽ đến phải không? Tôi nghĩ là mẹ cô đã chết rồi, đây chỉ là việc của
người cha mà thôi. Nhưng điều đó có gì là lạ trong thời nay đâu. Ông Restarick
đã báo cho cảnh sát chưa?
- Ông ấy cự tuyệt hoàn toàn.
- Tôi có thể đoán chắc với ông rằng tôi không
hề biết cô hiện giờ ở đâu. Từ khi cô rời Meadowfield tới nay, tôi không có tin
tức tức gì về cô. Tôi e rằng mình chẳng giúp ích cho ông được một điều gì.
- Đó không phải là loại tin tức mà tôi muốn
tìm hiểu. Tôi muốn biết xem Norma là loại con gái nào. Xin cô tả cô ấy ra sao?
Tôi không nói về dáng vẻ bề ngoài mà về nết của cô ấy.
- Ở trường, Norma là một đứa học trò bình
thường như mọi đứa khác, việc học tập cũng thuộc loại trung bình.
- Cô có nghi ngờ là cô ấy bị rối loạn thần
kinh không?
- Không đúng như thế. Thêm nữa, cuộc sống của
cô ở gia đình cũng không cho thấy điều đó.
- Có thể vì lý do sức khỏe của người mẹ?
- Đúng. Norma có một gia đình không đoàn tụ.
Người cha mà cô rất quyến luyến, đột nhiên bỏ đi với một người phụ nữ khác. Bà
Restarick có thể đã gây chấn thương về tinh thần cho con gái mình khi nói cho
cô ấy biết cảm nghĩ của bà ta.
- Có lẽ, tôi phải hỏi về người đã chết một
chút?
- Ý kiến cá nhân của tôi ấy à?
- Nếu điều đó không làm phiền bà.
- Không. Theo tôi bà Restarick là một người
phụ nữ đức hạnh, trung thực, chặt chẽ về nguyên tắc, nghiêm khắc, và trong cuộc
sống không được hạnh phúc vì bà ta rất là kỳ quặc?
- A! Kỳ quặc?
- Một nữ bệnh nhân tưởng tượng, tự gán cho
mình bị đủ thứ bệnh tật. Bà ta tiêu phí thì giờ của mình trong các trại an
dưỡng. Một cảnh tượng rất buồn chán cho người con gái, nhất là trong khi cô ta
không có đầy đủ cá tính. Norma không có một tham vọng nào về trí tuệ, không có
một niềm tin tưởng nào về các khả năng của mình. Một công việc bình thường và
một mái ấm gia đình, đó là những điều tôi cầu chúc cho Norma.