Người đọc - Phần III - Chương 01 - 02 - 03

Phần ba

1

Mùa hè sau vụ án
tôi chỉ ở trong phòng đọc của thư viện trường đại học. Tôi đến khi phòng đọc mở
cửa và về khi đóng cửa. Cuối tuần tôi học ở nhà. Tôi học cắm cúi và mê muội,
đến nỗi mọi tình cảm và ý nghĩ vốn đã bị phiên tòa làm tê liệt thì nay vẫn giữ
nguyên trạng thái tê liệt. Tôi tránh tiếp xúc. Tôi chuyển ra khỏi nhà, thuê một
phòng, cự tuyệt cả mấy mống quen mặt vẫn bắt chuyện tôi ở phòng đọc hay đôi khi
ở rạp xem phim.

Trong học kỳ mùa
đông hầu như tôi cũng không cư xử khác đi. Mặc dù vậy tôi vẫn được hỏi có đi
trượt tuyết cùng một nhóm sinh viên trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Tôi ngạc nhiên
nhận lời.

Tôi trượt tuyết
không giỏi, nhưng ham, và ưa trượt nhanh, có thể sánh cùng những ai trượt giỏi.
Nhiều khi tôi liều lĩnh bất chấp nguy cơ tai nạn khi trượt đổ dốc là môn mà
thật ra tôi không đủ trình độ. Tôi cố tình làm thế. Một sự liều mạng khác mà
tôi dấn vào và rốt cuộc cũng xảy ra thì tôi hoàn toàn không nhận ra.

Tôi không bao giờ
biết lạnh. Trong khi mọi người mặc áo len và áo khoác đi trượt tuyết thì tôi
mặc sơ mi. Bọn họ chỉ lắc đầu nhìn và trêu chọc tôi. Nhưng ngay cả những lời
cảnh báo lo lắng của họ tôi cũng không quan tâm. Khi mới chớm ho, tôi cho rằng
do hút loại thuốc lá của Áo. Lúc đã bắt đầu sốt, tôi lại thích tình trạng đó.
Tôi thấy người yếu nhưng đồng thời nhẹ nhõm, mọi cảm quan nhẹ đi một cách dễ
chịu, mềm như bông, ấm áp. Tôi bay lơ lửng.

Rồi tôi sốt cao, bị
đưa đến bệnh viện. Khi xuất viện, cảm giác tê dại mất đi. Tất cả các vấn đề, sợ
hãi, cáo buộc và tự trách cứ, mọi nỗi kinh hoàng và đau đớn bùng phát trong phiên
tòa và lập tức bị tê liệt, bây giờ quay lại và trụ lại đó. Tôi không biết các
bác sĩ chẩn đoán gì, nếu một người không rét khi đáng lẽ phải rét. Tôi tự chẩn
đoán là cảm giác tê dại đã từng chế ngự cơ thể tôi, trước khi nó buông tôi ra,
trước khi tôi thoát được nó.

Sau khi tốt nghiệp
tôi bắt đầu giai đoạn tập sự, lúc đó là mùa hè của phong trào sinh viên. Tôi
quan tâm đến lịch sử và xã hội học, và trong lúc thực tập vẫn còn dính nhiều
đến trường đại học nên tiếp thu được tất cả. Tiếp thu không có nghĩa là tiếp
tay - nói cho cùng thì tôi dửng dưng trước đại học và cải cách đại học chẳng
khác gì trước Việt cộng và Hoa Kỳ. Chủ đề thứ ba, chủ đề chính của phong trào
sinh viên, là sự xung đột với quá khứ Quốc xã. Trong lĩnh vực này tôi nhận thấy
một khoảng cách giữa mình và các sinh viên khác, đến nỗi tôi không muốn cùng họ
đi cổ động và biểu tình.

Thỉnh thoảng tôi
nghĩ rằng sự xung đột với quá khứ Đức Quốc xã không phải là lý do, mà là biểu
hiện của mối xung khắc giữa các thế hệ, và người ta dễ nhận ta mối xung khắc đó
là động lực của phong trào sinh viên. Những mong đợi của lớp cha mẹ mà thế hệ
nào cũng phải vùng ra khỏi, chúng đơn giản đã bị hất bỏ, vì lớp cha mẹ trong Đế
chế thứ ba hay chậm nhất là sau đó đã tỏ ra bất lực. Những người đã từng phạm
tội ác phát xít, hoặc trơ mắt nhìn chúng phạn tội ác, hoặc sau 1945 dung túng
cho phép hay thậm chí chấp nhận bọn tội phạm chung sống với mình - làm sao để
những người ấy dạy bảo con cái được? Nhưng mặt khác thì quá khứ Đức Quốc xã
cũng không muốn trách cha mẹ mình điều gì. Đối với họ xung đột với quá khứ Đức
Quốc xã không phải là thể hiện của mối xung khắc thế hệ, mà chính là cốt lõi
vấn đề.

Tội lỗi tập thể dù
có bản chất gì về đạo lý hay pháp lý chăng nữa - đối với thế hệ sinh viên chúng
tôi đó là một thực tế đang được trải nghiệm. Không chỉ trong quan hệ với những
gì ngày xưa xảy ra trong Đế chế thứ ba. Chuyện bia mộ của người Do Thái bị bôi
bẩn với hình chữ thập ngoặc, nhiều tên Nazi ngày xưa tiến thân ở tòa án, cơ
quan công quyền và trường đại, Cộng hòa liên bang Đức không công nhận nhà nước
Israel, di cư và phản kháng ít được lưu truyền hơn là cuộc sống thích ứng - tất
cả khiến chúng tôi phải hổ thẹn, kể cả khi chúng tôi vạch mặt những kẻ có tội.
Vạch mặt những kẻ có tội nhưng không làm người ta trốn được hổ thẹn, nhưng nó
cũng chế ngự được nỗi đau khi hổ thẹn, biến nỗi đau thụ động khi hổ thẹn thành
năng lượng, hành động, vũ lực. Và cuộc xung đột với lớp cha mẹ tội lỗi hàm chứa
đầy năng lượng.

Tôi không vạch mặt
ai được. Với bố mẹ tôi đã đành là không, vì tôi chẳng có gì để buộc tội họ. Sự
năng nổ khảo cứu trong thời kỳ theo lớp chuyên đề khiến tôi buộc bố tôi phải hổ
thẹn, nay đã biến mất trong tôi, giày vò tôi. Và những tội trạng mà những người
trong xã hội xung quanh tôi mắc phải đều ít hơn so với hành động của Hanna.
Thật ra tôi phải vạch mặt Hanna mới đúng. Nhưng hóa ra tôi tự vạch mặt mình.
Tôi đã yêu Hanna. Không những yêu cô, tôi còn chọn cô. Tôi cố tự nhủ rằng khi
chọn Hanna tôi không biết gì về những việc cô đã từng làm. Qua đó tôi cố cãi
cho mình vô tội, vô tội như trẻ con yêu cha mẹ vậy. Nhưng tình yêu dành cho cha
mẹ là tình yêu duy nhất mà người ta không phải chịu trách nhiệm.

Và đôi khi người ta
vẫn phải chịu trách nhiệm cho tình yêu dành cho cha mẹ. Hồi đó tôi ghen tị với
các sinh viên khác khi họ đã tách khỏi được cha mẹ họ, như vậy là đã tách khỏi
cả thế hệ của những thủ phạm, của những kẻ trơ mắt nhìn, quay mặt đi, dung túng
và chấp nhận, qua đó nếu như không chế ngự được hổ thẹn thì cũng chế ngự được
nỗi đau trong hổ thẹn. Nhưng từ đâu sinh ra sự tự mãn hãnh tiến mà tôi hay
chứng kiến ở họ? Làm sao người ta có thể cảm nhận tội lỗi và hổ thẹn, đồng thời
tự mãn hãnh tiến? Liệu tách khỏi cha mẹ chỉ là âm thanh hùng biện át đi mối
liên đới bất khả phủ nhận với tội lỗi của cha mẹ khi ta vẫn dành tình yêu cho
họ?

Những ý nghĩ ấy sau
này mới có. Nhưng cả sau này chúng cũng không phải là niềm an ủi. Nỗi đau khổ
của tôi khi yêu Hanna xét về khía cạnh nào đó là số phận của thế hệ tôi, số
phận Đức, số phận mà tôi khó trốn tránh hơn, khó che đậy hơn những người khác.
Làm sao nỗi đau ấy lại là niềm an ủi được? Mặc dù vậy, kể như nếu hồi đó tôi có
thể hòa đồng hơn vào thế hệ của mình thì vẫn tốt cho tôi.

2

Trong thời gian tập
sự tôi đã lấy vợ. Gertrud và tôi làm quen nhau hồi đi trượt tuyết, và khi mọi
người hết kỳ nghỉ ra về thì cô ở lại đợi tới khi tôi được ra viện và đưa tôi
cùng về. Cô cũng là luật gia. Chúng tôi cùng học, cùng thi đỗ, cùng trở thành
luật gia tập sự. Chúng tôi cưới nhau khi Gertrud có mang.

Tôi không kể gì về
Hanna cho cô nghe. Tôi nghĩ, ai lại muốn nghe kể về những quan hệ ngày xưa của
người kia khi họ không hạnh phúc? Gertrud thông minh, tận tụy và trung thành.
Giả sử cuộc đời chúng tôi là một nông trại với nhiều người làm công, nhiều trẻ
con, nhiều công việc và không có thì giờ cho nhau, có lẽ chúng tôi sẽ thỏa mãn
và hạnh phúc. Nhưng cuộc đời chúng tôi lại là một căn hộ ba phòng trong khu nhà
mới xây ở ngoại ô, và con gái Julia và công việc luật gia tập sự của Gertrud và
tôi. Tôi không thể so sánh cuộc sống chung với Gertrud và với Hanna. Khi hai
chúng tôi ôm nhau, tôi luôn có cảm giác rằng có gì đó không ổn, rằng cô không
ổn, rằng ôm cô thấy khác và có cảm giác khác, rằng cô có mùi khác và vị khác.
Tôi hi vọng chuyện đó sẽ hết dần. Tôi muốn thoát hẳn khỏi Hanna. Nhưng cảm giác
bất ổn không bao giờ hết.

Khi Julia lên năm,
chúng tôi ly hôn. Chúng tôi không thể cố hơn được nữa, chia tay nhau không hề
cay đắng và vẫn duy trì quan hệ. Tôi đau khổ vì không giữ được tổ ấm cho Julia
như nó rõ ràng mong muốn. Mỗi khi Gertrud và tôi hòa thuận và âu yếm nhau,
Julia bơi trong bầu không khí ấy như cá trong nước. Đó là đất sống của nó. Khi
nhận ra sự căng thẳng giữa hai chúng tôi, nó chạy từ người này qua người kia và
quả quyết rằng chúng tôi rất đáng yêu và nó yêu cả hai. Nó chỉ muốn có một đứa
em trai, hoặc giả nhiều hơn thì càng vui. Một thời gian dài nó không hiểu ly
hôn là gì. Khi tôi đến thăm, nó muốn giữ chân tôi lại, và đến thăm tôi thì nó
muốn có Gertrud đi cùng. Lúc tôi đi, nó nhìn qua cửa sổ, và tôi đau khổ bước
lên ô tô dưới ánh mắt buồn bã của nó. Tôi có cảm giác Julia không chỉ mong
muốn, mà còn có quyền đòi những gì mà chúng tôi đã không cho nó được. Chúng tôi
đã truất quyền ấy của con qua cuộc ly hôn, và cuộc ly hôn thuận tình không có
nghĩa là lỗi lầm chỉ còn một nửa.

Tôi cố gắng tiếp
cận và khơi sâu những mối quan hệ sau đó cho tốt hơn. Tôi tự tạo cho mình ảo
ảnh rằng ôm một cô gái nào cũng có chút gì giống Hanna, có chút cảm giác giống
Hanna, có chút mùi vị giống Hanna - có thế thì ở bên nhau mới ổn. Và tôi kể về
Hanna. Tôi cũng kể cho cô gái khác nghe về mình, nhiều hơn là từng kể cho
Gertrud; họ sẽ phải tự rút ra kết luận từ cách hành xử hay tâm trạng của tôi mà
họ thấy kỳ quặc. Nhưng họ không muốn biết nhiều. Tôi còn nhớ đến Helen, một cô
gái Mỹ nghiên cứu khoa học. Trong khi nghe tôi kể chuyện, cô im lặng xoa lưng
tôi như dỗ dành, và cũng im lặng tiếp tục xoa lưng tôi như dỗ dành lúc tôi đã
kể xong. Gesina, một cô gái làm nghề tâm phân học cho rằng tôi phải khắc phục
hậu quả từ quan hệ với mẹ tôi, chẳng lẽ tôi chưa tự nhận thấy là mẹ tôi hầu như
không xuất hiện trong chuyện này hay sao? Hilke, nha sĩ, lúc nào cũng muốn biết
về thời gian trước khi chúng tôi đi với nhau, nhưng rồi quên ngay những gì tôi
vừa kể. Thế rồi tôi không kể nữa. Nếu sự thật của những gì ta nói ra chính là
hành động của ta, thì nói để làm gì.

3

Khi tôi làm bài thi
quốc gia thứ hai, ông giáo sư phụ trách lớp trại tập trung qua đời. Gertrud đọc
báo thấy tin cáo phó. Lễ mai táng diễn ra ở nghĩa trang trên núi, cô hỏi tôi có
muốn đến dự không.

Tôi không muốn.
Tang lễ vào chiều thứ Năm, mà sáng thứ Năm và thứ Sáu tôi phải viết bài kiểm
tra. Vả lại ông giáo sư và tôi cũng không thật gần gũi. Và tôi không ưa tang
lễ. Và tôi không muốn bị nhắc nhở đến vụ án.

Song đã quá muộn.
Hồi ức đã đánh thức, và khi tôi viết xong bài kiểm tra hôm thứ Năm thì trong
tôi như đã có cuộc hẹn với dĩ vãng không được phép để lỡ.

Tôi đi tàu điện -
một chuyện mà bình thường ra tôi không làm. Chính đó đã là một cuộc gặp gỡ với
quá khứ, giống như quay lại một điểm mà ta thân quen nhưng đã thay đổi bộ mặt. Hồi
Hanna làm việc ở công ty tàu điện, các chuyến tàu có hai hoặc ba toa, có sàn
đứng ở đầu và cuối toa, có bậc lên xuống mà khi tàu đã chuyển bánh người ta vẫn
có thể nhảy lên được. Dọc toa tàu là một dây cáp để lái tàu giật chuông báo
hiệu khởi hành. Vào mùa hè không có mái che sàn, nhân viên kiểm soát có nhiệm
vụ bán vé, bấm lỗ và soát vé, gọi tên các bến, báo hiệu tàu rời bến, ngóng
chừng lũ trẻ con chen chúc trên sàn đứng, quát tháo những khách nhảy tàu khi
tàu đang chạy, ngăn người lên tàu khi đã chặt chỗ. Có nhân viên soát vé vui vẻ,
khôi hài, nghiêm trang, bẳn tính và thô lỗ, và không khí trên toa cũng thường
giống tính khí hay tâm trạng của người soát vé. Tôi thật ngốc ngếch là sau khi
định gây bất ngờ không thành cho Hanna trên chuyến đi Schwetzingen cứ ngần ngại
lên tàu và xem Hanna làm soát vé ra sao.

Tôi leo lên tàu
điện không có nhân viên soát vé và đi đến nghĩa địa núi. Ngày thu trời lạnh,
bầu trời xám quang mây, mặt trời vàng thiếu hơi ấm có thể nhìn thẳng vào mà
không chói mắt. Tôi phải tìm một hồi lâu mới thấy nấm mộ, nơi cử hành lễ mai
táng. Tôi đi dưới hàng cây cao trụi lá, giữa những tấm bia cũ kỹ. Đôi lúc một
người làm vườn nghĩa trang hay một bà cụ cầm bình tưới và kéo tỉa cành đi ngược
lại. Thật im ắng, từ xa tôi đã nghe thấy bài thánh ca ngân lên bên mộ giáo sư.

Tôi đứng tách ra và
quan sát nhóm người dự tang lễ. Mấy người trong số họ rõ ràng là người ẩn dật
và lập dị. Trong điếu văn về cuộc đời và sự nghiệp của giáo sư có nói đến
chuyện ông đã rút lui khỏi những áp lực của xã hội, do đó mất hết quan hệ với
xã hội, ông đã sống tự lập và do đó trở thành ẩn sĩ.

Tôi nhận ra mặt một
sinh viên của lớp trại tập trung ngày xưa; anh ta hoàn thành bài thi quốc gia
trước tôi, mới đầu làm luật sư, sau mở quán rượu. Anh mặc áo măng tô dài màu
đỏ. “Bọn mình ở cùng lớp chuyên đề, cậu không nhớ nữa à?”

“Có chứ.” Chúng tôi
bắt tay nhau.

“Tớ đến tòa án vào
thứ Tư, và thỉnh thoảng tớ vẫn chở cậu đi cùng ô tô.” Anh cười. “Cậu đến đó
hằng ngày, hằng ngày và hằng tuần. Bây giờ cậu cho tớ biết tại sao?” Anh ta
nhìn tôi, thân thiện và tọc mạch, và tôi nhớ hồi ở lớp chuyên đề đã để ý đến
ánh mắt ấy.

“Tớ rất quan tâm
đến vụ án.”

“Vụ án rất làm cậu
quan tâm?” Anh ta lại cười. “Vụ án hay cô bị cáo mà cậu vẫn nhìn chòng chọc? Cô
nom khá được mắt ấy? Cả lớp hỏi nhau là hai người liệu có gì không, song không
ai dám hỏi thẳng cậu. Hồi đó ai cũng mẫn cảm và tế nhị đến phát khiếp. Cậu có
nhớ đến...” Anh nhắc đến một sinh viên khác trong lớp, anh này nói lắp và
ngọng, nói nhiều và dốt, vậy mà cả lớp chăm chú nghe, tựa như hắn nhả ngọc phun
châu. Anh ta còn nêu tên mấy sinh viên khác trong lớp, hồi đó ra sao và bây giờ
làm gì, kể tràng giang đại hải. Nhưng tôi biết là rốt cuộc anh ta sẽ quay lại
hỏi tôi: “Thế nào, chuyện ngày ấy giữa cậu với cô bị cáo ra sao?” Và tôi không
biết làm thế nào để trả lời, chối cãi, thú nhận hoặc tảng lờ.

Chúng tôi đã ra đến
cổng nghĩa trang, và anh ta hỏi. Tàu điện vừa rời bến, tôi kêu “Đi nhé” và chạy
vút đi, cứ như là có bậc để nhảy lên tàu vậy, tôi chạy bên cạnh tàu và xòe tay
đập lên cửa. Rồi chuyện không tin nổi và không mong đợi đã xảy ra: tàu điện
dừng lại, cửa mở ra, và tôi trèo lên.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3