Nghiên cứu phân tâm học - Phần I - Chương 03
3. Nguyên tắc khoan khoái và sự di chuyển tâm tình
Hai mươi lăm năm làm việc tận lực đã có kết quả là gán
cho kỹ thuật phân tâm những mục tiêu trực tiếp, khác hẳn với những mục tiêu lúc
ban đầu. Thoạt kỳ thủy, tất cả ngưỡng vọng của thầy thuốc phân tâm chỉ giới hạn
trong việc đưa ra ánh sáng những gì ẩn giấu trong tiềm thức người bệnh, sau khi
lập được mối liên lạc chặt chẽ giữa những yếu tố tiềm thức đã phơi bày ra ánh
sáng như thế người ta sẽ tùy nghi nói cho người bệnh biết. Phân tâm học trước hết
là một nghệ thuật giải thích. Nhưng vì nghệ thuật ấy không giải quyết được vấn
đề trị liệu pháp cho nên người ta dùng đến một phương tiện khác để người bệnh
xác định xem công việc phân tích để dựng lại quá khứ của họ có đúng hay không;
muốn như vậy, người ta tìm cách gợi cho người bệnh nhớ lại những chuyện quá khứ.
Trong sự cố gắng ấy, ông thầy vấp phải sự chống đối của người bệnh; nghệ thuật
phân tâm sẽ nhắm vào chỗ khám phá ra sự chống đối ấy càng nhanh chóng càng hay;
họ sẽ dùng đến ảnh hưởng của họ đến người khác thuần túy (nghĩa là dùng đến khả
năng gợi ý của ông thầy) để làm cho người bệnh bỏ được sự chống đối.
Tuy nhiên, càng tiến sâu vào con đường này, người ta càng
nhận thấy không thể đạt được hẳn mục đích theo đuổi: đem tiềm thức ra ngoài ánh
sáng ý thức. Người bệnh không thể nhớ lại hết cái gì đã dồn nén; thường thường
họ quên mất điều chính, thậm chí không thể nào làm cho họ tin được những gì
người ta nói cho họ biết. Muốn tin như vậy, bây giờ họ phải “sống lại”
những sự kiện dồn nén chứ không phải nhớ lại như một phần quá khứ của họ. Những
sự kiện sống lại như thế, họ lặp lại một cách đúng hệt, hơn cả sự mong mỏi của
ông thày; những sự kiện ấy phần nào liên hệ đến sinh hoạt dục tính tuổi thơ,
nhất là mặc cảm Oedipe và những sự kiện liên quan đến mặc cảm Oedipe, và bao giờ
cũng diễn ra trong phạm vi liên lạc giữa người bệnh và thầy thuốc. Khi việc trị
bệnh đã tiến đến mức ấy, người ta có thể nói rằng bệnh suy nhược thần kinh cũ
nhường chỗ cho bệnh mới, bệnh suy nhược thần kinh di chuyển (névrose de
transfert). Thầy thuốc cố gắng giới hạn lãnh vực của bệnh suy nhược thần kinh
di chuyển đó, biến đổi thật nhiều yếu tố thành sự kiện hồi tưởng đơn thuần và
chỉ để cho con bệnh “sống lại” thật ít những yếu tố ấy, chỉ để cho họ dùng thật
ít mà tái tạo tình trạng quá khứ. Tùy từng trường hợp mà những yếu tố hồi tưởng
được dùng ít hay nhiều để tái tạo tình trạng quá khứ. Nói chung thì ông thầy
không thể miễn trừ cho con bệnh giai đoạn ấy trong thời kỳ chữa bệnh; ông thầy
đành phải để họ sống lại một phần quãng đời quá khứ của họ, ông thầy chỉ làm
cách nào cho người bệnh giữ được ưu thế đến mức nào để họ nhận thấy rằng dẫu
sao thì những sự kiện họ sống lại và tái tạo ra cũng chỉ là giả dạng và chỉ là
phản ảnh một phần quá khứ bị quên. Khi công việc ấy đã thành công thì người ta
có thể làm cho con bệnh tin được, sự tin tưởng ấy là điều kiện tối yếu để trị
bệnh có kết quả.
Trong thời kỳ chữa bệnh bằng phương pháp phân tâm người bệnh
bị ám ảnh muốn tái tạo và sống lại quá khứ, làm như nó là một phần của hiện
tại; người ta sẽ lầm lớn nếu quan niệm rằng sự chống cự của người bệnh bắt
nguồn từ tiềm thức. Tiềm thức, nghĩa là yếu tố bị dồn nén không hề chống lại
việc trị bệnh; trái lại, nó tìm cách gạt bỏ những áp lực đè nén nó, nó tìm cách
mở một con đường đến ý thức để giải tỏ áp lực bằng một hành động thật sự. Sự
chống cự trong lúc trị bệnh bắt nguồn từ những lớp thượng từng và những hệ
thống thượng từng của tâm thần, chúng cùng ở một vị trí với những lớp đã tạo ra
sự dồn nén trước kia. Nhưng sự quan sát cho ta biết rằng nguyên nhân của sự chống
cự, và cả sự chống cự nữa, mới đầu ở trong tiềm thức, bởi vậy chúng tôi cần
phải sửa chữa một vài điều. Để tránh sự tối tăm và không rõ nghĩa, chúng tôi
thay thế quan điểm đối lập ý-thức-tiềm-thức bằng quan điểm đối lập giữa cái Tôi
mạch lạc và những yếu tố bị dồn nén. Hẳn là nhiều yếu tố của cái Tôi
cũng không ý thức được, đó là những yếu tố có thể coi là tạo thành cái nhân của
cái Tôi, chỉ có một vài yếu tố thuộc về loại mà chúng tôi gọi là tiền
ý thức (préconscient). Sau khi đã thay thế những danh từ chỉ có ý nghĩa mô
tả thuần túy bằng những danh từ có ý nghĩa hệ thống hay năng động, chúng tôi có
thể nói rằng sự chống cự của người bệnh bắt nguồn từ cái Tôi; chúng tôi
nhận thấy ngay rằng khuynh hướng tái tạo quá khứ chỉ có thể mật thiết với cái
gì bị dồn nén xuống tiềm thức. Có lẽ khuynh hướng ấy chỉ có thể xuất hiện khi
nào công việc trị bệnh đã huy động được những yếu tố bị dồn nén.[3]
[3] Ở nơi khác chúng tôi đã minh thị rằng khuynh hướng tái tạo
được phụ giúp bởi tác động gợi ý của ông thầy, nghĩa là con bệnh chiều theo ý
ông thầy, hành động của họ có nguồn gốc ở mặc cảm sợ cha mẹ.
Chắc chắn là sự chống cự của tiềm thức và tiền ý thức đều
phục vụ nguyên tắc khoan khoái, đều dùng để loại trừ sự khó chịu gây nên vì
những yếu tố bị dồn nén nếu những yếu tố ấy được tự do hoạt động. Bởi vậy cho
nên chúng tôi phải cố gắng dùng nguyên tắc thực tại làm cho người bệnh biết đến
sự khó chịu đó. Vậy, giữa nguyên tắc khoan khoái và khuynh hướng tái tạo quá
khứ, nói khác đi, giữa nguyên tắc khoan khoái và sự phát hiện năng động của
những yếu tố bị dồn nén có những liên lạc thế nào? Đã hiển nhiên là phần lớn
những cái gì được khuynh hướng tái tạo làm sống lại chỉ có thể có bản chất khó
chịu hay cực nhọc đối với cái Tôi, vì đại loại thì đó là những phát hiện
của những xu hướng bị đàn áp. Nhưng đó là một loại khó chịu mà chúng tôi đã
biết rõ giá trị và phẩm chất, chúng tôi biết rằng nó không mâu thuẫn với nguyên
tắc khoan khoái, bởi vì trong hệ thống này thì nó khó chịu thật, nhưng đặt vào
một hệ thống khác thì nó lại có nghĩa là khoan khoái. Nhưng bây giờ chúng ta
hãy bàn đến một hiện tượng lạ lùng khác: khuynh hướng tái tạo làm xuất hiện và
sống lại cả những sự việc quá khứ không có gì đáng khoan khoái cả, những sự
việc đối với những xu hướng bị đàn áp lúc ấy cũng không đem lại thỏa mãn được.
Sự nảy nở quá sớm của dục tính trẻ em chỉ tồn tại trong một
thời gian ngắn, vì thị dục của đứa trẻ không thích hợp với thực tại và trình độ
phát triển thiếu sót của đời sống trẻ em. Thời kỳ khủng hoảng đó rất cực nhọc
cho đứa bé vì nó gây ra cho đứa bé những cảm giác đau đớn. Tình yêu không thỏa
mãn, nhưng thất bại đó làm tổn thương sâu xa đến danh dự của nó và để lại dấu
vết trong khuynh hướng ngã ái[4] của nó; theo sự quan sát của
tôi và của Marcinowski tất đó là một trong những nguyên nhân chính của cảm
tưởng tự ti, rất thường có của người suy nhược thần kinh. Cuộc thám hiểu dục
giới của đứa trẻ không đem lại cho nó một kết luận thỏa đáng nào cả, rồi thì nó
lớn lên, tình trạng ấy chấm dứt; do đó mà sau này nó than thở: “Tôi không làm
được cái gì nên thân, không có cái gì thành công.” Sự âu yếm quyến luyến cha mẹ
(thường thường con gái quyến luyến cha, con trai quyến luyến mẹ) không thể chịu
đựng được thất bại, không thể dằn lòng chờ đợi thỏa mãn, không thể không ghen
tị khi cha mẹ sanh em nó; em nó ra đời là nó thấy một bằng chứng hiển nhiên về
sự thất tín của người nó yêu; nó có một ước vọng đối với nó là nghiêm chỉnh
nhưng bi thảm cho nó, đó là ước vọng nó sanh ra đứa con, dĩ nhiên ước vọng đó
thảm bại; sự âu yếu của cha mẹ trước kia nay giảm đi nhiều, sự giáo dục này
càng bắt nó vào khuôn phép, người ta bắt đầu nói sẵng với nó, bắt đầu trách
phạt nó; tất cả những sự kiện ấy làm cho nó ý thức được tầm rộng lớn của sự
khinh bỉ, từ nay nó phải chịu đựng tình cảnh đó. Mối tình điển hình của tuổi
thơ ngây chấm dứt theo một vài phương thức, những phương thức chấm dứt ấy sau
này cứ trở lại đều đều.
[4] Narcissisme.
Trong thời kỳ trị bệnh, người bệnh lợi dụng hiện tượng di chuyển
(transfert) để tái tạo và hồi sinh một cách khéo léo những sự tình không thể chấp
nhận được, những tình trạng đau đớn của họ. Như vậy, người bệnh làm ngưng trệ
cuộc điều trị, họ tìm cách tạo ra một tình trạng khả dĩ hồi sinh cảm tưởng bị mọi
người rẻ rúng như ngày xưa, họ làm cho ông thầy nói nặng họ, lạnh lùng với họ,
họ tìm ra cớ để ghen; họ thay thế ý muốn sanh đứa con ngày trước bằng dự định
và hứa hẹn biếu quà cáp quan trọng, thường thường cũng không thực như vậy mà
ngày xưa họ ham muốn. Tình trạng mà người bệnh tái tạo trong hiện tượng di chuyển
như thế ngày xưa thì không có gì khoan khoái thật vì đó là lần đầu họ lâm vào
tình trạng ấy. Nhưng người ta sẽ nói rằng bây giờ thì không đến nỗi khó chịu lắm
vì bây giờ chỉ còn là kỷ niệm hay mộng mị, chứ không như ngày xưa con người ở
trong tình trạng ấy thực sự và đời họ đã đổi hướng vì tình trạng ấy. Đó là tác
động của những xu hướng và bản năng mà trong thời kỳ họ bị chúng chi phối, họ
cho là sẽ đem lại khoan khoái; tuy rằng bây giờ họ
có đủ kinh nghiệm để biết rằng chờ đợi hưởng khoái lạc chỉ là hão huyền, nhưng
họ vẫn xử sự như người không học hỏi gì được kinh nghiệm quá khứ; họ vẫn tái
tạo tình trạng cũ, dẫu sao thì họ cũng bị thôi thúc bởi một sự ám ảnh.
Những sự kiện mà phân tâm học khám phá ra nhân việc nghiên
cứu những hiện tượng di chuyển của người suy nhược thần kinh, cũng thấy có
trong đời sống những người bình thường, không có gì là suy nhược. Quả vậy, một
vài người cho ta cảm tưởng rằng họ bị vận đen theo đuổi, hầu như họ bị ma trêu
quỷ ám; đã từ lâu phân tâm học cho rằng số mệnh của họ được cấu tạo ở ngoài
những biến cố ngoại giới và có thể quy về những ảnh hưởng đã tiếp thụ trong lúc
tuổi thơ ấu của họ. Trong trường hợp của họ sự ám ảnh không khác gì sự ám ảnh
thúc đẩy người suy nhược thần kinh tái tạo những sự tình và tình trạng tâm tình
của họ hồi nhỏ, tuy rằng những người bình thường ấy không cho thấy dấu hiệu một
cuộc xung đột có tính cách suy nhược thần kinh làm xuất hiện những triệu chứng
suy nhược. Chúng ta biết có những người giao thiệp với ai rốt cuộc cũng vẫn đi
đến kết cục như nhau khi thì là những người thi ân cho những người khác, sau
một thời gian kẻ chịu ơn không những quên ơn mà còn thù oán, bội nghĩa, hầu như
những kểẻ quên ơn đồng lòng với nhau bắt người mà họ chịu ơn phải sống cạn chén
sầu; khi thì là những người bạn bè nào rồi cũng phản bội họ; người khác nữa tận
tụy suốt đời đưa một người lên ngai vàng hoặc vì quyền lợi của mình, hoặc vì
quyền lợi của cả mọi người, rồi chẳng bao lâu họ lại truất quyền của người ấy
đi, kéo tuột xuống, thay thế bằng một thần tượng khác. Sau hết, chúng ta biết
có những người si tình, thái độ yêu đương đối với người đàn bà nào cũng qua
những giai đoạn như nhau để rồi đi đến kết quả như nhau. Trở đi trở lại mỗi một
trò như vậy cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta biết đó là một thái
độ hành động, khi chúng ta khám phá ra nét tính tình cố hữu của họ, yếu tính
của con người họ, chúng ta sẽ tự nhủ rằng nét tính tình ấy, yếu tính ấy, chỉ có
thể bộc lộ bằng cách nhắc lại mãi những kinh nghiệm tâm thần của họ. Nhưng
chúng ta sẽ ngạc nhiên hơn nếu chúng ta chứng kiến những sự việc nhắc đi nhắc
lại, diễn đi diễn lại trong một đời người, mà người ấy chỉ thụ động không tìm
cách nào can thiệp để biến đổi tình trạng. Thí dụ chuyện người đàn bà nọ lấy
chồng đến ba lần, lần nào cũng chỉ cưới nhau được ít lâu là chồng chết, bà ta
chỉ có thì giờ để lo thuốc thang rồi vuốt mắt cho chồng[5].
Trong một tập thơ, Jérusalem giải phóng, Torquato Tasso (Le Tasse) mô tả
một cách nên thơ số mệnh một người như thế. Nhân vật trong chuyện là Tancrède
giết người yêu của mình (Clorinde) mà không biết. Nàng mặc bộ áo giáp sắt của
địch để đánh nhau với chàng. Sau khi chôn cất cho Clorinde rồi chàng đi vào khu
rừng thiêng bí hiểm vẫn làm kinh sợ đội quân Thập tự. Chàng lấy kiếm chặt một
cây cổ thụ làm hai đoạn, nhưng thấy máu ở cây phun ra đồng thời nghe tiếng
Clorinde, linh hồn nàng nhập vào cây cổ thụ và than thở vì chàng lại giết nàng
một lần nữa.
[5] Xin coi những nhận xét của C.G. Jung trong bài “Die Bedeutung
des Vaters für das Schicksal des Einzelnen”, Jahrbuch für Psychoanalyse, I,
1909.
Đứng trước những hành vi của người suy nhược thần kinh trong
một giai đoạn trị bệnh và của một số lớn những người thường như thế, người ta
không thể không chấp nhận rằng trong sinh hoạt tâm thần có một khuynh hướng tái
tạo và nhắc lại không thể cưỡng được, khuynh hướng ấy tìm cách xác định, bất
chấp cả nguyên tắc khoan khoái và đứng ở trên cả nguyên tắc khoan khoái. Chấp
nhận khuynh hướng mạnh mẽ ấy rồi thì không có gì ngăn cản chúng ta cho rằng
khuynh hướng ấy chi phối giấc mơ của người suy nhược thần kinh ngoại thương
cũng như thói quen đứa trẻ nhắc lại cái gì nó đã trải qua trong trò chơi của
nó. Tuy nhiên, ít khi khuynh hướng nhắc lại phát lộ một mình và tinh thuần
không pha trộn với những nguyên nhân khác. Đối với trò chơi trẻ em chúng tôi đã
biết rằng còn có những cách giải thích khác. Khuynh hướng nhắc lại và sự tìm
khoan khoái bằng cách thỏa mãn trực tiếp một vài xu hướng hầu như kết hợp chặt
chẽ với nhau để tạo thành một toàn thể trong đó khó lòng phân biệt phần nào là
nhắc lại phần nào là tìm khoan khoái. Những hiện tượng di chuyển rõ ràng là
hình thức chống cự của cái Tôi, nó không chịu tiết lộ những yếu tố bị
dồn nén; còn như khuynh hướng nhắc lại mà ông thầy muốn lợi dụng để theo đuổi
mục đích của ông, thì vẫn cái Tôi đó cố gắng thích hợp với nguyên tắc
khoan khoái và lôi kéo về phía nó. Cái mà theo ngôn ngữ thường chúng ta gọi là
số hệ và đã nói trong một vài thí dụ trên kia, thì phần lớn có thể lấy lý trí
mà giải thích được, như vậy chúng ta khỏi phải đưa vào đây một nguyên nhân khác
bí hiểm ít hay nhiều. Trường hợp ít ngờ vực nhất có lẽ là trường hợp giấc mơ
tái tạo tai nạn gây ra ngoại thương; nhưng suy nghĩ kỹ thì còn rất nhiều trường
hợp không thể giải thích bằng những nguyên nhân mà chúng ta biết. Những trường
hợp ấy có nhiều đặc điểm khiến cho chúng ta chấp nhận rằng có sự can thiệp của
khuynh hướng nhắc lại, khuynh hướng này có vẻ nguyên sơ, thúc dục một cách mù
quáng hơn nguyên tắc khoan khoái và thường khi lấn áp cả nguyên tắc khoan
khoái. Nếu trong sinh hoạt tâm thần có thực một khuynh hướng nhắc lại như thế
thì chúng ta rất hiếu kỳ muốn biết nó ăn nhập với chức vụ nào, nó phát hiện
trong những điều kiện nào, nó có những liên lạc gì với nguyên tắc khoan khoái
mà đến nay chúng tôi đã gán cho một vai trò chủ chốt trong sự diễn biến những
tiến trình sinh hoạt tâm thần.