02. Lái Đò Việt Nam Cũng Có Khác
LÁI ĐÒ VIỆT-NAM CŨNG CÓ KHÁC
Nói đến giai-thoại văn-chương Việt-Nam, trước hết chúng ta phải nói đến chuyện một nhà thơ giả làm lái đò chở sứ Trung-quốc đi.
Chuyện này không phải là chuyện bịa đặt như chuyện Cống-Quỳnh đâu, mà nói có sách, mách có chứng rõ ràng. Sự tích còn ghi trong lịch-sử của con Hồng cháu Lạc từ đời Lê-Đại-Hành.
Năm 907, vua nhà Tống bên Trung-quốc sai sứ là Lý-Giác sang. Nghe tiếng họ Lý là người nổi tiếng về văn thơ, vua Đại-Hành liền sai nhà sư Đỗ-Thuận cải trang giả làm lái đò ra đón ở bến đò Sách-giang.
Khi bước chân xuống đò, Lý-Giác thấy trên mặt sông có hai con ngỗng liền cao hứng đọc lên hai câu :
Nga nga lưỡng nga nga, 鵝鵝兩鵝鵝
Ngưỡng diện hướng thiên nha. 仰面向天涯
Lý-Giác vừa đọc xong thì anh lái đò cũng đọc tiếp ngay rằng :
Bạch mao phô lục thủy, 白毛鋪綠水
Hồng trạo bãi thanh ba. 紅掉擺青波
Họ Lý tưởng mình là thơ hay, nhân-vật nước Nam đâu có ai sánh được và hai câu của mình là tuyệt tác, là đủ rồi. Nhưng không ngờ anh lái đò này lại thơ hay hơn mình. Phải có hai câu của anh, bài thơ con ngỗng mới thành được bài thơ tứ tuyệt đáng giá :
Nga nga lưỡng nga nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha.
Bạch mao phô lục thủy,
Hồng trạo bãi thanh ba.
Xin tạm dịch :
Một đôi ngỗng xinh xinh,
Ngửa mặt nhìn trời thinh.
Lông trắng pha nước biếc,
Chèo hồng quậy sóng xanh.
Thật là cả ý lẫn lời không kém gì những bài thơ hay của đời Hán đời Đường.
Họ Lý nghe xong phải cả thẹn và giựt mình, trên đường đi từ bến Sách-giang đến Tràng-An, kinh-đô vua Đại-Hành, sứ-giả của đất con Trời không còn dám hiu hiu tự đắc, khoe khoang văn tự nữa. Người nước Nam đến cả những anh chèo đò còn tài hoa như vậy, huống chi những người tai mắt ở những nơi miếu đường.
Chính cũng do đó, mà Lý-Giác phải kính trọng vua Lê-Đại-Hành cũng như kính trọng vua nhà Tống và rất có cảm tình với Việt-Nam vì căn cứ vào việc trên, họ Lý cho rằng nước ta tuy nhỏ, nhưng thật là văn hiến chi bang.
Chẳng những thế thôi, trên đường đi, họ Lý lại còn mến phục cả anh lái đò, nhận anh là một làng thơ, nên khi tới sứ quán mới làm một bài Đường luật cho anh lái giả để tỏ tâm sự kính trọng nhà vua và mến nước Nam ta :
Hạnh ngộ minh thi tán thịnh du,
Nhất thân nhị độ sứ Giao-chu.
Đông-đô lưỡng biệt tâm vưu luyến,
Nam-Việt thiên trùng vọng vị hưu,
Mã đạp yên vân xuyên lãng thạch,
Xa từ thanh chướng phiếm trường lưu,
Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu,
Khê đàm ba tĩnh hiện thiềm thu.
辛遇明辰贊盛猷
一身二度使交州
東都兩別心尤憋
南越千重望未休
馬踏煙雲穿浪石
車辭青嶂泛長流
天外有天應遠照
溪潭波靜見蟾秋
Nghĩa là :
May mắn gặp thời ruổi vó câu,
Một mình hai chuyến xứ Giao-châu.
Đông-đô cám cảnh đôi lần biệt,
Nam-Việt ghi tình mấy dặm sâu,
Vó ngựa đạp non mây mờ dấu,
Vòng xe lăn núi, nước khe thâu.
Ngoài trời còn trời soi sáng nữa,
Khe lặng đầm trong bóng nguyệt chầu.
Sự tích trên đây là một giai thoại văn chương giữa sứ giả nhà Tống bên Trung-quốc và nhà sư Đỗ-Thuận đời Lê. Nhưng qua đó, chúng tôi nhận thấy rằng, nền văn học nước ta tuy sang đến đời nhà Lý mới có tổ chức và thi cử. Song ngay từ đời Lê-Đại-Hành việc học ở trong nước đã thịnh, và đã có những câu thơ rất già dặn, bóng bẩy làm cho nước ngoài phải kính phục. Và các nhà tu hồi đó cũng khác với nhà tu bây giờ vậy.